“Tìm nhà văn thạo tiếng Anh, thật khó!”

Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty sách Chibooks, ủy viên Hội đồng dịch thuật, Hội Nhà văn TPHCM - chia sẻ trên trang cá nhân về việc tìm ứng viên phù hợp để mời tham gia hội thảo giao lưu văn chương Đông Nam Á dành cho người viết trẻ (dự kiến diễn ra cuối tháng 7/2023, tại Nam Ninh, Trung Quốc): “Tìm nhà văn Việt Nam thạo tiếng Anh có thể tham gia các hội thảo/giao lưu văn hóa - văn học quốc tế thật khó!”. Tâm tư của một nhà làm sách/dịch giả tâm huyết với việc quảng bá văn chương Việt - đặt trong bối cảnh mong muốn văn học Việt “ra thế giới” - là điều đáng lưu tâm.  

leftcenterrightdel
 Nhà văn trẻ Hiền Trang (thứ 2 từ trái sang) cùng các tác giả quốc tế trong những ngày tham gia chương trình giao lưu văn chương tại Đại học Iowa (Mỹ) - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Lâu nay, khi bàn đến việc quảng bá/xuất khẩu văn học Việt, các ý kiến chủ yếu tập trung ở khía cạnh kinh phí, ngân sách, chiến lược đầu tư, đội ngũ dịch giả… Góc độ nhà văn “tự tin giới thiệu mình ra thế giới” hiếm khi được nhắc đến hoặc nếu có cũng thường bị xem là điều ít khả thi. Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ của nhà văn là viết tác phẩm hay. Việc dịch thuật hay quảng bá tác phẩm ra thế giới không thuộc khả năng, trách nhiệm của người cầm bút. Điều này không sai nhưng liệu có đủ? 

“Phải công nhận tiếng Anh (hay ngoại ngữ khác) là một phần quan trọng trong việc quảng bá tác phẩm ra thế giới. Có điều, nó không phải là yếu tố quan trọng. Điều chính yếu nhất là cần phải có tác phẩm hay” - một nhà văn trẻ (xin giấu tên) bày tỏ. Điều này đúng nhưng rõ ràng sẽ rất tốt nếu nhà văn thành thạo tiếng Anh. Rõ ràng đó là một lợi thế trong việc chủ động tham gia các hội thảo, các chương trình giao lưu văn chương quốc tế. 

Tác phẩm của các tác giả xa xứ là một dòng văn học riêng 

Với các nhà văn gốc Việt đang sinh sống, sáng tác ở nước  ngoài thì ngoại ngữ là lợi thế hiển nhiên. Tuy nhiên theo tiến sĩ Hà Thanh Vân, những nhà văn gốc Việt/người Việt như Thuận, Nguyễn Phan Quế Mai, Ocean Vương, Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen)… không nằm trong dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại. Thứ nhất, họ thành danh nơi quốc gia họ đang sinh sống. Thứ hai, tác phẩm của họ không mang những nội dung của văn học Việt Nam đương đại mà đó là về con người, cuộc sống nhập cư, nơi họ đang sống, sự tìm về với bản sắc văn hóa quê hương… Các tác phẩm cũng không sáng tác bằng tiếng Việt. Thế nên, có thể tạm gọi những  tác phẩm của các tác giả xa xứ là một dòng văn học riêng.

Nhà văn giỏi tiếng Anh hiện nay có thể kể đến các tên tuổi: Hồ Anh Thái (tiến sĩ ngành văn hóa phương Đông, công tác ở Bộ Ngoại giao Việt Nam), Di Li (giảng viên tiếng Anh), Lý Lan (dịch giả), Dương Thụy… Đó đều là các nhà văn giỏi ngoại ngữ từ công việc chuyên môn, từng du học/sinh sống ở nước ngoài. Thế hệ trẻ (8X và 9X) có khả năng ngoại ngữ đông hơn. Tuy nhiên, nếu cần đáp ứng yêu cầu: “nhà văn trẻ, có giải thưởng văn chương” và biết tiếng Anh thì việc tìm được ứng viên phù hợp không dễ dàng. Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với một số nhà văn/những người viết trẻ và đã nhận được nhiều chia sẻ rất chân thành: “không biết/không giỏi tiếng Anh”, “rất muốn nhưng không có thời gian học”, “biết nhưng không tự tin”, “có thể giao tiếp tốt nhưng không thích tham gia giao lưu, diễn thuyết…”.

Chuẩn bị tốt để tự tin hội nhập

Nhà văn Hiền Trang là cây bút trẻ từng chủ động gửi hồ sơ tham gia chương trình giao lưu văn chương International Writing Program (IWP) của Đại học Iowa, Mỹ vào tháng 8/2022. Đây là chương trình từng có sự tham gia của những tên tuổi lớn: Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ); Mạc Ngôn, Dư Hoa, Vương An Ức, Lâu Diệp, Tàn Tuyết (Trung Quốc); Han Kang (Hàn Quốc)…

Hiền Trang từng bày tỏ, việc tham gia chương trình IWP rất ý nghĩa với bản thân trong hành trình văn chương. Cô cũng cho biết có rất nhiều chương trình giao lưu văn chương quốc tế mà những cây bút trẻ các nước quan tâm có thể thử sức. Thế nhưng, không phải người viết trẻ nào cũng nghĩ đến hoặc tự tin tham gia các chương trình giao lưu văn chương quốc tế, trong đó có lý do rào cản ngôn ngữ. Việc nhà văn, nhất là người viết trẻ đủ khả năng ngoại ngữ, tự tin giới thiệu, khẳng định mình với thế giới ở thời điểm này, chưa nhiều người làm được. 

Văn chương Việt “ra thế giới” cần có tác phẩm hay là điều kiện cần trước nhất. Thế nhưng, việc người cầm bút tự trang bị cho mình vốn ngoại ngữ đủ tự tin để giao tiếp/diễn thuyết cùng bạn văn quốc tế là điều rất quan trọng. Tất nhiên, việc học ngoại ngữ là lựa chọn của mỗi người, là khả năng và sự rèn luyện của mỗi cá nhân. Không thể ép và cũng không thể mong muốn là được. Với người cầm bút, sáng tác những tác phẩm hay đã là những giá trị quý giá cho văn đàn. Những hội thảo văn chương quốc tế lớn đều sẽ có phiên dịch.

Tuy nhiên, trên con đường “ra thế giới” của văn chương Việt, nhà văn giỏi tiếng Anh cũng là một lợi thế để tự tin hội nhập và giới thiệu mình, trở thành tiếng nói đại diện cho quốc gia mình trên văn đàn quốc tế. Điều này cũng rất nên đặt kỳ vọng vào thế hệ những người cầm bút trẻ. 

Theo phụ nữ TPHCM