Abby Furness có 14.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội. Đây là nơi cô chia sẻ rất nhiều hình ảnh về cuộc sống của một vũ công, ca sĩ và nghệ sĩ múa lửa.

Furness có nụ cười thu hút, mái tóc vàng óng ả. Nhưng đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng này, cô lại cảm thấy bất an và sợ hãi mỗi khi cầm điện thoại lên.

Theo VICE, Furness là nạn nhân của một trong những kẻ bám đuôi tồi tệ nhất Vương quốc Anh Matthew Hardy - bị kết án 9 năm tù vì tội rình rập nhiều phụ nữ trong suốt một thập kỷ.

Furness chia sẻ câu chuyện của bản thân trên podcast tội phạm của The Guardian. Theo đó, cô bị kẻ biến thái quấy rối từ mùa hè năm 2019.

Ban đầu, Hardy nhắn tin nặc danh cho Furness trên Instagram. Dù chưa từng gặp mặt, hắn dọa phao tin với nhóm bạn của cô rằng cô gian díu với một trong số bạn trai của họ.

Sau đó, Hardy lập tài khoản giả mạo Furness và nói với tất cả người thân quen của cô, bao gồm bạn trai, bạn bè và gia đình, rằng cô lén lút qua lại với ai đó.

Sự lạm dụng lên đến đỉnh điểm khi Hardy truy cập vào hình ảnh riêng tư của Furness và phát tán cho đối tác trong công việc của cô.

“Suốt 2 năm đó, tôi cảm thấy như mình bị bắt cóc và nhốt dưới tầng hầm của Matthew. Anh ta giả danh tôi trên mạng và tung ra những lời dối trá”, cô chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Abby Furness cảm thấy khổ sở trong 2 năm bị kẻ biến thái quấy rối trên mạng. Ảnh: Abby Furness

Bị đổ lỗi

Điều khiến câu chuyện của Furness trở nên tồi tệ hơn là phản ứng trước sự quấy rối mà cô phải chịu đựng.

Người dẫn podcast Sirin Kale gọi đó là “digital short skirt phenomenon” (tạm dịch: “hiện tượng váy ngắn kỹ thuật số”).

Furness không phải influencer trẻ và hấp dẫn duy nhất bị Hardy nhắm tới.

Tuy nhiên, tương tự nạn nhân trong các vụ tấn công tình dục bị đổ lỗi vì trang phục họ mặc đã “mời gọi biến thái”, việc tải lên ảnh diện bikini hoặc có tiếng tăm trên mạng được coi là lý do khiến những phụ nữ này phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi quấy rối họ gặp phải.

Furness hiểu quá rõ điều này. Khi gia đình cô trở thành mục tiêu quấy rối của Hardy, hắn bịa tạc rằng cô ngủ với chú của mình. Điều này khiến dì của cô hiểu nhầm và có phản ứng cực đoan trong nhóm WhatsApp của gia đình.

“Cháu phải tìm ra kẻ tung tin là ai. Dì sẽ chặn liên lạc của cháu. Dì không muốn cháu mang bê bối vào gia đình này. Đó là lỗi của cháu. Hãy từ bỏ Instagram đi”.

Furness nói: “Tôi rất buồn vì tôi thực sự không làm điều kinh khủng đó. Tôi không cố ý gây rắc rối cho gia đình mình. Câu chuyện dối trá đó thực sự làm tổn hại mối quan hệ của tôi với dì”.

leftcenterrightdel
Nhiều phụ nữ không dám lên tiếng khi bị quấy rối trên mạng vì sợ bị đổ lỗi ngược. Ảnh: RECEP-BG 

Ngay cả khi báo cáo vụ quấy rối, Furness cũng không nhận được sự cảm thông. Có lần, cảnh sát còn yêu cầu cô đặt trang cá nhân ở chế độ riêng tư hoặc ngừng đăng bài.

Bà Emma Short, học giả tại Đại học London Metropolitan, từng giảng dạy về tâm lý học về mạng xã hội, nói rằng những trải nghiệm như của Furness rõ ràng đã trở nên phổ biến đến mức có tên gọi riêng.

“Khi xem xét dữ liệu phỏng vấn để thực hiện nghiên cứu, được thu thập trong nhiều năm từ những người bị theo dõi, lời khuyên thường rất mâu thuẫn hoặc vô ích. Ví như ‘Chỉ cần tắt mạng đi hoặc không đăng gì nữa’, có nghĩa là gánh nặng của hành vi phạm tội được đặt lên vai nạn nhân”, bà nói.

