Kawakami xuất hiện trên sân khấu một chương trình giao lưu cạnh Haruki Murakami tại Tokyo, năm 2019 - Ảnh: AP

Nhà văn vì nữ quyền

Viết để khám phá chất “lạ lẫm và ngẫu nhiên” của đời sống, Ngực và Trứng, tác phẩm gây tiếng vang đặc biệt được chấp bút bởi Mieko Kawakami, có lịch phát hành quốc tế ngay khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát nghiêm trọng. Phải dừng hàng loạt chương trình giao lưu với độc giả châu Âu và Bắc Mỹ, tác giả người Nhật này thường trực ở nhà chăm sóc con nhỏ. Tuy nhiên, không vì thế mà Kawakami ngưng trăn trở trước giá trị phụ nữ, đề tài từ lâu “hun đúc” bản lĩnh sáng tác trong cô. 

“Như thể có tư duy mặc định rằng, phụ nữ khi làm mẹ sẽ sẵn sàng chấp nhận mọi gánh nặng”, Kawakami chia sẻ, “Chúng tôi được “giao” nhiệm vụ chăm sóc con cái, dạy dỗ, chuẩn bị từng bữa ăn cho chúng, cùng đủ loại công việc khác, trong khi hầu hết phụ nữ phải gồng gánh cả công việc bên ngoài”. 

Kawakami tạo dựng tên tuổi như một nhà văn “vì nữ quyền” độc nhất vô nhị tại Nhật Bản. Ngực và Trứng, tựa sách ghi dấu đầu tiên của cô, ban đầu là một dự án blog điện tử. Bằng chất giọng osaka đặc trưng, Kawakami chuyển tải hình ảnh người phụ nữ thuộc tầng lớp lao động - một đề tài bấy lâu bị bỏ ngỏ trong văn đàn Nhật - trở thành tiêu điểm lôi cuốn khi tác phẩm phát hành năm 2008. 

Trung tâm câu chuyện là Makiko, một tiếp viên quán bar và là mẹ đơn thân bắt đầu có tuổi. Con gái cô, Midoriko, vừa bước sang tuổi dậy thì - giai đoạn đầy biến động tâm sinh lý, chỉ thích trò chuyện với mẹ qua những mảnh giấy ghi lời nhắn. Khi nhóm tiếp viên trẻ đẹp hơn bắt đầu cô lập Makiko tại nơi làm việc, cô dần bị ám ảnh bởi việc nâng ngực, hy vọng có thể trông quyến rũ với “thân hình như người mẫu trên tạp chí phụ nữ”. 

Nơi một thế giới văn chương xưa nay chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư duy phụ hệ, cuốn tiểu thuyết bán chạy đến mức gây bất ngờ. Xen lẫn phong cách hành văn vui tươi, đôi phần lãng đãng, Kawakami khéo léo lồng ghép một số băn khoăn nghiêm túc. 

Phụ nữ được phép lựa chọn gì một khi đã bị “trói buộc” bởi trách nhiệm gia đình? Vì sao họ luôn phải ám ảnh trước những kỳ vọng phi lý về hình thể?

Không ít nhà phê bình đề cao văn hóa truyền thống phản ứng “khó chịu” trước chủ trương lột tả giá trị phụ nữ Kawakami theo đuổi. Bất kể chỉ trích trái chiều, Ngực và Trứng vẫn bán ra hơn 250.000 bản tại quê nhà. 

Kawakami tiếp tục tích cực sáng tác sau đó, minh chứng qua hàng loạt giải thưởng văn học lớn nhỏ ở thể loại hư cấu, thơ và truyện ngắn. Cô đồng thời được độc giả nước ngoài chú ý nhiều hơn thời gian gần đây, với hơn mười hợp đồng dịch - tái bản Ngực và Trứng sang nhiều thứ tiếng. 

Mieko Kawakami - Ảnh: the New York Times

Như cây cao mạnh mẽ vươn cành, như sông chảy từ tốn ra biển lớn

Với những tác phẩm đặc sắc không kém, như Thiên đường (xuất bản lần đầu năm 2009) và Đêm thuộc về tình nhân (năm 2013), đã có kế hoạch chuyển ngữ sang tiếng Anh từ năm tới, cô cũng là nhà văn trẻ hiếm hoi được vinh danh bởi Haruki Murakami, tiểu thuyết gia nổi tiếng xứ hoa anh đào. “Như một cây cao mạnh mẽ vươn cành hay như dòng sông chảy từ tốn ra biển lớn, Kawakami sẽ không ngừng phát triển và tiến bộ”, ông nói.

Tuy nhiên, Kawakami từng gay gắt phản biện cha đẻ của Rừng Na Uy, khi cả hai gặp gỡ trong chuỗi chương trình tọa đàm năm 2017. Nữ văn sĩ đề cập đến nét kỳ thị giới tính mà cô cho rằng ẩn hiện nơi ngòi bút Murakami. “Tôi muốn nói đến lượng lớn những nhân vật nữ, đơn thuần sắm vai biểu tượng khêu gợi”.

