Một nhóm thiếu niên thực hiện thử thách ở Hà Lan. Ảnh: NYTimes.

Một buổi tối tháng 7, chiếc ôtô dừng lại ở bìa rừng tại Austerlitz, Hà Lan. Cửa xe bật mở, hai cậu bé 12 và 15 tuổi cùng một cô bé 12 tuổi bước xuống. Tài xế ngay lập tức phóng xe rời đi.

Những đứa trẻ đi trong khu rừng cách trại hè của mình vài km, chỉ với một máy định vị loại thô sơ để tìm đường đi. Màn đêm buông xuống, chỉ có lũ trẻ với nhau. "Đây có phải là đường đúng không nhỉ?", chúng hỏi nhau. "Có thể đấy", Thomas, 12 tuổi, nói. Nhóm trẻ đi sâu vào trong rừng.

Đây là truyền thống của Hà Lan được gọi là thử thách "bỏ lại trong đêm", trong đó các nhóm trẻ bị bỏ lại trong một khu rừng và cần phải tự tìm đường quay về trong đêm tối.

Trong một số biến thể của thử thách, người lớn đi theo các em nhưng không dẫn đường mà có thể gợi ý một số manh mối. Để tăng độ khó, người lớn có thể bịt mắt trẻ em hoặc lái xe lòng vòng trên quãng đường đưa các em đến rừng để các em không nhớ được đường đi. Đôi khi người lớn trốn trong bụi rậm và tạo ra tiếng động như lợn rừng.

Trẻ em bị bịt mắt trên quãng đường đưa đến nơi thực hiện thử thách để tăng độ khó. Ảnh: NYTimes.

Tại Hà Lan, trẻ em được dạy không nên phụ thuộc quá nhiều vào người lớn và người lớn cần để trẻ em tự giải quyết vấn đề của mình. Thử thách "bỏ lại trong đêm" được xây dựng trên triết lý dạy trẻ của người Hà Lan rằng ngay cả khi những đứa trẻ mệt mỏi, đói khát và mất phương hướng, chúng vẫn cần phải tự lo liệu.

Nhiều người Hà Lan thích thú khi nhớ lại kỷ niệm về những lần thực hiện thử thách. Rik Oudega, 22 tuổi, kể rằng anh từng bị cảnh sát giao thông chặn lại khi lái xe ngược hướng trên đường một chiều. Khi cảnh sát yêu cầu Oudega kéo cửa xe xuống, họ thấy 4 đứa trẻ bị bịt mắt.

Oudega rất lo lắng vì anh đã vi phạm luật giao thông và có thể bị hiểu nhầm là có hành vi đáng ngờ. Anh cố tỏ ra thật bình tĩnh. "Tôi nói với họ rằng tôi đang trên đường đưa bọn trẻ đi thực hiện thử thách. Họ nhìn nhau, mỉm cười rồi nói với tôi: Chúc anh có một buổi tối vui vẻ và đừng phạm luật nữa nhé".

Stijn Jongewaard, 11 tuổi, lần đầu tiên thực hiện thử thách tại Austerlitz. Mẹ của cậu, Tamara, nói rằng đã đến lúc cậu phải tự lập hơn và thử thách này là một bước để làm việc đó.

"Stijn 11 tuổi rồi. Đã sắp đến lúc chúng tôi không thể dạy bảo con nữa. Stijn sắp bước vào tuổi thiếu niên và khi đó nó sẽ tự đưa ra quyết định cho mình", Tamara nói.

Sau khi đi được nửa giờ, nhóm của Stijn đi lạc đường. Chúng dừng bước, thảo luận trong vài phút rồi quay ngược lại. Bỗng một thứ gì đó to lớn nhảy vọt lên từ đằng sau bụi rậm khiến những đứa trẻ giật mình. Đó là một con nai.

Đã có những trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện thử thách. Năm 2012, truyền thông Đức đưa tin 5 cậu bé Hà Lan ở Đức đã gọi điện cho cảnh sát địa phương vì bị mắc kẹt ở vách đá. Phóng viên Đức gọi đây là "chuyến phiêu lưu đầy nguy hiểm".

Tuy nhiên, các nhà báo Hà Lan cho rằng câu chuyện này không nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm đã bị thổi phồng. Họ khẳng định những thử thách như vậy là hoạt động vui nhất khi đi cắm trại.

Năm 2017, các trưởng nhóm hướng đạo ở Bỉ đã bỏ lại 25 trẻ em trong rừng, sau đó uống bia và ngủ thiếp đi, khiến những đứa trẻ phải lang thang trong rừng quá giới hạn thời gian được định trước. Cuối cùng, các em đến gõ cửa nhà dân địa phương và được cho đi nhờ. Các phụ huynh không hài lòng về sự cố này.

Pia de Jong, nhà văn Hà Lan 58 tuổi sống ở New Jersey, cho biết truyền thống này phản ánh điều đặc biệt về triết lý nuôi dạy con của người Hà Lan: "Bạn để con tự mình khám phá thế giới. Tất nhiên, bạn phải đảm bảo rằng chúng không bị đe dọa đến tính mạng, còn đâu thì chúng phải tự xoay xở".

Tuy nhiên, de Jong cũng bắt đầu đặt câu hỏi liệu thử thách có thực sự thú vị không. "Hãy tưởng tượng bạn bị lạc và không biết phải đi đâu. Có thể trong 10 giờ, có thể là cả đêm. Trời đã khuya mọi người đều có chút sợ hãi. Tôi không thực sự nghĩ đó là một điều hay để làm với những đứa trẻ".

Năm 2011 và 2014, một số trẻ em tham gia thử thách đã bị ôtô đâm chết khi đi bộ dọc đường. Kể từ đó, những người tổ chức hoạt động phải tuân thủ một số quy định như nhóm trẻ em phải mang theo điện thoại để đề phòng trường hợp khẩn cấp, mặc áo phản quang và được hướng dẫn các quy tắc an toàn giao thông.

Máy định vị các thiếu niên được mang theo khi thực hiện thử thách. Ảnh: NYTimes.

Đến 1h sáng, Stijn và các bạn đồng hành đã đi bộ được ba giờ. Chúng đi mãi mà không thấy dấu hiệu nào cho thấy đang đến gần đích là khu cắm trại của mình.

Stijn thẫn thờ nhìn về phía trước. "Bố mẹ cháu đang ngủ. Em gái cháu đang ngủ. Đầu óc cháu căng thẳng còn chân thì mỏi", cậu bé nói.

Một đứa trẻ bỏ cuộc nhưng nhóm còn lại vẫn cố đi tiếp. Sau khi nhóm trẻ đi được nửa chặng đường, những người lớn giám sát thử thách cho các em thức ăn nhẹ và nước nhưng tịch thu máy định vị. Các em phải dựa hoàn toàn vào bản năng, không một ai phàn nàn.

"Cháu vẫn phải đi", Stijn nói. "Cháu không biết vì sao nhưng cháu vẫn phải tiếp tục".

Gần 2h, nhóm trẻ đến được đích. Các em ngồi bên lửa trại ăn uống rồi vào lều ngủ. Sáng hôm sau, Stijn nói rằng em muốn các con của mình sau này cũng có trải nghiệm tương tự.

"Thử thách cho chúng ta thấy rằng ngay cả trong những thời điểm rất khó khăn thì bạn vẫn cần tiếp tục tiến bước. Cháu chưa bao giờ phải làm điều đó trước đây".

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 Theo vnexpress