leftcenterrightdel
 Học sinh ‘thế hệ COVID’ vào đại học nhiều hệ lụy và thách thức

Angel Hope, 18 tuổi, đến từ thành phố Milwaukee, Mỹ, nhìn vào bài kiểm tra toán và cảm thấy lạc lối. Cậu vừa tốt nghiệp phổ thông với vị trí đứng đầu lớp, giành được học bổng vào các trường đại học danh giá. Nhưng ở bài kiểm tra này – bài kiểm tra của Đại học Wisconsin nhằm đánh giá những gì học sinh đã lĩnh hội được trong những năm học phổ thông, cậu thấy không tự tin về khả năng của mình. Đó là hệ quả của việc gián đoạn học tập do đại dịch Covid-19.

Gần một phần ba thời gian trung học phổ thông của Hope là học tập tại nhà. Với học sinh, trong các lớp học trực tuyến khó theo dõi và dễ bị bỏ qua. Có nhiều ngày Hope bỏ một vài tiết học để làm thêm giờ tại chỗ làm thêm hay chơi điện tử với anh chị em. Có những ngày cậu chỉ nằm trên giường.

Dù cậu gần như không chú ý ở môn đại số, các giáo viên vẫn đều đặn cho cậu điểm cao, trong một nỗ lực nới lỏng về cách cho điểm. "Cứ như trường học là tự nguyện vậy. Nó không bắt buộc. Cháu cảm thấy như cháu không học được gì", Hope nói.

"Di chứng" lâu dài từ COVID

Khắp Hoa Kỳ, có rất nhiều trường hợp như Hope. Hàng trăm nghìn học sinh tốt nghiệp trung học đang chuẩn bị vào đại học mùa thu này sau hơn nửa thời gian trải qua những biến động của đại dịch. Các học sinh gặp phải sự chuyển đổi bất ngờ và khó khăn từ trực tiếp sang trực tuyến. Rất nhiều trong số đó được cho là đã tụt lại phía sau trong quá trình học tập trực tuyến.

Các đại học được dự đoán sẽ đón số lượng học sinh thiếu chuẩn bị cho chương trình sau phổ thông tăng cao, theo các chuyên gia giáo dục. Điều này có thể dẫn đến tỉ lệ bỏ học tăng lên, ảnh hưởng đến cả cá nhân người học và sức lao động của toàn xã hội.

Hệ quả trở nên rõ ràng với Allison Wagner (Giám đốc điều hành một chương trình học bổng) khi cô chấm hồ sơ dành cho học sinh với hoàn cảnh tài chính khó khăn như Hope. Chương trình mang tên "All-In Milwaukee". Khi đánh giá hồ sơ, Wagner giật mình về những học sinh được dành nửa ngày học để làm việc bán thời gian.

Cô cũng thấy số học sinh không học toán hay khoa học tự nhiên cao kỉ lục, thường là do thiếu hụt giáo viên. "Chúng tôi có rất nhiều học sinh đến với đại học trong tình trạng thiếu kiến thức. Không có cách nào chúng có thể được chuẩn bị về mặt học thuật cho môi trường khắc nghiệt này", Wagner chia sẻ.

Nhóm của cô đang tăng ngân sách cho việc dạy kèm và chi trả học phí cho các lớp học hè môn toán hoặc khoa học tự nhiên cho các học sinh nhận học bổng. Dù vậy, cô vẫn lo ngại những khó khăn sẽ buộc nhiều học sinh phải mất hơn 4 năm để tốt nghiệp hoặc tệ hơn là có thể phải bỏ học.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rõ ràng rằng dạy và học từ xa tạo ra các trở ngại cho học sinh, đặc biệt ở nhóm học sinh da đen và Mỹ Latin. Với những học sinh trẻ hơn, vẫn có hi vọng rằng nhà trường có thể đẩy nhanh chương trình và bù đắp những khoảng trống kiến thức, nhưng với những học sinh tốt nghiệp trong 2 năm vừa qua, các chuyên gia lo ngại rằng phần nhiều sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thách thức với học sinh “thế hệ COVID” ở Mỹ - Ảnh 2.

