Tại sao tỷ lệ người trẻ ở Mỹ sống chung với cha mẹ tăng cao?
Cập nhật lúc 15:58, Thứ ba, 08/09/2020 (GMT+7)
Một nghiên cứu mới cho thấy trong tháng 7 có tới 52% số người từ 18-29 tuổi ở Mỹ sống chung với cha, mẹ hoặc cả hai, tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng thập niên 1930.
Ngày càng có nhiều người trẻ ở Mỹ sống chung với cha, mẹ hoặc cả hai - CHỤP MÀN HÌNH CNN
Nghiên cứu mới do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành, sử dụng dữ liệu hằng tháng của Cơ quan thống kê dân số Mỹ, theo CNN. Cụ thể, số người trẻ ở Mỹ sống chung với cha mẹ trong tháng 7 là 26,6 triệu người, tăng thêm 2,6 triệu người so với tháng 2, theo Pew.
Pew lưu ý rằng trong nhóm tuổi nói trên, những người từ 18-24 tuổi có khuynh hướng sống chung với cha mẹ nhiều nhất. Pew còn lưu ý trước đây người trẻ da trắng có khuynh hướng ít sống chung với cha mẹ so với những người cùng trang lứa gốc châu Á và da màu. Tuy nhiên, khoảng cách này đã thu hẹp từ tháng 2.2020 khi số người trẻ da trắng sống chung với cha, mẹ hoặc cả hai tăng nhanh hơn so với các nhóm sắc tộc khác.
Đại dịch Covid-19 có thể là nguyên nhân làm gia tăng khuynh hướng người trẻ ở Mỹ sống chung với cha, mẹ. Trước khi đại dịch bùng nổ, một phần lớn trong nhóm tuổi 18-29 sống chung với cha mẹ. Trong tháng 7.2019 có 47% số người trẻ sống chung với cha hoặc mẹ.
Theo Pew, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người trẻ gặp khó khăn về tài chính nên họ có khuynh hướng trở về nhà với cha mẹ. Khoảng ¼ số lao động trẻ, trong độ tuổi 16-24, mất việc trong giai đoạn từ tháng 2-5. Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ mất việc hoặc bị cắt lương trong nhóm người từ 18-24 tuổi cao hơn so với tỷ lệ tương ứng trong những nhóm tuổi khác.
Theo thanhnien