Giáo sư Cao Huy Thuần được biết đến là nhà nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo, luật, chính trị, văn hóa, giáo dục. Những bài viết ở các diễn đàn, hội thảo, trên giảng đường, trên mặt báo, những tác phẩm nghiên cứu, những cuốn sách được công bố và xuất bản, thậm chí những bức thư, những nội dung email tâm tình cùng thân hữu, đồng nghiệp… hầu hết đều chứa đựng những thao thức, những mong muốn được giải bày, chia sẻ, những tình cảm được gởi gắm với tấm lòng nhân ái, thuần hậu, bao dung, hướng thiện.

leftcenterrightdel
 Giáo sư Cao Huy Thuần (1937 - 2024)

Riêng trong lĩnh vực xuất bản sách, cái tên Cao Huy Thuần như là một bảo chứng xác quyết rằng sách sẽ được bạn đọc yêu mến và trân trọng đón nhận, sẽ bán chạy, sẽ được tái bản rất nhiều lần.

Minh chứng cho điều này là hầu hết các tựa sách xuất bản trong nước từ năm 2000 đến 2022 đều đã được tái bản từ 1 đến 2 lần, cá biệt có những cuốn như Chuyện trò (NXB Trẻ, in lần đầu năm 2012, tái bản 5 lần); Nhật ký sen trắng (NXB Trẻ in năm 2014, tái bản 5 lần). Chính vì vậy, đã từng có các nhà xuất bản, công ty sách tư nhân tranh nhau để có được bản thảo và chữ kí của tác giả Cao Huy Thuần trên các hợp đồng tác quyền xuất bản.

Cao Huy Thuần với những trang viết đầy tự vấn, khắc khoải, thấm đẫm tình yêu thương đất nước, con người và khát vọng về một xã hội hướng thiện. Với bất cứ ai từng đọc qua những tác phẩm của Cao Huy Thuần đều có chung nhận định như vậy.

Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét về giáo sư Cao Huy Thuần trong buổi lễ trao Giải văn hóa Phan Châu Trinh năm 2017: "Thấm đẫm trong mỗi trang viết của ông là niềm ưu tư về nhân sinh và thế cuộc... Lời nói của ông thống thiết mà tinh tế, uyên bác mà giản dị và gần gũi, cao vời mà thầm thì tâm sự, nhẹ nhàng và uyển chuyển, lúc như thỏ thẻ, lúc như đùa bỡn, không hề lên giọng răn dạy, tạo sức thuyết phục nhẹ và sâu. Văn của Cao Huy Thuần là một thứ văn rất duyên…”(1) .

Nhà thơ Nguyễn Duy, trong lời mở cho tập tản văn Chuyện trò của Cao Huy Thuần cũng đã viết: "Chuyện trò vừa vận chuyển lượng thông tin dồi dào tri thức liên quan nhiều lĩnh vực: luân lý, chính trị , triết học, thần học, văn học, xã hội học, tâm lý học… vừa mở mang mạng giao lộ liên tưởng dẫn tới những thông điệp bao hàm kinh nghiệm sống, triết lý sống. Cao Huy Thuần có cái duyên tự nhiên, giọng văn mềm mại, dịu dàng, lời văn giản dị, trong sáng, khoáng hoạt mà chuẩn xác…”(2).

Từng may mắn tiếp cận những trang bản thảo của giáo sư Cao Huy Thuần, điều phát hiện nơi tôi là cách đặt tựa sách mang chất thiền sâu lắng, cách tiếp cận, gợi mở vấn đề. Những thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc đều được thể hiện bằng những câu chuyện với những phản đề tinh tế kích thích tư duy người đọc với những ngôn từ nhẹ nhàng, có phần dí dỏm, lôi cuốn.

Người đọc sẽ đọc, ngẫm và thấm những tầng sâu mà tác giả muốn gởi gắm qua tác phẩm của mình. Một kiểu hành văn đầy cá tính Cao Huy Thuần! Tôi nghĩ rằng những tác phẩm của Cao Huy Thuần sẽ là những gợi mở thú vị cho các đề tài nghiên cứu, những luận văn tốt nghiệp của thầy trò khoa ngữ văn hay các chuyên ngành Khoa học xã hội sau này.

*Cao Huy Thuần- Một trí thức dấn thân, một học giả uyên bác, một người bạn thiện lành đáng kính trọng…Đó là những gì mà thân hữu, bạn đọc , những người yêu quí giáo sư Cao Huy Thuần đã nhắc nhớ. Với những người bạn thân thiết, với những ai từng tiếp xúc, từng ít nhiều may mắn và vinh dự được cộng tác, làm việc cùng ông sẽ cảm nhận ở ông một con người uyên thâm, khiêm tốn, hiền lành, nhân hậu, lịch thiệp, dễ mến, dễ gần, tin cậy. Ở ông, VĂN và NGƯỜI hòa quyện làm một.

Năm 2021, chúng tôi có một kỷ niệm với giáo sư Thuần khi được cộng tác cùng giáo sư Trần Văn Thọ và tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh thực hiện tập sách “ Việt Nam hôm nay và ngày mai “. Hai chủ biên cùng với 22 tác giả tham gia viết bài cho tập sách đã trân trọng xem đây là món quà văn hóa dành tặng cho giáo sư Cao Huy Thuần với những gì ông đã cống hiến cho đất nước và cũng nhân dịp kỷ niệm ông bước qua tuổi bát tuần.

Biết được tin này, giáo sư Cao Huy Thuần xin được viết lời cảm tạ để đưa vào sách như một lời cảm ơn về ý tưởng tốt đẹp của nhóm thân hữu. Bài viết cảm tạ sau khi được viết xong, giáo sư Thuần cẩn thận gởi cho chúng tôi “xin” được góp ý và biên tập. Lúc bấy giờ những cuộc trao đổi qua lại thật vui vì sự trào phúng của ông.

Thêm nữa, nếu bạn đọc để ý, sẽ thấy hầu như trong các tác phẩm được xuất bản, ông không quên ngỏ lời cám ơn những người góp sức cho cuốn sách được in ấn, xuất bản. Tinh tế và chu đáo đến thế đấy!

Bạn đọc từ nay sẽ không còn có dịp háo hức chờ đón những tác phẩm mới của một tác giả yêu thích. Nương theo mây trắng, Cao Huy Thuần đã bay về cõi Phật, một khoảng trống hụt hẫng khi sẽ không được tiếp tục, chia sẻ, học hỏi, được gởi mail trò chuyện ở mỗi kỳ công bố sách hay từ người anh lớn uyên bác, nhân hận nữa rồi. Buồn thật buồn!!!

Giáo sư Cao Huy Thuần sinh năm 1937 trong một gia đình trí thức tại Huế. Ông tốt nghiệp Đại học Luật Sài Gòn năm 1960. Sau đó, ông dạy học tại Đại học Huế từ năm 1962-1964. Năm 1964, ông sang Pháp du học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris năm 1969. Ông có thời gian làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie.

Là một kiều bào gắn bó với đất nước và quê hương, năm 2017, ông được Quỹ Phan Châu Trinh trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh, hạng mục giải Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục "vì những đóng góp to lớn và sâu sắc cho sự nghiệp văn hóa và giáo dục Việt Nam".

Ông mất tại Pháp đêm 7/7, hưởng thọ 87 tuổi.

Theo phụ nữ TPHCM