Triển lãm Làng nghề phố nghề Thăng Long - Hà Nội trưng bày tư liệu lưu trữ ngay trên các sản phẩm mây tre đan - Ảnh: T.ĐIỂU

Những câu chuyện thú vị này đang được kể với công chúng tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước qua triển lãm "Làng nghề, phố nghề Thăng Long Hà Nội".

Triển lãm giới thiệu một bộ sưu tập phong phú gồm 130 phiên bản tài liệu, hình ảnh lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn, các phông tài liệu tiếng Pháp đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và một số hiện vật tiêu biểu.

Đây là một triển lãm nghệ thuật về nghề thủ công thực sự, nơi mà những tinh túy nhất của nghề đan, thêu, dệt lụa được mang ra làm cái nền đẹp đẽ dẫn lối công chúng đi vào khám phá những câu chuyện lịch sử thú vị: làng nghề, phố nghề, đình trong phố, những người hàng phố của Thăng Long - Hà Nội vào thế kỷ 19-20.

Những tài liệu lưu trữ không treo lạnh lẽo và tẻ nhạt trên tường hay trong tủ kính như thường thấy, mà được trưng bày trên chính các sản phẩm thủ công đẹp mắt do những người thợ đến từ các làng nghề thủ công ở Hà Nội làm.

Trong triển lãm, ngoài các thông tin quý giá, người xem còn được chiêm ngưỡng 21 lối đan khác nhau từ những bàn tay tài hoa của những thợ thủ công đất ngàn năm văn vật.

Triển lãm còn trưng bày các sản phẩm tinh xảo của những người thợ xuất sắc đất Thăng Long - Hà Nội như bức tranh Bác Hồ đan bằng mây tre tinh xảo đáng kinh ngạc của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Bà Lê Thị Thúy Hằng - phó trưởng Phòng phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, người phụ trách nội dung của triển lãm - giới thiệu về bức tranh Bác Hồ được tạo bằng kỹ thuật đan sợi mây của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung - Ảnh: T.ĐIỂU

Một lịch sử thăng trầm của nghề thủ công đất Thăng - Long Hà Nội dưới thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc được mở ra theo cách đẹp đẽ, rất hấp dẫn người xem.

Ở đó, công chúng thu nạp được những câu chuyện về chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trăm năm trước, về câu chuyện người Pháp cho xây chợ Đồng Xuân để phát triển giao thương, hay quản lý kinh doanh vỉa hè có thu thuế…

Dưới triều Nguyễn, người thợ bị trưng dụng về kinh đô để phục vụ cho triều đình là chủ yếu, hoặc lên nha tỉnh ở Hà Nội. Sản phẩm thủ công chủ yếu phục vụ cho triều đình hoặc buôn bán nhỏ.

Nhưng đến thời Pháp thuộc thì những người thợ thủ công được chủ động hơn với nghề của mình, họ được mở cửa hàng, được bán hàng rong trên phố và được quản lý chặt chẽ với danh sách những người bán hàng rong rõ ràng.

Công chúng đến xem đều thích thú trước một triển lãm tư liệu được làm quá đẹp khiến việc tìm hiểu thông tin tư liệu dễ dàng, hấp dẫn hơn - Ảnh: T.ĐIỂU

Thời Pháp, thuế khóa nặng nề hơn, nhưng người Pháp cũng có nhiều chính sách tích cực phát triển nghề thủ công ở Hà Nội.

Họ mở xưởng, mở trường Bách nghệ để dạy nghề và lập hội từ 1898, các cuộc đấu xảo (hội chợ) được mở ra rất nhiều.

Năm 1878 những người thợ Việt Nam lần đầu tiên tham gia đấu xảo ở Paris (Pháp). Cho đến năm 1887 thì cuộc đấu xảo đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam (Hà Nội).

Và đến năm 1902 thì cuộc đấu xảo có tầm vóc quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.

Đơn ngày 26-10-1933 của bà Nguyễn Thị Độ ở làng Trích Sài, huyện Hoàn Long, Hà Đông gửi Đốc lý Hà Nội xin được bán hàng vải trước số nhà 30 phố Hàng Đào - Ảnh: T.ĐIỂU

Những tư liệu như danh sách những người bán hàng rong trên phố Hàng Đào, đơn thư của người dân phố Đồng Xuân gửi Công sứ Hà Nội ngày 8-12-1988 phản ánh việc nhà của họ bị trưng dụng để xây chợ Đồng Xuân… thật thú vị khi cho công chúng một chút hình dung về đời sống của những người hàng phố đất Hà Nội tưởng đã hoàn toàn bị chồng lấp bởi thời gian.

Triển lãm tiếp tục được trưng bày lâu dài đón công chúng.

Theo tuoitre