Bìa sách "Tâm lý dân tộc An Nam".
Cuốn Tâm lý dân tộc An Nam xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp vào năm 1904, là một công trình nghiên cứu khoa học phục vụ các chính khách thuộc địa. 115 năm sau, tác phẩm được dịch và phát hành trong nước.
Phần Dẫn nhập, Paul Giran cho biết: "Trong cuốn sách này, chúng tôi đề xuất một nghiên cứu về dân tộc An Nam; để khám phá những sức mạnh sâu kín của đời sống cộng đồng hoặc riêng tư; rút ra các nguyên tắc tối thượng chi phối việc thành lập các thiết chế xã hội hoặc chính trị; phân tích mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đã định hình nên lịch sử và sự tiến hóa của nó. Với mục đích này, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát hai nguyên nhân chính đã góp phần vào sự hình thành bản sắc quốc gia An Nam: chủng tộc và môi trường".
Ở mục Tâm hồn người An Nam, Paul Giran nhắc đi nhắc lại "tính dửng dưng" của người Việt xưa: "Người An Nam ôn hòa và điềm tĩnh, có nghĩa là họ hiếm khi thể hiện sự thiếu kiên nhẫn và cũng không để bản thân nổi giận hoặc hung dữ bất chợt. Họ không đủ mạnh mẽ để bộc lộ như vậy..".
Tác giả quan sát để đưa ra các nhận định: "Ở người An Nam, trái lại, biếng nhác là một tình trạng bình thường; năng động, mới là điều bất thường", "Không thể nói rằng những người An Nam lười biếng; trái lại, họ siêng năng ... có điều, họ lao động một cách uể oải, đặc biệt là khi họ làm không phải do bị nhu cầu thúc bách hoặc không vì lợi riêng".
"Người An Nam chỉ mong làm những nghề nghiệp đã được vẽ đường sẵn, ít gây ra cho họ những sự cố bất ngờ nhất, ít đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo nhất. Đó là sự quan liêu trong tâm hồn. Tham vọng quyền lực và tình yêu đời thường khiến họ trở thành một quan chức bẩm sinh".
Trong sách của Paul Giran, và có lẽ cũng như trong tiềm thức của nhiều người dân Pháp thời bấy giờ, "sự nghiệp thuộc địa" là một khái niệm khoác vẻ ngoài hào nhoáng, cao cả. "Về cơ bản, tất cả chúng tôi là người Pháp, chúng tôi chỉ làm vì bạn. Chúng tôi sẽ không lấy đất nước của bạn, chúng tôi sẽ biến đổi nó. Chúng tôi không làm giống nòi bạn biến mất, mà chắc chắn sẽ tiến bộ và giàu có lên dưới sự hướng dẫn của chúng tôi", tác giả viết.
Nhưng lịch sử nhân loại đã chứng minh sự thật hoàn toàn khác. Điều được người Pháp cung kính gọi là "sự nghiệp thuộc địa" thực chất là một yêu sách bòn rút các quốc gia để làm giàu cho "mẫu quốc", đẩy nhân dân thuộc địa vào bước đường lầm than.
Đến nay, nhiều nhận định của Paul Giran đã lỗi thời, thậm chí, còn có tính chất khích bác, nói xấu. Nhưng về mặt nghiên cứu lịch sử, ở thế kỷ 21, tác phẩm vượt ra ngoài giới hạn một văn bản thuần túy phục vụ công cuộc thuộc địa hóa của người Pháp thời bấy giờ. Sách trở thành một nguồn tham khảo giúp độc giả thế hệ hiểu hơn về cái nhìn người Pháp từng dành cho một trong những dân tộc họ đô hộ. Tác phẩm giúp độc giả tiếp cận góc nhìn về đặc điểm quốc gia, con người, lối sống, tư duy, trí tuệ, chính trị... của người Việt xưa.
Theo vnexpress