|
Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc lựa chọn cho con theo học các trường quốc tế ở Đông Nam Á do học phí và chi phí rẻ hơn trong nước. (Nguồn: EPA-EFE) |
Năm 2019, Jenny, một bà mẹ ở Thượng Hải, đã quyết định chuyển đến Malaysia cùng cô con gái 4 tuổi Miaomiao. Sinh sống ở ngoại ô thành phố đồng nghĩa với việc gia đình cô sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cùng nhiều thách thức nếu muốn cho con gái học tại các trường học tốt ở trung tâm thành phố.
Với mục tiêu sẽ cho con gái du học ở phương Tây trong tương lai, Jenny đã lựa chọn con đường khác. Cô đăng ký cho Miaomiao theo học tại Trường quốc tế IGB, một trường tư có trụ sở tại Kuala Lumpur, cung cấp chương trình giáo dục K-12 tập trung vào Chương trình Tú tài quốc tế (IB), nơi học sinh sau khi hoàn thành có thể đủ điều kiện học các bậc đại học trên toàn thế giới.
“Tôi không muốn con mình phải chịu áp lực từ chương trình học cạnh tranh gay gắt ngay từ khi còn học tiểu học”, cô Jenny chia sẻ. Cô cho biết thêm, lý do cô chọn Malaysia là vì mức học phí “nằm trong khả năng chi trả và quốc gia này có địa lý gần Trung Quốc”. Chương trình IB cũng sẽ giúp mở ra cánh cửa vào các trường đại học hàng đầu ở Anh, Australia và Canada cho con gái của Jenny.
Đông Nam Á "ghi điểm"
Quan điểm của Jenny đang trở nên khá phổ biến tại Trung Quốc khi nhiều gia đình trung lưu bắt đầu nghiên cứu cơ hội học tập ở nước ngoài cho con cái ngay từ khi còn nhỏ. Hướng con cái theo học tại các đại học ở phương Tây là mục tiêu cuối cùng của các bậc cha mẹ có quan điểm này, một số người thâm chí còn quan tâm đến quyền công dân cùng những lợi ích đi kèm tại đất nước họ lựa chọn cho con đi du học.
Và Đông Nam Á, nơi có các trường quốc tế liên kết với một số trường đại học danh tiếng của phương Tây, chính là bệ phóng cho những ước mơ của các bậc cha mẹ Trung Quốc
Jenson Zhang, người sáng lập Vision Education, một tổ chức liên kết với các trường quốc tế có trụ sở tại Chiang Mai (Thái Lan) cho biết: “Hầu hết các gia đình Trung Quốc tìm đến chúng tôi đều hướng tới mục tiêu nhập học vào các trường đại học của phương Tây”.
Ngoài các lựa chọn truyền thống được yêu thích như Mỹ, Canada hay Australia, nhiều bậc cha mẹ có điều kiện ở Trung Quốc cũng đang tìm hiểu môi trường giáo dục của các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan hay Malaysia để cho con cái theo học bậc Trung học và Đại học.
Thay vì theo học chương trình giáo giục trong nước, học phí nhẹ nhàng hơn là một trong những lý do chính khiến nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc lựa chọn các quốc gia Đông Nam Á. Theo Jenny, học phí tiểu học ở Malaysia dao động khoảng 110.000 NDT (15.440 USD)/năm, chỉ bằng một nửa số tiền gia đình cô phải bỏ ra để cho con đi học bậc học tương đương ở Thượng Hải. Thái Lan cũng là một lựa chọn hợp lý với học phí cho chương trình học quốc tế dao động từ 40.000 đến 80.000 NDT/năm.
“Chúng tôi đang nhắm đến các gia đình có thu nhập dao động từ 200.000 đến 300.000 NDT/năm. Trong khi đó, để theo học các trường quốc tế ở Mỹ hoặc Anh, mỗi gia đình sẽ phải tiêu tốn 600.000 NDT/năm”.
