Tìm giải pháp phát triển năng lực số cho trẻ em
Cập nhật lúc 18:00, Chủ nhật, 22/09/2024 (GMT+7)
Ngày 19/9 tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Phát triển năng lực số cho trẻ em - Kinh nghiệm từ Singapore và cơ hội cho giáo dục Việt Nam” do Đại học Quốc gia Hà Nội điều phối, nhằm mang đến những kiến thức quan trọng về chuyển đổi số trong giáo dục mầm non.
Tại tọa đàm, ông Ming Hwee Chong - CEO của LittleLives Singapore - chia sẻ, những bài học về kỹ năng sử dụng thiết bị số, tương tác trên các nền tảng được thể hiện qua những mẩu chuyện ngắn gọn, đơn giản. Ý nghĩa câu chuyện mà trẻ thu nhận được sẽ tạo thuận lợi trong việc trang bị kỹ năng, nhận thức cho các em. Ở Singapore, từ khi học ở trường mầm non, trẻ em đã biết sử dụng thiết bị điểm danh, nhận diện khuôn mặt, đo nhiệt độ cơ thể… và báo cáo, tương tác với cha mẹ.
|
Phải bảo đảm được cả sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của trẻ khi tham gia môi trường số - Ảnh minh họa |
Bà Đinh Thị Hương - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) - cho hay, thực tế tại một số trường mầm non, việc giới thiệu các thiết bị số cho trẻ để qua đó hướng dẫn trẻ tìm hiểu, tìm kiếm phục vụ hoạt động học tập, vui chơi đã có kết quả tích cực ban đầu. Trẻ sôi nổi, hào hứng hơn trong các hoạt động. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục cũng nhấn mạnh, trẻ mầm non là đối tượng rất “mong manh”, từ trí não đến những lập cập khi thao tác trên thiết bị số. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo hạn chế cho trẻ mẫu giáo tiếp xúc với các thiết bị công nghệ. Do đó, phải bảo đảm được cả sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của trẻ khi tham gia môi trường số. Đồng thời phải quản lý được thời gian trẻ tiếp cận với các thiết bị số cũng như sự an toàn của trẻ khi sử dụng công nghệ.
Khó khăn ở nước ta là chưa có được sự đồng bộ trong giáo dục trẻ - giữa nhà trường và gia đình. Chỉ riêng giáo viên, các nhà sư phạm thì rất khó thực hiện phát triển năng lực số cho trẻ. Do đó, việc áp dụng kinh nghiệm giáo dục từ các nước cần phải được xem xét thấu đáo.
Theo phụ nữ TPHCM