Cô ngụ ý đến cách nhiều phụ nữ tồn tại trên trang sách của Murakami chỉ để “hy sinh” cho tuyến nhân vật nam chính. Cô còn nhìn nhận, nhiều tác giả trong nước đang mãi trung thành với hình ảnh “geisha và núi Phú Sĩ”. “Con người Nhật Bản không chỉ như thế. Tôi không muốn viết sách chỉ để mô tả những đặc điểm như thế. Tôi muốn viết về đời thật”, Kawakami bày tỏ.

Đứa trẻ nôn nóng được trưởng thành

Lớn lên trong nghèo khó tại Osaka, Kawakami thiếu vắng tình thương của cha từ nhỏ. Năm 14 tuổi, cô đã làm công nhân để phụ giúp gia đình, tại một xưởng sản xuất máy sưởi và quạt điện. Kawakami tự nhận mình “là đứa trẻ trầm tư, thích hỏi về những thứ kỳ quặc và rất nôn nóng được 
trưởng thành”. 

Tương tự Makiko - nhân vật chính trong Ngực và Trứng, Kawakami từng làm tiếp viên quán rượu, công việc thường thu hút nhiều cô gái thuộc tầng lớp lao động muốn vươn lên khỏi cái nghèo cùng nỗi sợ thất nghiệp. Xuất thân của cô, dĩ nhiên, khác xa đa số đồng nghiệp tốt nghiệp loại giỏi ở những trường đại học danh giá nhất nước Nhật. 

Bìa sách "Ngực và Trứng". Tác phẩm từng được nhà xuất bản Phụ Nữ chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam năm 2011 - Ảnh: Metropolis Japan

Trong quá khứ, Kawakami chưa từng nghĩ sẽ sống bằng nghề viết, cạnh tranh tìm chỗ đứng nơi một văn đàn luôn xem trọng ý niệm truyền thống. Chuỗi bài blog đầu tiên cô đăng tải trên internet, đào sâu vào chủ đề chân thật như gia đình, tính dục và nữ quyền, tuy vậy, lại thu hút lượng lớn độc giả đang tìm kiếm cách nhìn trực diện, thấu cảm hơn về cuộc sống, đặc biệt thông qua một giọng văn nữ.

Khi dấn thân vào hoạt động văn chương, Kawakami dần cảm nhận, mỗi người đều có quyền tranh đấu vì nữ quyền dẫu xét trên khía cạnh giới tính, đây là một vấn đề đòi hỏi những cố gắng không ngơi nghỉ. “Đàn ông luôn chật vật để thấu hiểu phụ nữ”, cô nói. “Họ không trải qua nỗi vất vả khi mang thai hay nguy cơ trầm cảm sau sinh”. Kawakami bông đùa so sánh cuộc hôn nhân với văn sĩ đồng nghiệp Kazushige Abe như “một cuộc chiến”.

Nếu phần lớn cảm hứng sáng tác ở Kawakami đến từ đời sống phụ nữ, phần còn lại xoay quanh gia đình và trẻ nhỏ. Cô mô tả tuổi thơ mình từng trải hệt như “địa ngục”. Trong nhiều tác phẩm của Kawakami, những đứa trẻ thường xuyên bị mắc kẹt ở một mái nhà bất hạnh, bị bủa vây bởi bao nỗi khó khăn, cô độc. 

Kawakami tiết lộ: “Tôi cố gắng quan sát từ góc độ một đứa trẻ - cách chúng nhìn ngắm thế giới xung quanh. Và điều đó đôi khi có thể khiến bạn choáng ngợp khi nhận ra mình đang tồn tại. Hay một ngày nọ, bỗng dưng bạn thấy mình đứng ở đây, giữa dòng đời này một cách rất khó thấu hiểu”. 

Tình mẫu tử, theo Kawakami, giúp khắc họa sâu sắc hơn ý nghĩa cuộc sống. “Khi ngắm con trai say ngủ và nghĩ tương lai thằng bé, tôi lo sợ lúc lớn lên nó sẽ bị ốm, sẽ phải trải nghiệm nỗi đau, mất mát. Khi ấy tôi nhận ra, mình là người viết nên “trang” đầu tiên trong cuộc đời con. Bạn có thể cảm nhận vẻ đẹp lẫn sự khắc nghiệt kỳ lạ khi tạo dựng một mầm sống mới”. 

Công việc làm mẹ lúc này buộc nữ văn sĩ tiết giảm thời gian sáng tác. Tuy nhiên, đam mê dành cho văn học và niềm tin trước giá trị nữ quyền hiện hữu bền vững trong cô. “Phụ nữ ngày nay không còn muốn im lặng chịu đựng”, cô nói. “Nhiều bạn trẻ giờ đây có thể tự do lên tiếng vì sự bình quyền, dù chặng đường đấu tranh hãy còn dài.

Sẽ rất khó đổi mới tư duy truyền thống cứng nhắc bấy lâu ở nam giới. Nhưng khi có tuổi, chúng ta sẽ thấy bản thân mềm yếu hơn. Chúng ta đang ở một thời điểm thích hợp để chất vấn và mưu cầu sự thay đổi”. 

Theo phunuonline