Theo một nghiên cứu do Đại học Kasetsart công bố vào năm 2022, Trung Quốc là quốc gia chiếm số lượng lớn sinh viên quốc tế đang theo học tại Thái Lan kể từ năm 2006. Con số này đã tăng gấp đôi trong vòng 9 năm, từ 5.611 sinh viên vào năm 2009 lên tới 11.993 sinh viên vào năm 2019. Học sinh, sinh viên Trung Quốc hiện chiếm hơn 40% du học sinh tại Thái Lan.
Chất lượng của giáo dục đại học cũng đóng góp một phần đáng kể làm gia tăng sức hấp dẫn của giáo dục Đông Nam Á. Jason Tan, một giáo sư đến từ Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), cho biết, việc các trường đại học của đảo quốc sư tử luôn xếp trong nhóm các trường đại học hàng đầu châu Á và trên toàn cầu đã tạo nên sức hút với các gia đình khá giả ở Trung Quốc.
Theo báo cáo năm 2022 của tổ chức New Oriental, trong số 8.610 bậc cha mẹ Trung Quốc có ý định cho con đi du học, khoảng 14% lựa chọn du học Singapore, cao hơn gấp đôi so với 6% vào năm 2015.
|
Singapore đang là quốc gia Đông Nam Á được nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc lựa chọn. Trong ảnh: Ký túc xá của Đại học Quốc gia Singapore (NUS). (Nguồn: Shutterstock) |
Báo cáo cũng cho thấy, trong số các sinh viên Trung Quốc dự định đi du học vào năm 2022, khoảng 27% muốn theo học trung học ở nước ngoài. Con số mới nhất phản ánh xu hướng đang gia tăng ở Trung Quốc khoảng 10 năm trở lại đây và chỉ bị gián đoạn bởi đại dịch trong hai năm qua khi việc di chuyển giữa các quốc gia bị gián đoạn nghiêm trọng.
Tiến sĩ Mike O’Connor, hiệu trưởng trường BSKL, một trường quốc tế hàng đầu ở Malaysia cho biết, các chính sách hạn chế việc tuyển sinh vào các trường quốc tế hàng đầu ở Trung Quốc và chi phí giáo dục tăng cao đã khiến số lượng học sinh Trung Quốc theo học tại các trường quốc tế ở nước ngoài ngày càng gia tăng.
“Chúng tôi đã thấy sự gia tăng ổn định của các học sinh Trung Quốc trong những năm gần đây. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, chúng tôi đã nhận được một lượng lớn lời yêu cầu từ phía các bậc cha mẹ Trung Quốc", Tiến sĩ Mike nói.
Đầu tư cho tương lai
Giáo sư Koh (Đại học Trung Quốc) cho biết, nhiều bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư cho con cái theo học những trường tốt nhằm tăng cơ hội được nhận vào các trường đại học phương Tây.
“Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc cho rằng một bằng cấp quốc tế có tiếng sẽ mang lại triển vọng thăng tiến nghề nghiệp cho con cái họ trong tương lai”, ông Koh lý giải.
Ngoài tấm bằng danh giá, một số bậc cha mẹ hy vọng, sau khi tốt nghiệp, con cái họ sẽ được định cư dài hạn và hưởng những lợi ích đi kèm tại quốc gia du học với nhiều cơ hội và triển vọng rộng mở.
Tuy nhiên, việc theo đuổi nền giáo dục phương Tây cũng khiến nhiều gia đình Trung Quốc rơi vào cảnh ly tán.
Anh Sean Li, người đã chuyển đến Chiang Mai vào năm 2012 cùng vợ và con trai hai tuổi làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, chuyên phục vụ khách du lịch Trung Quốc ở Thái Lan cho biết, những trường hợp người cha vẫn ở Trung Quốc để kiếm tiền, trong khi mẹ và các con ở Chiang Mai là khá phổ biến.
“Hình thức này có thể gây những tác động tiêu cực lâu dài lên tâm lý con trẻ. Chưa kể, việc đứa trẻ phải thích nghi với môi trường mới trong khi thiếu sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ gia đình cũng là điều đáng lo ngại”, anh Li cho hay.
Mặc dù vậy, anh Li cho biết, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn sẵn sàng làm “mọi thứ có thể” để đảm bảo con cái mình có thể theo học tại các trường đại học danh tiếng của phương Tây.