Bà Short giải thích rằng định kiến của cả xã hội đứng đằng sau điều này.

“Chúng ta thường lập tức đổ lỗi cho phụ nữ chỉ vì họ là phụ nữ hoặc hấp dẫn”.

Cần được bảo vệ

Với Furness, yêu cầu phụ nữ ngừng sử dụng mạng xã hội tương tự bảo ai đó nghỉ việc sau khi báo cáo về mối đe dọa hoặc quấy rối tại nơi làm việc.

“Nếu không có Instagram, tôi sẽ không có bất kỳ thu nhập nào. Đó là cách mọi người biết đến tôi và mang đến cho tôi việc làm. Thật đau lòng khi mọi người nói ‘Hãy dẹp mạng xã hội đi’ bởi vì tôi không muốn và cũng không thể”, cô nói.

Zoe (28 tuổi, sống ở phía đông London) là nạn nhân khác của hành vi quấy rối và rình rập. Cô hoạt động tích cực trên Twitter, Instagram và cũng có tài khoản OnlyFans.

Một lần, Zoe bị người đăng ký tài khoản tìm ra nơi ở và nhắn tin đề nghị quan hệ tình dục để đổi lấy sự an toàn.

“Tôi cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư và lo lắng mỗi lần ra ngoài”, cô nói.

Trước đó, Zoe bị người cô gặp trên Tinder rình mò, quấy rối trên mọi tài khoản mạng xã hội khác, bao gồm cả LinkedIn. Hắn liên tục gọi đến số của cô và đe dọa sẽ tự sát. Cảnh sát đã buộc thủ phạm ký vào tuyên bố sẽ để Zoe yên, nhưng cô vẫn bị làm phiền thêm 2 lần.

Điều Zoe lo sợ là bất kỳ hành vi quấy rối hoặc rình rập nào mà cô báo cáo sẽ ít được tin tưởng hơn, chỉ bởi cô là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

“Vì có tài khoản OnlyFans, tôi rất ít có khả năng trình báo bất cứ điều gì vì sợ bị đánh giá hoặc đổ lỗi”, cô thừa nhận.

leftcenterrightdel
Khi tìm kiếm sự trợ giúp để thoát khỏi kẻ quấy rối trên mạng, nạn nhân có thể nhận được những lời khuyên sai lầm. Ảnh: AntonioGuillem/iStockphoto 

Các chuyên gia cho rằng không có vùng xám khi nói đến sự rình rập.

Bà Violet Alvarez, làm việc trong nhóm chính sách và chiến dịch tại Suzy Lamplugh Trust, cho biết: “Bám đuôi là tội ác khủng bố tâm lý có thể ảnh hưởng đến nạn nhân theo những cách lâu dài và gây tổn thương, cho dù xảy ra trên mạng hay ngoài đời”.

Theo bà, không có gì lạ khi cảnh sát đưa ra những lời khuyên không hữu ích hoặc nguy hiểm cho các nạn nhân bị quấy rối trên mạng, chẳng hạn như bày cách ngăn chặn thủ phạm hoặc giảm thiểu sự hiện diện trực tuyến của họ. Ngoài ra, không hiếm trường hợp cảnh sát đánh giá sai mức độ rủi ro và quy sự việc thành “sự lãng mạn sai hướng”.

“Phụ nữ không bao giờ phải thay đổi hành vi của mình, cho dù là trên mạng hay ngoài đời”, bà Alvarez khẳng định

“Hiện tượng váy ngắn kỹ thuật số” cho thấy trải nghiệm mà phụ nữ phải chịu đựng trong nhiều năm và chỉ ra rằng xã hội thất bại trong việc bảo vệ hoặc hỗ trợ họ.

Furness từng là cô gái vô tư, hoạt boát và hạnh phúc như những thiếu nữ đôi mươi yêu đời. Nhưng tất cả đã thay đổi. Cô trở nên hoang mang, lo lắng và trầm cảm.

Những gì Hardy đã làm đã hủy diệt tâm hồn cô.

Gần đây, Furness cho dì xem tập podcast kể chi tiết về hành vi quấy rối cô phải chịu đựng suốt nhiều năm. Cuối cùng, nút thắt cũng được gỡ.

“Tôi chỉ ước rằng mọi người đã tin tưởng mình vào lúc tôi cần nhất”.

Theo Zingnews