Ảnh minh hoạ
Tôi 42 tuổi, vợ 38 tuổi, có bé trai 5 tuổi và bé gái 2 tuổi. Vợ chồng sống chung với ba mẹ tôi. Chúng tôi cùng đi làm, con đi học, thu nhập của tôi cao hơn vợ nhiều lần. Vợ giữ tài khoản và tính toán chi tiêu, hiếu hỉ, tiết kiệm, thỉnh thoảng cũng làm từ thiện. Tôi ít khi có ý kiến về việc quản lý tài chính của vợ. Ba mẹ tôi có lương hưu, hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc tiền bạc con cái.
Khi chưa có con, vợ chồng tôi mua được miếng đất ở ven Sài Gòn, ba mẹ vẫn ở quê. Trên tôi có hai chị gái, gia đình ổn định ở quận 12, cả nhà thống nhất để ba mẹ tôi bán nhà ở quê, vợ chồng tôi bán đất rồi vay thêm một ít mua đất xây nhà tại quận 12 để ở gần. Tôi là con trai lớn, dưới có một em trai đang ở Đắk Lắk, có nhà riêng, vì thế chúng tôi ở chung với ba mẹ cũng hợp lý. Điều này vợ tôi cũng đồng ý vì ngại từ chối, với lại cũng vì thương ba mẹ chồng (trước đây cô ấy khá thần tượng ba mẹ tôi), không nghĩ ra cách nào có thể hợp lý hơn. Nhà cửa đất đai do ba mẹ tôi đứng tên. Dù không được hỏi ý kiến về việc đứng tên tài sản, cô ấy cũng tâm sự với em gái rằng ông bà đứng tên là hợp lý, an tâm tuổi già, vợ chồng còn trẻ sau này có gì phức tạp thì mình làm lại.
Tuy nhiên kể từ khi làm nhà đã phát sinh vấn đề. Nghĩ tụi tôi còn trẻ, không có kinh nghiệm nên việc xây nhà ba mẹ để các anh chị quyết. Trong quá trình làm nhà, tôi có tham gia một số việc như chọn gạch, đóng trần, cầu thang..., nếu có gì không hợp lý là chị tôi gọi điện la rầy, vì thế vợ tôi rất buồn và hay khóc. Khi dọn về nhà mới, cô ấy hầu như khóc mỗi đêm. Rồi sống chung với mẹ chồng, bạn bè người nhà ghé chơi không thoải mái, quan điểm khác nhau, cô ấy lại càng thêm chán. Sau này có con nhỏ, mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn chuyện nuôi dạy con. Vợ tôi hay đọc sách, muốn nuôi dạy con theo ý mình, do những khác biệt về thế hệ nên cô ấy bị áp lực. Vợ thừa nhận ông bà nội của con khá hiện đại, biết tiếp thu nhưng cô ấy vẫn áp lực, nhất là khi con khóc. Điều đó dẫn đến việc vợ tôi từng đánh và nạt nộ con. Cô ấy đi bác sĩ tâm lý, uống thuốc chống trầm cảm (tôi không biết những điều này trước đây).Gia đình tôi có tiếng gia giáo, đàng hoàng; điều này vợ cũng thừa nhận khi tâm sự với bố mẹ đẻ. Cô ấy nói nhà chồng rất tốt, chỉ có quan điểm khác nhau nên mệt mỏi. Cơm nước vợ không phải lo, chỉ đi làm rồi về chơi với con. Tôi nghĩ chắc do vợ quá suy nghĩ, tính lại nhạy cảm, dễ tủi thân.
Càng ngày vợ càng khó tính. Trước đây cô ấy dịu dàng, bao dung, nhường nhịn thì từ khi có con dễ nổi nóng, thậm chí nhiều khi làm mất hình tượng. Tôi làm cái gì không vừa ý là vợ nhăn nhó, thậm chí chửi tôi trước mặt ba mẹ. Hồi còn ở trọ, có chồng rồi nhưng nhiều người vẫn mến vợ tôi, trông cô ấy trẻ hơn tuổi, dịu dàng, đằm thắm, vô lo. Cả ba mẹ tôi từng luôn xuýt xoa, tự hào về con dâu vì sự xinh xắn, lễ phép, biết quan tâm nhường nhịn, rất tử tế. Giờ vợ tôi cứ khó đăm đăm, cằn nhằn, không gì có thể vừa ý cô ấy, thường xuyên to tiếng nếu ai đụng đến mình, các con cũng ảnh hưởng tính mẹ phần nào. Tôi và ba mẹ lại luôn nói năng nhẹ nhàng, lịch sự. Quan điểm nuôi con của vợ tốt nhưng thực hành thì không thể làm gương cho con, các cháu có lẽ cũng không lễ phép giống mẹ.
Công việc khiến tôi áp lực áp lực, rồi vợ chồng hay lục đục nên chuyện chăn gối thưa thớt, hầu như ngủ riêng. Vợ từng sang phòng tôi nhưng tôi từ chối, kêu mệt; cô ấy lại đi về phòng ngủ với các con. Tôi nghĩ đây không phải nguyên nhân dẫn đến vợ thay đổi bởi cô ấy đã thay đổi từ trước rồi. Tôi cũng không có quan hệ ngoài luồng. Giờ bản thân muốn thay đổi không khí gia đình, muốn vợ như trước đây. Tôi vẫn yêu cô ấy vì trong thâm tâm nghĩ vợ là người tốt. Cô ấy sinh ra từ gia đình nghèo, nhà tôi khá hơn. Trong sinh hoạt, nhà tôi thoải mái, đôi lúc có phung phí. Cô ấy từng nói: "Anh có thể đem tiền cho người nghèo em không tiếc nhưng đừng phung phí", vì thế tôi hiểu vợ là người tốt. Tôi nên làm gì để cải thiện tình hình.
Theo vnexpress