Khi gặp khó khăn trong việc thu hút khách, các thư viện ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã đưa ra những dịch vụ mới, bao gồm nhiều khu vực mở hơn và tăng cường kho sách kỹ thuật số. 

Thay đổi để hút khách 

Garfield Leung Chun-kwan bước ra ngoài vào một buổi chiều tháng Mười một với bộ sách vừa mượn từ Thư viện công cộng Sham Shui Po. Vị giám đốc đào tạo 40 tuổi tới thư viện khoảng 2 lần mỗi tháng để tận hưởng “môi trường thư giãn” của nơi này. Thư viện khai trương vào tháng 3/2023, có bố cục rộng rãi, không gian mở đón ánh sáng tự nhiên từ các cửa sổ kính lớn.

Nội thất của Thư viện công cộng Sham Shui Po. Ngoài sách, nơi đây còn có thư viện đa phương tiện, trung tâm máy tính và các quầy tự phục vụ - Nguồn ảnh: Edmond So/SCMP
Nội thất của Thư viện công cộng Sham Shui Po. Ngoài sách, nơi đây còn có thư viện đa phương tiện, trung tâm máy tính và các quầy tự phục vụ - Nguồn ảnh: Edmond So/SCMP
 

Bên cạnh sách, địa điểm này còn có thư viện đa phương tiện, trung tâm máy tính và các quầy tự phục vụ. Theo tờ Nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), người dân Hồng Kông (Trung Quốc) dường như không còn quan tâm nhiều đến thư viện và đại dịch COVID-19 có thể là một nguyên nhân. Anh Leung nói: “Trong thời kỳ đại dịch, chúng tôi quen với việc ở nhà và đọc sách điện tử”.

Dù đã mở rộng và hiện đại hóa dịch vụ, các thư viện công cộng của thành phố đang gặp khó khăn trong việc thu hút người dân quay trở lại. Theo Bộ Dịch vụ Văn hóa và Giải trí Hồng Kông, người dân xứ cảng thơm đã thực hiện 18 triệu lượt ghé thăm các thư viện công cộng trong 10 tháng đầu năm 2023. Dù con số này cao hơn 50% so với mức 12 triệu lượt trong năm 2022 nhưng thấp hơn nhiều so với mức 34,7 triệu lượt vào 
năm 2019.

Wilson Chu Chun-wang - Chủ tịch Hiệp hội Thư viện Hồng Kông - cho biết những con số trên phản ánh “xu hướng chung” của các thư viện trên toàn thế giới. Ông Chu nói: “Tất nhiên, với tư cách thủ thư, chúng tôi đang cố gắng đảo ngược xu hướng đó. Các thư viện công cộng ở Hồng Kông từng đối mặt với tình trạng sụt giảm lượng khách ngay cả trước đại dịch”. Theo Văn phòng Nghiên cứu của Hội đồng Lập pháp, từ năm 2012-2019, số lượt ghé thăm thư viện đã giảm 14%. Tại Mỹ, số lượt ghé thăm thư viện đã giảm hơn 1/5 trong vòng 10 năm trước đại dịch, theo dữ liệu nghiên cứu từ Tổ chức WordsRated. Các thư viện thường bị xem như nơi rất nhàm chán. Thế nhưng, đã có sự thay đổi trong những năm gần đây nhằm khiến chúng trở nên thú vị hơn để thu hút độc giả.

Người dân đọc sách tại Thư viện Trung tâm Hồng Kông (Trung Quốc) ở vịnh Causeway - Nguồn ảnh: Jelly Tse/ SCMP
Người dân đọc sách tại Thư viện Trung tâm Hồng Kông (Trung Quốc) ở vịnh Causeway - Nguồn ảnh: Jelly Tse/ SCMP

 

Thư viện của Viện Thiết kế nơi ông Wilson Chu làm thủ thư là không gian dành cho sinh viên thử nghiệm những ý tưởng mới và hoàn thành các dự án. Nơi đây có máy in 3D, máy cắt laser và các tiện nghi công nghệ cao khác. Thư viện cũng đang thử nới lỏng các quy tắc vốn được coi là bất khả xâm phạm, chẳng hạn giới hạn mức độ tiếng ồn và sử dụng điện thoại. Những nỗ lực đã được đền đáp. Ông Chu nói: “Sau đại dịch, chúng tôi thấy nhiều sinh viên quay trở lại thư viện hơn trong năm học này”.