Giảng viên Oh Moon Kwon (bên trái) đang nói chuyện với các học sinh trong lớp toán, một phần trong lớp học “cầu nối” hè 6 tuần tại Đại học Wisconsin, Madison, bang Wisconsin. Hàng trăm nghìn học sinh đang chuẩn bị vào đại học sau một nửa thời gian trung học chiến đấu với đại dịch. Ảnh: AP

Loay hoay tìm giải pháp

Đón đầu dự đoán nhu cầu tăng cao, các đại học ở khắp nước Mỹ đã mở rộng những chương trình "cầu nối" – là các lớp học hè, thường là cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc là thành viên đầu tiên học đại học trong gia đình. Những chương trình này vốn được coi có tính định hướng, giờ đang ngày càng mang tính học thuật, với sự tập trung vào toán, khoa học tự nhiên và kĩ năng học tập.

Tại Hanceville, bang Alabama, Hoa Kỳ, trường Đại học cộng đồng Wallace State năm nay dùng tiền hỗ trợ từ bang để tạo ra chương trình "cầu nối" đầu tiên, trước "dòng chảy" các học sinh thiếu chuẩn bị nhập học. Các học sinh có thể tham gia 3 tuần học tập tăng tốc ở môn toán và tiếng Anh như một giải pháp để tránh phải học phụ đạo. Nhà trường mong đợi khoảng 140 học sinh sẽ tham gia nhưng chỉ 10 học sinh đăng kí.

Nhiều bang khác cũng đã dùng hỗ trợ từ liên bang để giúp các trường xây dựng các chương trình hè. Ở bang Kentucky, nơi vừa phân bổ 3,5 triệu đôla Mỹ cho các đại học, nhà chức trách gọi điều này là "mệnh lệnh đạo đức". "Chúng ta cần những học sinh này là tương lai của lực lượng lao động, chúng ta cần họ thành công", Amada Ellis, Phó chủ tịch Hội đồng về Giáo dục sau phổ thông Kentucky, phát biểu.

Hậu đại dịch, Angel Hope đã làm tới hơn 20 tiếng mỗi tuần ở một tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Cậu cảm thấy thời gian bỏ tiết là xứng đáng, đặc biệt khi không ai thực sự chú ý đến các lớp học trực tuyến. Với bố mẹ cậu đi làm cả ngày, cậu thường xuyên thấy cô đơn, chìm vào mạng xã hội trong nhiều ngày và ăn tối bằng mì gói.

Đại dịch đã khiến nhiều học sinh "buông bỏ" vào thời điểm mà họ cần chuẩn bị cho đại học hoặc sự nghiệp, theo Rey Saldana, chủ tịch và CEO của Cộng đồng trong Trường học, một tổ chức phi lợi nhuận giúp triển khai các tư vấn viên trong các trường học tại 26 bang.

Nhóm của anh làm việc trong một vài quận mà hàng trăm học sinh không trở lại trường học sau khi chúng mở cửa trở lại. Ở thành phố Charlotte, Bắc Carolina, sức hút của đồng lương đều đặn khiến nhiều học sinh không muốn quay trở lại trường học, Shakaka Perry, điều phối viên tái tương tác của Cộng đồng trong Trường học chia sẻ.

Perry và đồng nghiệp đã dành cả năm vừa rồi đưa học sinh trở lại trường học và giúp chúng chuẩn bị cho tốt nghiệp, nhưng khi nghĩ về việc liệu chúng đã sẵn sàng cho địa học, cô có nhiều hoài nghi.

Thách thức với học sinh “thế hệ COVID” ở Mỹ - Ảnh 3.

Hope chụp ảnh trong khuôn viên Đại học Wisconsin, nơi cậu chuẩn bị nhập học sau khi trải qua lớp học hè của trường. Cậu đã giành được học bổng danh giá của trường đại học này. Ảnh: AP)

Không chỉ "để qua môn"

Một vài tháng sau những khó khăn với bài kiểm tra toán của mình, Hope tham gia khóa học hè "cầu nối" gồm 6 tuần liên tục. Cậu đăng kí một lớp toán sẽ bù đắp những phần kiến thức thiếu hụt tại trung học và cậu đã xếp giải tích cho mùa thu này.

Cậu cũng sử dụng lại các kĩ năng học tập đã bị đóng băng trong đại dịch. Cậu bắt đầu học tại thư viện. Cậu làm quen với nhịp điệu của trường học, với bài tập mỗi ngày và kiểm tra mỗi tuần. Cậu phát hiện một lần nữa niềm vui của học tập.

Quan trọng hơn cả, góc nhìn của cậu đã khác: cậu ở trường để học, không chỉ "để qua môn".

Ninh Phi