Có thể chứng minh bằng số liệu của Tổng cục Thống kê VN. Năm 1989, độ tuổi kết hôn trung bình từ 24,4 (nam), 23,2 (nữ) tăng lên 29 (nam) và 24,1(nữ) vào năm 2022. Tỷ lệ kết hôn cũng giảm, năm 1989, tỷ lệ người trong độ tuổi 20 - 24 đã kết hôn là 37,6% (nam), 57,5% (nữ) thì đến năm 2019 chỉ còn 19,6% và 44,3%. Rồi mức sinh trung bình là 3,8 con/phụ nữ vào năm 1989 đã giảm xuống chỉ còn 2,1 con/phụ nữ vào năm 2006 và kéo dài đến nay.
Những "con số biết nói" ấy chỉ ra thực trạng kết hôn muộn, không muốn hoặc chậm sinh con là đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho cả bản thân, gia đình và xã hội.
Đúng là khi chọn lựa độc thân sẽ có cuộc sống với nhiều lựa chọn thú vị, chẳng bị ràng buộc. Nhưng người trẻ rồi cũng sẽ thành người già. Thử mường tượng, nếu không kết hôn thì vài chục năm sau sẽ ra sao?
Nhiều người quyết định "từ từ sinh con", nhưng liệu có nghĩ đến việc phải đảm trách đồng thời chuyện nuôi dạy con và chăm sóc bậc sinh thành cao tuổi? Đó là thách thức không hề nhỏ.
Và nếu lười sinh thì hội chứng "4 - 2 - 1" có thể thành sự thật. Chỉ 1 đứa trẻ nhưng được bố mẹ (2) và 4 ông bà (cả phía nội, ngoại) chăm lo. Những đứa trẻ ấy khi lớn lên thì gánh trên vai áp lực nặng nề vì cần có nghĩa vụ chăm sóc 6 người.
Nhìn xa hơn, không ít nước phát triển hiện nay rơi vào tình cảnh dân số giảm và già, buộc phải nhập khẩu lao động…
Vài hệ lụy vừa kể đều bắt nguồn từ thực trạng người trẻ ngại kết hôn, trì hoãn sinh con. Để tháo gỡ vấn đề này, người trẻ cần tự ngẫm, lường trước những hệ quả có thể xảy ra nhằm thay đổi, điều chỉnh suy nghĩ về hôn nhân, sinh sản.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải xây dựng các chính sách phù hợp để giúp tăng tỷ lệ kết hôn, mức sinh và kéo giảm độ tuổi kết hôn.
"Vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn. Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi", nhưng song song với khuyến khích, vận động cần có những hành động cụ thể.
Chẳng hạn, cần thực hiện phương án hỗ trợ kinh tế cho các cặp vợ chồng khó khăn có con nhỏ. Qua đó giúp họ phần nào giải quyết được "bài toán hóc búa" là chi phí nuôi dạy con. Cách hỗ trợ này có thể áp dụng bằng những việc như: miễn giảm các loại thuế, hỗ trợ học phí, ưu tiên mua nhà ở xã hội, khám chữa bệnh cho trẻ miễn phí…
Phương án khác, khi vợ có thai, sinh con, thì chồng có thể thụ hưởng đặc quyền làm việc linh động từ xa, tại nhà, được đi muộn, về trễ… chứ không phải buộc tuân thủ theo giờ giấc một cách cứng nhắc. Khi đó, chồng sẽ "dễ thở" hơn trong công việc, có nhiều thời gian để phụ giúp vợ cùng chăm sóc, lo cho con.
Cũng cần có những dịch vụ hỗ trợ gia đình có con nhỏ với mức giá phải chăng, hợp túi tiền công nhân, người có thu nhập thấp. Từ đây làm giảm "gánh nặng nội trợ" (lo việc nhà, nuôi con, chăm sóc bố mẹ lớn tuổi…) cho phụ nữ, giúp họ yên tâm cùng chồng hoàn thành mục tiêu "mỗi gia đình có 2 con".
Ngoài ra, phải quan tâm hỗ trợ những trường hợp bị hiếm muộn, vô sinh. Nhiều người rất muốn có con nhưng do chi phí chữa trị quá lớn nên họ lực bất tòng tâm.
Nếu những giải pháp nhân văn này được áp dụng vào thực tế có thể sẽ nhanh chóng đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người trẻ mặn mà với hôn nhân.
Theo Thanh niên