Theo Bộ Dịch vụ Văn hóa và Giải trí Hồng Kông, tuy kho sách điện tử với 492.000 tác phẩm chỉ tương đương 3,7% bộ sưu tập sách của các thư viện công cộng, đại dịch đã khiến nhu cầu đọc sách điện tử tăng đột biến. Tỉ lệ thuê mượn sách điện tử đã tăng từ 960.000 lượt vào năm 2019 lên 3,62 triệu lượt vào năm 2022.
Tại Thư viện Trung tâm ở vịnh Causeway - thư viện công cộng lớn nhất thành phố - các khu vực máy tính phục vụ du khách thuộc mọi lứa tuổi. Các khu học tập chật kín học sinh đang làm bài tập về nhà hoặc chuẩn bị cho kỳ thi. Một phụ nữ đi cùng cô con gái 8 tuổi cho biết họ đến thư viện vì cô không muốn con mình dành quá nhiều thời gian cho thiết bị di động. Người phụ nữ 47 tuổi giấu tên chia sẻ: “Nơi đây có một khu vui chơi để con bé có thể đọc sách và vui đùa với những đứa trẻ khác”.

Nhân viên xã hội tự do Angela Yuen Ching-li (23 tuổi) cho hay cô ghé qua thư viện 1-2 lần mỗi tuần để nghiên cứu vì cô đang theo đuổi mục tiêu trở thành người sáng tạo nội dung. Angela có sở thích đọc sách từ khi cô sang Mỹ du học. Bày tỏ nghi ngờ khả năng người Hồng Kông sẽ thích đọc sách, cô nói: “Mọi người đã có quá nhiều việc phải làm rồi, họ không có thời gian để đọc thêm”.

Thành phố của sách 

Là một thành phố vệ tinh cách Seoul (Hàn Quốc) 35km về phía tây bắc, Paju có dân số chỉ khoảng nửa triệu người. Đường phố yên tĩnh, không khí trong lành và nhịp sống nơi đây chậm hơn nhiều so với thủ đô. Trong khi nhiều người biết đến thành phố nhờ căn cứ quân sự, Paju còn là nơi đặt khu phức hợp trung tâm xuất bản sách của quốc gia với tên gọi chính thức là Công viên Văn hóa xuất bản, thông tin và công nghiệp quốc gia (thường được gọi tắt là thành phố sách Paju).

Bảo tàng In ấn của thành phố sách Paju lưu giữ bản sao của một trong những cuốn sách cổ nhất còn tồn tại trên thế giới, được in bằng máy in di động vào năm 1377, giữa triều đại Goryeo - Nguồn ảnh: Chang W. Lee/The New York Times
Bảo tàng In ấn của thành phố sách Paju lưu giữ bản sao của một trong những cuốn sách cổ nhất còn tồn tại trên thế giới, được in bằng máy in di động vào năm 1377, giữa triều đại Goryeo - Nguồn ảnh: Chang W. Lee/The New York Times

 

Khoảng 900 doanh nghiệp liên quan đến sách, bao gồm các nhà in, công ty phân phối và xưởng thiết kế, xếp hàng dọc các con phố. Chính phủ đã mở trung tâm xuất bản vào năm 1998, sau gần một thập niên lập kế hoạch và đây là một phần trong nỗ lực lớn nhằm hiện đại hóa đất nước. Theo ông Lee Sang-yeon - người quản lý Trung tâm Thông tin và Văn hóa xuất bản Châu Á, “những người sáng lập thành phố xuất bản nghĩ rằng tình trạng phân tán và phi tập trung hóa việc tạo ra sách là thiếu hiệu quả nên họ đã tìm cách khắc phục vấn đề”.

