leftcenterrightdel
Học sinh sử dụng máy tính bảng trong một tiết học ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. 

Bộ Giáo dục Trung Quốc mới đây ban hành lệnh cấm các cơ sở giáo dục phổ thông vận động phụ huynh, học sinh mua các thiết bị công nghệ như màn hình cảm ứng thông minh, phần mềm học tập trực tuyến... phục vụ học tập.

Quyết định trên được đưa ra sau nhiều phản ánh về giá cả các mặt hàng này quá đắt đỏ.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát nguồn tài nguyên học tập trực tuyến và cấm các trường đưa ra yêu cầu về thiết bị học tập bất hợp lý đối với học sinh. Những hành vi này làm gia tăng gánh nặng tài chính cho các gia đình và gây mất công bằng giáo dục.

Năm 2016, Trung Quốc đã giới thiệu nhiều thiết bị kỹ thuật số và ứng dụng học tập nhằm hiện đại hóa lĩnh vực giáo dục. Đến năm 2020, công nghệ được áp dụng rộng rãi vào các lớp học ảo do đại dịch Covid-19.

Từ đó, doanh số bán thiết bị thông minh trên các nền tảng trực tuyến đã vượt mốc 1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 142 triệu USD) vào năm 2020 và dự kiến đạt 100 tỷ nhân dân tệ vào năm 2024.

Tuy nhiên, nhiều học sinh, phụ huynh cảm thấy bị ép buộc phải chạy theo xu hướng khi các trường vận động mua thiết bị học tập thông minh với lý do đây là công cụ học tập cần thiết. Một số người phản ánh trường học đã bán các thiết bị học tập với giá cao gấp nhiều lần giá thành trên thị trường.

Em Fang Ziqing, học sinh trung học tại tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, cho biết cha mẹ đã trả 580 nhân dân tệ (khoảng 2 triệu đồng) để mua một ứng dụng học tập theo yêu cầu của nhà trường, có thời hạn sử dụng trong 3 năm. Dù học sinh hiếm khi sử dụng ứng dụng này trong môn học, giáo viên liên tục tìm cách thuyết phục phụ huynh mua nó.

“Về lý thuyết, giáo viên nói rằng việc mua ứng dụng dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng các gia đình không có cơ hội từ chối vì giáo viên công khai danh sách những người đã mua ứng dụng trong nhóm trò chuyện online”, Fang chia sẻ.

Chưa kể, một số trường học còn sử dụng thiết bị học tập thông minh như một cách để phân chia học sinh vào các lớp khác nhau.

Hồi tháng 8, nhiều phụ huynh ở tỉnh Sơn Tây đã phản ánh với Chính phủ Trung Quốc về việc một trường học yêu cầu phụ huynh chi 8.800 nhân dân tệ (khoảng 30 triệu đồng) mua máy tính bảng. Chỉ học sinh sở hữu thiết bị này mới đủ điều kiện tham gia “lớp học thông thái” do trường tổ chức.

Trên thực tế, việc các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên vận động học sinh, phụ huynh mua các thiết bị học tập đắt tiền đã diễn ra tại Trung Quốc trong nhiều năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 khiến trường học chuyển sang dạy trực tuyến. Năm 2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tăng cường giám sát hoạt động thu chi của các nhà trường và ban hành lệnh cấm tương tự.

Từ năm 2022, Bộ Giáo dục sẽ khởi động chiến dịch thanh tra quy mô lớn, bắt đầu từ các tỉnh gồm Sơn Tây, Quảng Đông, Chiết Giang và Vân Nam.

Theo giaoducthoidai