Thằng cháu lớp Năm nhịn xôi sáng 10.000 đồng để ủng hộ bão lũ trường lớp phát động nhưng bạn nó đứa nào cũng nộp 100.000-200.000 đồng, hội phụ huynh thì đề xuất ít nhất phải 50.000 đồng. 10.000 đồng là tấm lòng thành thật của nó nhưng vì bạn nào cũng nộp nhiều hơn, nó thấy mình giống người xấu vì keo kiệt bủn xỉn, về tấm tức kể cho ông nội nghe...
Ông nội an ủi nó, rằng miễn nó có cái lòng thành thực đã là người tốt bởi giá trị của con nằm ở sự tự nguyện làm điều tốt một cách không tính toán. Làm xong rồi con sẽ quên đi. 10.000 đồng không thể khiến mình tốt hơn, 100.000 đồng cũng không thể khiến mình tốt hơn. Chính con mới có thể tự làm mình tốt lên, có giá trị hơn bằng việc học hành tử tế, sống trung thực.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ông nội nói thế, hy vọng đứa trẻ lớp Năm hiểu được một chút, chứ không mong nó hiểu sâu xa giá trị chuyện làm người ở tuổi của nó. Nhưng nếu không hằng ngày gieo những mầm tốt tươi và hy vọng cho nó, ông không biết sau này nó sẽ gặt được gì.
Ông buồn lòng, đem kể với những người bạn. Dè đâu, nhóm bạn già của ông cũng nhao nhao lên “kể khổ”. Nào là, có người nhà gần trường cấp II nọ, mới sáng thứ Hai này, nghe thầy giáo đọc số tiền đóng góp bão lũ của từng lớp trong buổi sinh hoạt dưới cờ. Lớp Sáu thôi, mà có lớp đến sáu bảy chục triệu đồng. Người ấy cũng thoáng nghĩ, tuổi đó có đứa còn chưa biết tự cầm tiền đi mua xôi sáng, tiền đâu ra mà góp nhiều như thế. Nhớ lại, sáng nay còn nghe con dâu quát cháu mình, biểu nó cầm 200.000 đồng đóng góp từ thiện, trong khi nó chỉ muốn đóng 20.000 đồng nó có. “Ai cũng lưng thẳng, sao con phải lưng gù…” - mẹ nó bảo trước khi con dùng dằng bước ra khỏi nhà. Cảm giác lấn cấn của chuyện lệch chuẩn từ thiện, áp đặt những thứ làm màu khiến ông nọ buồn cả buổi sáng. Quyên góp bão lũ, cần thiết chứ, tiền thì được nhưng với bọn trẻ, ép buộc thì tâm hư mất rồi.
Những người bạn vong niên ngồi với nhau thở dài, chuyện ủng hộ bão lũ bỗng ồn ào từ chuyện này đến chuyện nọ. Mấy ông bà già không hiểu “phông bạt” là gì. Họ chỉ còn biết chép miệng, chuyện bão lũ nguy cấp mà còn giả dối.
Thời gì sơ sểnh là bị lừa, mấy ông bà già cũng đã có người bị lừa hết số tiền lương hưu còm cõi trong tài khoản, khi nghe một nickname bạn bè chí thiết biểu bấm vào đường link bình chọn cho con cháu họ đi thi, toàn những cuộc có uy tín, hỏi sao không bùi tai cho được. Đáng tội nhất là đem trẻ con ra làm trò lừa đảo.
Một bà trong hội kể, mới hôm qua, cô giáo dạy vẽ con bé cháu ngoại biểu gia đình đăng ký cho cháu tham dự cuộc thi vẽ do hãng xe nổi tiếng của Nhật phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức. Mẹ con bé đoan chắc có cuộc thi thật, vì họ còn chạy quảng cáo trên Facebook rình rang. Fanpage của họ làm công phu với hình ảnh các cuộc thi của nhiều năm trước. Giải thưởng thì “khủng” lắm, được học bổng bên Nhật, được đi du lịch miễn phí… Mẹ con bé đăng ký, có người hướng dẫn nhiệt tình, bảo đăng nhập vào đây, vào đây rồi chuyển khoản một ít tiền vào tài khoản này để có bộ hồ sơ cho bé. Thấy nghi ngờ, mẹ con bé nhờ người quen hỏi hãng xe nọ mới biết rằng không hề có cuộc thi nào như thế.
Đứa con nít nào cũng nằm lòng câu chuyện ngụ ngôn thằng bé chăn cừu nói dối: mới đầu là đùa giỡn nhưng vì chuyện hệ trọng liên quan tới sống chết nên ai cũng tin, chạy ra đuổi con sói. Không có con sói nào hết, chỉ có cậu bé cười trêu chọc mọi người. Lần hai, người ta vẫn ráng tin vì nhỡ đâu… Nhưng lần có con sói thật thì không ai còn tin nữa. Câu chuyện được kể để rèn cho con tính nói thật và biết vui đùa đúng lúc, đúng chỗ, đúng chuyện. Song, có phải, rồi chính bọn trẻ cũng thấy nghi ngờ khi nhìn thấy những chuyện người lớn hành xử trước mắt mình. Phải chăng, chỉ có truyện cổ tích mới có cậu bé vì nói dối khiến mũi ngày càng dài và cậu bé xấu hổ vì điều đó?
Mấy ông bà già thấy đau lòng, ly cà phê sáng đắng nghét. Thương cho đám cháu nội, ngoại của mình. Dạy chúng tin vào sự thật thà, dạy chúng làm chuyện hào hiệp quên mình nhưng biết làm sao để dạy chúng tin…
Theo phụ nữ TPHCM