Tôi đăng ký tour du lịch nước ngoài vài ngày. Trong đoàn, có cô gái trẻ đưa mẹ đi cùng. Mẹ của cô chỉ ngoài 60, nhưng nhìn khắc khổ và hơi bỡ ngỡ khi lên máy bay. Chuyện ấy cũng chẳng lạ. Có không ít người cuộc sống chỉ quanh quẩn với không gian nhà cửa, vườn tược; xa lắm là đi chợ, thăm họ hàng vùng lân cận, rồi già đi trong nhà mình cho đến cuối đời. Họ chẳng nghĩ đến một chuyến đi xa, nếu không phải là đi thăm con, thăm cháu, đi bệnh viện… 

Vì vậy mà tôi đoán mẹ cô gái ấy lần đầu đi máy bay. Từ cách cài dây an toàn trên máy bay đến việc lật cái bàn ăn ra sẵn để tiếp viên đặt thức ăn lên… người mẹ đều lóng ngóng, vụng về như đứa trẻ cần người khác giúp đỡ. Nhìn mà thương!

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Tôi để ý, suốt chuyến đi, cô gái luôn chỉ cho mẹ cách lấy dĩa, chén trong tiệc buffet… Thời gian đầu, cô còn nhỏ nhẹ, nhưng đến ngày thứ ba, tư, cảm giác cô đã mất kiên nhẫn vì cứ phải nhắc từng chút một, nhất là chuyện bỏ giày trước khi bước lên xe mỗi lần di chuyển mà tài xế yêu cầu.

Tôi thấy ánh mắt ráo hoảnh không vui của người mẹ, rồi không hiểu sao tôi ray rứt như thể mình cũng có lỗi. Suốt chuyến đi, tôi thương 2 mẹ con. Tuổi trẻ mà đưa được mẹ đi chơi là giỏi rồi. Tôi đã không làm được điều ấy với mẹ mình.

Ngoài 60 tuổi, mẹ tôi cho rằng mình già, không thể đi đâu xa. Con cái khuyên đi thăm cậu ở cách nhà vài trăm cây số, mẹ vẫn không đi. Mẹ nói mẹ có chứng hay mắc tiểu, đi như vậy phiền lắm. Các anh chị thuê xe riêng, tài xế có thể dừng bất cứ khi nào, nhưng mẹ vẫn không đi. Tôi hình dung ra nỗi sợ của mẹ, với thế giới bên ngoài, với tính cách luôn sợ làm phiền con cháu.

Vậy nên đến khi qua đời, mẹ vẫn chưa có chuyến đi nào. Sau này, khi đi đến những nơi cảnh đẹp, món ăn ngon, tôi lại ray rứt vì không đưa mẹ đi cùng. Nhưng nghĩ lại, chắc gì mẹ hài lòng khi đi du lịch cùng con cái. 

Mẹ chỉ cảm thấy thoải mái, tự tin khi ở trong gian bếp của mẹ. Ở không gian ấy, mẹ làm chủ được mọi thứ. Đến chiều tối, mẹ vào công viên đi bộ cùng các cô chú hàng xóm, để sẻ chia với họ chuyện nhà cửa, con cháu, bộ phim đang chiếu trên truyền hình… Vậy thôi mà vui, mà bình yên vỗ về giấc ngủ tuổi già.    

Tôi làm việc cùng các em ở tuổi ngoài 20, mới thấy, dù tiếp xúc máy tính, công nghệ thường xuyên, tôi vẫn rất chậm so với các em. Có những phần mềm dù đã được hướng dẫn nhiều lần, tôi vẫn lóng ngóng. Một lần, vào quán cà phê của giới trẻ, cô bé đứng ở quầy gọi nước nói nhanh đến nỗi tôi chẳng kịp nghe gì.

Tôi nhìn qua, thấy những bạn trẻ cũng đáp lại rất nhanh. Mới biết, không phải cô bé nhân viên nói nhanh, mà mình bị chậm lại, cảm giác như đang dần bị loại ra khỏi nhịp sống sôi động của giới trẻ. Mới thấy, các cụ bây giờ không biết nhiều về công nghệ, nhưng họ vẫn có cách để thích nghi với mọi thứ, đấy là kỹ năng sống mà chưa chắc người trẻ có được. 

Người già, mọi thứ đều chậm lại. Nên con cái hãy kiên nhẫn hơn với cha mẹ, chậm lại, như cách mà cha mẹ đã thật chậm, thật kiên nhẫn để đón đợi từng bước đi lẫm chẫm đầu đời của mình.

Rồi đến ngày chúng ta cũng sẽ già đi… 

Theo phụ nữ TPHCM