Khi tập hợp tất cả cơ sở xuất bản vào một nơi, Hàn Quốc hy vọng sản xuất và phân phối tốt hơn sức mạnh văn hóa của mình. Sách là một ngành kinh doanh lớn ở Hàn Quốc. Theo Hiệp hội Nhà xuất bản Hàn Quốc, năm 2022, hơn 115 triệu cuốn sách đã được bán trên toàn quốc. Sứ mệnh của thành phố sách - “tích cực hỗ trợ văn hóa và nghệ thuật dựa trên sách” - có thể được nhìn thấy ở khắp nơi. Photopia - một công trình kiến trúc màu tím thanh bình uốn lượn như sóng biển, đóng vai trò xưởng sản xuất và xử lý ảnh. Công ty xuất bản Dulnyouk đặt trụ sở chính tại cấu trúc hình học cao chót vót. Những quán cà phê cổ kính, nơi du khách có thể vừa nhâm nhi đồ uống vừa đọc sách, nằm rải rác trên các góc phố của Paju. Mọi thứ đều được thiết kế để bảo tồn và lan tỏa tình yêu dành cho sách.

Trung tâm Thông tin và Văn hóa Xuất bản Châu Á nơi ông Lee làm việc là một khu phức hợp 5 tầng bao gồm cơ sở giáo dục, phòng tổ chức sự kiện và không gian triển lãm, đồng thời đóng vai trò hạt nhân xã hội, nghề nghiệp cho các nhà xuất bản địa phương. Trung tâm thu hút gần 10.000 lượt khách mỗi năm. Ở tầng một của tòa nhà là “Khu rừng tri thức” - một thư viện trung tâm với hàng chục ngàn cuốn sách được trưng bày và hàng chục ngàn cuốn khác đang được lưu trữ. Những giá sách cao từ sàn đến trần xếp dọc các bức tường. Dù không được mượn sách về nhà, du khách vẫn có thể chọn một vài tựa sách để đọc ở khu vực chung. Bộ sưu tập khổng lồ giúp các gia đình có trẻ em, các cặp vợ chồng trẻ và nhóm người lớn tuổi đều có thể tận hưởng không gian này. Trung tâm thậm chí còn có một khách sạn dành cho những ai muốn qua đêm tại thế giới của những trang giấy.

Học sinh tiểu học đọc sách tại thành phố sách Paju - Nguồn ảnh: Chang W. Lee/The New York Times
Học sinh tiểu học đọc sách tại thành phố sách Paju - Nguồn ảnh: Chang W. Lee/The New York Times

 

Bảo tàng In ấn, liền kề với tòa nhà chính của trung tâm, là nơi lưu giữ bộ sưu tập các thiết bị in ấn truyền thống. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các trường học thích tổ chức hoạt động ngoại khóa tại Paju. Vào một buổi chiều tháng 10/2023, các học sinh lớp Một trong bộ đồng phục chăm chú ngồi đọc sách dọc cầu thang. Ở nơi khác, một nhóm học sinh chăm chú khám phá quy trình in ấn và xuất bản thông qua bài học thực hành. Mỗi mùa thu, trung tâm tổ chức lễ hội sách quy tụ nhiều tác giả, nghệ sĩ và người yêu sách địa phương tham gia. Sự kiện năm 2023 bao gồm các triển lãm nghệ thuật, nhạc sống, cuộc thi đánh máy và tất nhiên là nhiều cơ hội để du khách thưởng thức nét đẹp tri thức từ những cuốn sách.

Ông Lee nhận xét: “Ngay cả khi thế giới ngày càng kỹ thuật số hóa, sức hấp dẫn của sách vẫn không bao giờ mất đi đối với độc giả. Những người thích đọc sách sẽ luôn quay trở lại”.

Theo phụ nữ TPHCM