Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bị chụp ảnh trong khi tắm và hình ảnh được đăng tải lên mạng xã hội? Rất tức giận đúng không?!
Nhưng nếu đổi đối tượng thành đứa trẻ thì sao?
Trước đây, cô bé Olivia, 6 tuổi, đã tố cáo hành vi "đăng hình trẻ em" của bố mẹ mình trong một chương trình ghi hình về phương pháp giáo dục con của Mỹ:
“Rất xấu hổ, thậm chí còn có bức hình con đang trần truồng trong bồn tắm. Nếu chỉ bố mẹ xem thì không sao, nhưng bây giờ bức ảnh đã được đăng lên Facebook, ai cũng có thể nhìn thấy. Cuộc sống của con bị phơi bày trên mạng xã hội, cho những người mà bố mẹ quen biết xem. Nhưng họ chưa bao giờ hỏi ý kiến của con”.
Lời cô bé chia sẻ tiếp theo càng khiến không ít người đau lòng hơn. “Con chỉ là một đứa trẻ, con có thể làm gì khác? Bảo vệ con nên là trách nhiệm của bố mẹ, không phải sử dụng hình ảnh của con để nhận về những lượt thích. Mẹ ơi, đừng đăng ảnh của con nữa”.
Thật vậy! Trong mắt cha mẹ, những bức ảnh, những đoạn video là công cụ lưu giữ kỷ niệm, là niềm tự hào, là hạnh phúc, nhưng vô tình làm tổn hại đến sự riêng tư của đứa trẻ.
Vì vậy, đăng ảnh con nhỏ lên mạng xã hội, là tốt cho chúng hay chỉ để thỏa mãn lòng hư vinh của bố mẹ?
"Mẹ ơi, đừng đăng ảnh của con nữa"
Con trẻ là kho báu của cha mẹ; từng nụ cười, mọi hành động cử chỉ là những khoảnh khắc họ muốn lưu giữ nhất. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh thường sử dụng máy ảnh, điện thoại để ghi lại. Đôi khi chia sẻ lên mạng xã hội để người thân người quen, bạn bè gần xa biết đến. Thế nhưng thế giới mạng vô cùng phức tạp, thói quen này âm thầm gây ra tai họa ngầm cho con trẻ.
Trung Quốc từng xảy ra một sự việc mà bậc phụ huynh nào cũng nên lưu tâm.
Người mẹ tên Na Na dành trọn thời gian và tình yêu thương cho con. Cô kiên trì với thói quen ghi lại mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của con nhỏ, còn tâm huyết sử dụng phần mềm chỉnh sửa ghép thành một bộ sưu tập hình ảnh, sau đó thường xuyên đăng tải lên QQ và Wechat (ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc).
Con của Na Na vô cùng dễ thương, cộng thêm nhiều hiệu ứng chỉnh sửa ảnh nên thu hút nhiều lượt thích và chia sẻ.
Bỗng một ngày nọ, Na Na không còn đăng tải hình con như thường lệ. Sau đó mới biết đứa bé suýt bị bắt cóc. Nguyên nhân sự tình xuất phát từ thói quen đăng tải hình ảnh con nhỏ mỗi ngày của người mẹ trẻ này.
Na Na là người mẹ rất cẩn thận. Trên mỗi chiếc quần cái áo của con đều được thêu tên của bé. Kẻ thủ phạm đã lợi dụng những bức ảnh cô đăng hằng ngày để biết được rất nhiều thông tin như: Họ tên đứa bé (cả tên gọi ở nhà), trường mầm non, địa chỉ nhà...
Thủ phạm dựa vào những thông tin trên giả vờ đến trường đón đứa trẻ. Nếu giáo viên không cẩn thận gọi điện cho cô để xác nhận thì hậu quả không thể tưởng tượng được.
Vô tư chia sẻ những khoảnh khắc xinh đẹp của con, nhưng lại vô tình dồn đứa bé vào nguy hiểm.
Không đăng tải vô tội vạ hình ảnh của con cũng là một cách bảo vệ
Đôi khi, chúng ta cảm thấy con cái còn nhỏ, khoe vài tấm ảnh trần truồng cũng không sao, vì chúng chưa biết xấu hổ. Song không phải ai cũng dùng đôi mắt lương thiện nhất để nhìn những bức ảnh của con cái chúng ta.
Tình trạng ảnh trẻ em được sử dụng để trục lợi không phải là chuyện hiếm thấy. Người bán trên những nền tảng mua sắm trực tuyến sử dụng ảnh trẻ em để phục vụ cho mục đích kinh doanh, và quyền cấp phép sử dụng những bức ảnh này khó lòng chứng thực.
Một đứa bé chưa đủ nhận thức sẽ không quan tâm và không hiểu hành vi bố mẹ đăng ảnh của chúng lên mạng xã hội. Nhưng một đứa trẻ đã ý thức được quyền riêng tư của mình đang bị xâm hại như cô bé 6 tuổi trên thì lại khác.
Là người của công chúng, bảo vệ sự riêng tư của con trẻ càng phải được chú ý hơn cả.
