Cảm hứng ấy đã tác động sâu sắc đến hầu hết các loại hình nghệ thuật. Riêng về mỹ thuật, có thể kể đến các họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đỗ Cung, Lưu Văn Sìn, Lê Văn Đệ, Ngọc Mai… Và, mới đây nhất ghi nhận thêm vai trò của nữ họa sĩ Niayu qua ấn phẩm Ký mộng (NXB Kim Đồng, 2022).
Là thế hệ gen Z, cái nhìn và cách thể hiện về Truyện Kiều của Niayu khác với các bậc tiền bối. Cô cho biết: “Chất liệu thể hiện là digital, nhưng tôi cố gắng kết hợp với các phong cách mỹ thuật cổ điển, lấy cảm hứng chủ yếu nhất từ hai chất liệu sơn mài và thủy mặc. Về sơn mài, đây là một chất liệu hội họa đặc sắc khởi nguồn từ VN, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo. Còn tranh thủy mặc là phong cách cổ điển của người phương Đông nói chung, không chỉ thể hiện cảnh vật để người xem chiêm ngưỡng mà sâu xa hơn là tâm hồn người vẽ”. Sự chọn lựa tinh tế này, theo cô, “hợp với sắc thái những dòng thơ cổ điển của Nguyễn Du”.
Khi xem tranh, ta thấy hiện lên những sắc màu vừa trang đài vừa gợi nét hư ảo trầm mặc. Nhân vật Kiều được thể hiện cách điệu qua trang phục áo dài truyền thống, vải gấm màu đỏ có hoa văn trang nhã, áo cổ cao, búi tóc, khăn đóng, cổ đeo kiềng bạc, có hoa tai, sử dụng đàn tì bà… Xét ra, nhan sắc của Thúy Kiều, từ thơ: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” đã được họa sĩ thể hiện nhất quán. Đẹp quý phái dù trong tình huống nào. Bên cạnh đó, khi thể hiện cảm xúc qua các áng văn như Độc Tiểu Thanh ký, Ký mộng, Dương Phi cố lý, Long Thành cầm giả ca…, các nhân vật đó cũng có nét đẹp trang nhã.
Nói về nét đẹp đó, Niayu chia sẻ: “Tôi còn lấy cảm hứng từ tranh của cố họa sĩ Lê Phổ. Những người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Lê Phổ luôn tạo cho chúng ta một cảm giác hài hòa mềm mại, dịu dàng tựa như một dòng nước. Nét vẽ của ông đã chung thủy giữ lại những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam xưa”. Vì lẽ đó, ở đây Niayu không tả thực theo tình huống của câu chuyện mà cô đi sâu vào phần nội tâm của nhân vật. Âu cũng là một cách bày tỏ lòng yêu mến và những gì đã cảm nhận từ dòng thơ trác tuyệt của thi hào Nguyễn Du.
Được biết, họa sĩ Niayu tên thật Trần Mỹ Ngọc, sinh năm 1997 tại An Giang, tốt nghiệp Khoa Thiết kế đồ họa, Trường đại học Kiến trúc TP.HCM. Đến thời điểm này, có thể ghi nhận cô là họa sĩ trẻ tuổi nhất nối tiếp con đường đi tìm cảm hứng từ Truyện Kiều.
Theo thanhnien