Giống như hầu hết các quốc gia châu Á khác, giới trẻ Hàn Quốc đều cho rằng đại học là con đường ngắn nhất giúp họ nhanh chóng có được thành công, mang đến nguồn thu nhập cho riêng mình.
Ấy thế, thật bất ngờ là ngày nay, nhiều người trẻ tại Hàn Quốc sau khi ra khỏi giảng đường đại học đã làm những công việc hoàn toàn trái với chuyên ngành, thậm chí là chấp nhận lao động chân tay để kiếm tiền, điển hình nhất là… làm công nhân đường phố, chính xác hơn là quét rác.
Điển hình như chàng trai Lee Sung Hyung (22 tuổi) - người trẻ nhất ứng tuyển cho vị trí công nhân đường phố tại quận Namdong, Incheon. Giải thích cho sự lựa chọn có phần hơi khác lạ của mình, Sung Hyung cho biết: “Công việc này có thể phục vụ cộng đồng và đảm bảo cho tôi chế độ hưu trí”.
Dường như đó chưa phải là tất cả để người trẻ lựa chọn công việc này. Được biết, người làm nghề lao động đường phố tại Hàn Quốc được xem là “bán viên chức” khi chịu sự quản lý của địa phương và có kha khá đãi ngộ hấp dẫn như: thu nhập dao động từ 45-50 triệu KRW/năm (~876-973 triệu đồng) và nhận được lương hưu hấp dẫn nếu duy trì làm việc đến năm 60 tuổi.
Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng việc lao động chân tay thì bất kỳ ai cũng có thể nộp đơn xin vào làm được. Trái lại, để có thể gia nhập vào đội ngũ vệ sinh đường phố tại Hàn, người ứng tuyển phải vượt qua các đợt kiểm tra gắt gao.
Vượt qua vòng loại hồ sơ với tỉ lệ chọi 1:6, ứng viên sẽ bước vào vòng thi thể lực, hít xà đơn tối thiểu 25 lần, giữ bao cát hơn 20kg trong ít nhất 4 phút và vác bao cát chạy 50m. Nếu suôn sẻ mới được bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp.
“Phỏng vấn gắt, bù lại thu nhập không đến nỗi nào nhưng tại sao người trẻ tại Hàn vẫn chọn công việc này thay vì làm văn phòng?” - có lẽ nhiều người đọc tới đây vẫn còn thắc mắc câu hỏi này. Để rõ hơn, hãy cùng tìm hiểu thêm về 3 lý do mang tính vi mô hơn nhé!
Khan hiếm việc làm: Đây là lý do khá phổ biến ở các nước phát triển khiến cho người lao động trẻ không có nhiều sự lựa chọn và đành phải chấp nhận các công việc mà hầu như chẳng có ai nghĩ rằng họ sẽ làm. Hàn Quốc đang gặp phải tình trạng khan hiếm việc làm vô cùng nghiêm trọng như thế.
Cạnh tranh cao: Khan hiếm việc làm kéo theo sự cạnh tranh cao, điều này đã góp phần đẩy nhiều người trẻ Hàn Quốc phải làm những việc trái với chuyên ngành, thậm chí là lao động chân tay nếu không muốn lâm vào cảnh thất nghiệp.
Văn hóa Kkondae: Trong văn hóa xứ sở kim chi, Kkondae được hiểu là sự hạ mình của người lao động trẻ trước thế hệ tiền bối trong môi trường công sở. Theo đó, nó tạo ra một sức ép vô cùng to lớn lên tinh thần người trẻ, thúc đẩy vấn nạn “ma cũ bắt nạt ma mới”. Tất nhiên, vì không muốn chịu cảnh ngột ngạt như vậy, nhiều người trẻ thế hệ Y tại Hàn Quốc đã chọn cách làm một cái gì đó khác đi, tự do hơn và tránh bị chèn ép.
Hữu Thọ