Thượng nghị sĩ Tom Cotton coi việc Mỹ đào tạo cho sinh viên Trung Quốc để cạnh tranh với người lao động Mỹ là vụ bê bối - REUTERS
Phát biểu trong chương trình của đài Fox News ngày 26.4, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton đã đả kích việc sinh viên Trung Quốc đến Mỹ học tập nhưng sau đó mang kiến thức về nước và giúp Trung Quốc cạnh tranh, gây thiệt hại lợi ích Mỹ.
“Họ quay về Trung Quốc để cạnh tranh với chúng ta về việc làm, lấy đi công việc của chúng ta và cuối cùng là đánh cắp sở hữu (trí tuệ) của chúng ta và thiết kế vũ khí cùng những thiết bị khác có thể dùng để chống lại người Mỹ”, thượng nghị sĩ Cotton nói và gọi đây là sự “bê bối”.
Tiếp đó, ông Cotton đề xuất chính quyền Mỹ nên xem xét kỹ về việc cấp visa cho người Trung Quốc. “Sinh viên Trung Quốc nếu muốn đến đây thì chỉ nên nghiên cứu Shakespeare (nhà biên kịch vĩ đại người Anh) và Federalist Papers (tuyển tập các bài viết kêu gọi hình thành hiến pháp Mỹ). Họ không cần phải học về máy tính lượng tử và trí thông minh nhân tạo”, ông Cotton nói.
Nghị sĩ Tom Cotton cho rằng Mỹ nên siết chặt việc cấp visa cho sinh viên Trung Quốc đến Mỹ học ngành khoa học, công nghệ - REUTERS
Thượng nghị sĩ Cotton là một trong những nghị sĩ đầu tiên nêu giả thuyết về việc virus Corona chủng mới gây dịch Covid-19 lây lan từ người sang người lần đầu tại phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 26.4, ông Cotton nói giới khoa học gia Trung Quốc đã thu thập dữ liệu về Covid-19 cho thấy dịch bệnh không bắt nguồn từ chợ hải sản ở Vũ Hán.
Ông Cotton nói dù dịch bệnh khởi nguồn từ đâu thì chính quyền Trung Quốc cũng đã lơ là trách nhiệm trong thời gian đầu. Thượng nghị sĩ Cotton đã đưa ra các dự luật nhằm đối phó với Trung Quốc như giảm phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu dược phẩm của Mỹ với Trung Quốc và gia tăng sức mạnh quân sự tại Thái Bình Dương.
Cùng ngày, hạ nghị sĩ Devin Nunes, thành viên cấp cao Ủy ban Tình báo hạ viện, cũng trả lời phỏng vấn trên Fox News rằng Mỹ đã những lo ngại về hành động triển khai công nghệ của Trung Quốc từ đầu thập niên 2010 nhằm kiểm soát hệ thống liên lạc toàn cầu.
Ông Nunes cho biết các công ty như Huawei đã bỏ thầu với giá thấp hơn những đối thủ khác để kiểm soát hệ thống liên lạc, phục vụ cho việc nghe lén và thu thập dữ liệu toàn cầu. “Họ cho không mọi thứ và như chúng ta biết, người Trung Quốc không làm gì miễn phí cả. Chúng tôi đã cảnh báo về những thách thức này trước tiên”, nghị sĩ Nunes nói.
Theo thanhnien