Hoạ sĩ Trần Trung Lĩnh vẽ một số tranh về tình người Sài Gòn trong những ngày tháng khó khăn vì dịch bệnh.
Thời gian gần đây, khi tình hình dịch COVID-19 tại Sài Gòn căng thẳng hơn, cùng với mọi người dân, giới văn nghệ sĩ cũng "đứng ngồi không yên" trước những đổi thay quá lớn của một thành phố sôi động, nhộn nhịp. Ngoài kêu gọi cộng đồng hỗ trợ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn hay xông pha vào đội hình tình nguyện viên có mặt tại những điểm nóng chống dịch... một bộ phận văn nghệ sĩ khác chọn cách lan toả tinh thần lạc quan qua các sản phẩm nghệ thuật.
Trong đó, bên cạnh các ca khúc động viên, củng cố niềm tin cộng đồng giữa dịch bệnh khó khăn, nhiều bức tranh của các hoạ sĩ cũng mang giá trị tinh thần tương tự. Trước đó, đã có nhiều tranh vẽ hướng về Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh... khi dịch bệnh bùng phát tại đây. Còn lần này, Sài Gòn đang là địa phương có số ca mắc COVID-19 tăng nhanh nhất cả nước, trái tim và dòng cảm xúc của các hoạ sĩ lại hướng về thành phố thân yêu.
Họ vẽ nhiều đề tài khác nhau, từ Sài Gòn nhộn nhịp, sôi động trong ký ức đến một thành phố nghĩa tình, tràn ngập yêu thương giữa dịch bệnh. Nhìn đâu cũng thấy, Sài Gòn qua tranh vẽ của các hoạ sĩ đầy ắp những rung động, tình cảm và một niềm tin, tin rằng một ngày nào đó nhanh thôi, Sài Gòn và cả nước sẽ vượt qua dịch bệnh.
Những hình ảnh người dân cưu mang nhau được hoạ sĩ Trung Lĩnh đưa lên tranh. Các tranh vẽ này nằm trong dự án Sài Gòn tử tế do Silart Studo tổ chức.
Ngoài tranh vẽ, những thông điệp được viết lên từng bức tranh mang nhiều ý nghĩa, truyền tải nội dung tích cực. Hoạ sĩ Trung Lĩnh chia sẻ rằng anh vẽ để sau này nhớ về một quãng thời gian có quá nhiều khó khăn nhưng cũng đầy ắp sự tử tế.
Với hoạ sĩ Đoàn Quốc, anh vẽ về một Sài Gòn tấp nập, nhộn nhịp trong ký ức của mình. Nam hoạ sĩ chọn vẽ lại những hình ảnh thân thuộc của một Sài Gòn hoa lệ vì tin rằng sớm thôi, nhịp sống thành phố sẽ trở lại như thường nhật.
Một góc Nhà thờ Đức Bà trong tranh của hoạ sĩ Đoàn Quốc khi đường phố còn đông người qua lại, các toà nhà đèn sáng rực rỡ. Nhìn bức tranh này, nhiều người nhớ nhung về một góc phố huyên náo giữa trung tâm thành phố, càng thương khi Sài Gòn gặp khó khăn trong đại dịch.
Đại lộ Sài Gòn với nắng chiều vàng rực trong tranh của hoạ sĩ Đoàn Quốc.
Những bức hoạ Sài Gòn của tác giả Tăng Quang mang một tinh thần, câu chuyện khác với hoạ sĩ Đoàn Quốc hay Trung Lĩnh. Tăng Quang vẽ những gánh hàng rong trên đường phố Sài Gòn giờ chỉ còn trong ký ức.
Chàng kiến trúc sư Tăng Quang đi vào hình ảnh chi tiết của một số nghề quen thuộc trên đường phố Sài Gòn. "Bộ tranh khắc hoạ cuộc sống thường ngày của các cô chú lao động, bên cạnh những vất vả sớm hôm, còn muốn truyền tải một nét đẹp mộc mạc, sờn cũ nhưng rất thơ. Họ là những người âm thầm tạo nên một thành phố phong phú, đáng yêu, đáng sống, nhưng lại bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch, khi phải dừng công việc mưu sinh. Và khi những biến động xã hội kéo dài, có thể hình ảnh của các cô chú sẽ dần biến mất", Tăng Quang chia sẻ.
Tăng Quang không thực hiện bộ tranh một mình mà cùng một số bạn bè, người quen vẽ nên những hình ảnh thân thuộc của Sài Gòn. Tăng Quang nói thông qua bộ tranh, anh và mọi người muốn động viên người dân giữ vững tinh thần lạc quan đồng thời gửi lời cảm ơn đến lực lượng y tế vì có họ, những người dân thành phố mới có cuộc sống khoẻ mạnh, được bảo vệ trước dịch bệnh.
Theo phunuonline