Lý Á Bằng, diễn viên Trung Quốc, luôn chú ý đến việc bảo vệ sự riêng tư của con gái trước khi phát livestream. Hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội hầu hết đều được chụp từ phía sau của bé.
Vợ chồng Tôn Lệ và Đặng Siêu, có thể nói là cặp phụ huynh thích chọc ghẹo con trong giới giải trí Trung Quốc. Nhưng khi đăng tải bức hình nào đó có con, họ thường chọn những bức không lộ mặt của chúng.
Đối với trẻ nhỏ, không đăng tải vô tội vạ hình ảnh của chúng cũng là một loại bảo vệ con cái của cha mẹ.
Kỷ niệm không phải để khoe khoang, mà là để trân trọng
Đăng hình con quá mức, ngay cả khi loại bỏ các yếu tố không an toàn, cũng rất dễ gây ra sự phản cảm. Đây chính là sự thiếu tôn trọng đối với trẻ em.
Một người dùng Zhihu (nền tảng hỏi đáp và chia sẻ câu chuyện của Trung Quốc) đã chia sẻ trải nghiệm mình:
Tôi có một người bạn cùng lớp đại học tên. Cô ấy rất thích chụp ảnh bản thân, thích thử tất cả các hiệu ứng làm đẹp mới. Từ khi có con, thói quen này càng trở nên không thể chấp nhận được. Một ngày, cô ấy đăng ảnh con đến 7-8 lần.
Nội dung đại loại như: “Con gái ăn cơm, mặt mày nhơ nhuốc”, “Không kịp vào nhà vệ sinh nên con đã tè ướt cả quần”, “Nhìn xem con bé đang lê lết dưới sàn nhà này”...
Thậm chí trong một đoạn video, con gái gào khóc khản tiếng, cô ấy chỉ đứng bên cạnh dí sát điện thoại vào mặt con quay lại rồi đăng lên mạng xã hội.
Hành động này của Tiểu Phi khiến không ít người bức xúc. Thật ra, thích trẻ con, thích chụp ảnh con nhỏ vốn không có gì đáng trách, nhưng chỉ sợ vượt quá giới hạn.
Việc đăng ảnh trẻ em như một công cụ "gây hài" trên mạng xã hội có đi ngược lại mong muốn của chúng không? Là bố mẹ thật sự đang đồng hành cùng con hay chỉ là thói quen khoe khoang của mình?
Một cư dân mạng cho biết: “Khi còn nhỏ đến nhà họ hàng với bố mẹ, họ luôn kể mọi việc của tôi cho mọi người nghe. Khi đó tôi chỉ muốn tìm cái lỗ để trốn. Thật ra tôi không hề thấy vui một chút nào. Lấy tôi làm trò đùa, họ đã nghĩ đến cảm xúc của tôi chưa?”.
Trong một cuộc khảo sát, 20% trẻ em cảm thấy không quan tâm, trong khi khoảng 70% tỏ ra không thích việc bố mẹ đăng ảnh của mình lên mạng xã hội.
Về mặt tâm lý học, một đứa trẻ có ý thức độc lập từ năm 2 tuổi; sau 3 tuổi, chúng dần biết xấu hổ. Song chúng đứng trong thế yếu, không thể chống lại cha mẹ, cũng không thể hiểu được hành vi đăng ảnh này sẽ gây ra hậu quả gì. Chúng chỉ biết rằng những bức ảnh này khiến chúng cảm thấy khó chịu.
Cha mẹ cũng từng là trẻ con, nhưng họ quên rằng quan điểm của đứa trẻ khác với người lớn. Một số hình ảnh mà người lớn cho rằng "dễ thương", nhưng lại là "xấu xí" và xâm phạm quyền riêng tư của trẻ nhỏ.
Hình ảnh có thể giúp chúng ta ghi lại kỷ niệm, nhưng chúng không nhất thiết phải xuất hiện trên mạng xã hội. Mỗi khoảnh khắc của con trẻ đều quý giá. Mỗi ông bố bà mẹ đều muốn thời gian dừng lại, con mãi mãi trẻ thơ như thế để được bảo bọc trọn vẹn nhất.
Khoảnh khắc kỷ niệm không phải để khoe khoang, mà là để trân trọng. Chỉ theo đuổi hình thức bên ngoài mà quên đi sự an toàn và cảm xúc của con nhỏ. Thứ chúng muốn không phải là kỷ niệm, mà là sự đồng hành của bố mẹ.
Xin đừng để chúng ta và con trẻ bị ngăn cách bởi chiếc điện thoại. Bởi lẽ trong trái tim của những đứa trẻ, một cái nhìn quan tâm, một nụ cười khích lệ, một cái ôm kịp thời, tốt hơn rất nhiều so với một bức ảnh đã được chỉnh sửa vô số lần.
Hãy để những khoảnh khắc bên con ghi sâu vào tim và chỉ mỗi mình biết. Đó là hạnh phúc duy nhất và độc nhất của mỗi người cha người mẹ.
Trung Hạ (Nguồn: Zhihu)