Thấy tôi mặc đồ yoga, trải tấm thảm nhỏ ra sàn nhà, cậu con trai 8 tuổi đang đọc Doraemon gần đó cũng nhanh nhảu chạy lại đòi tập chung. Trước đó, tôi chưa từng giải thích kỹ lưỡng với con về tác dụng của yoga đối với sức khỏe, cũng chưa cho con tập luyện chung với mình bao giờ. Cậu bé chỉ đơn giản là thấy mẹ làm rồi bắt chước.

Khi nghĩ về phương pháp giáo dục con cái, tôi từng cho rằng có 2 cách hiệu quả để khiến trẻ làm điều gì đó. Một là sự khích lệ, hai là kỷ luật. Nghĩa là chúng ta thường đưa ra phần thưởng dưới nhiều hình thức khác nhau để khuyến khích trẻ làm điều gì đó hoặc quở phạt nếu trẻ không thực hiện.

Con trai tác giả cùng mẹ tập yoga
Con trai tác giả cùng mẹ tập yoga

 

Gần đây, tôi nhận ra, có nhiều lúc mình chẳng phải làm gì cả, con trẻ vẫn sẽ tự động thực hiện, thậm chí hình thành một thói quen tốt nào đó chỉ đơn giản bằng cách bắt chước cha mẹ chúng. Trong trường hợp của tôi, trong vòng 2 năm qua, tôi đã chứng kiến con trai mình tự làm nhiều hành động thú vị mà không cần khuyến khích.

Tất nhiên, trong số những thứ mà con thử, có nhiều thứ thuộc dạng “cả thèm chóng chán”, nghĩa là ban đầu rất háo hức, dần về sau thì lơ là, có khi quên hẳn. Song song đó, thật may vì vẫn có những thói quen được cậu duy trì khá tốt, chẳng hạn như học ngoại ngữ trên ứng dụng và ghi chép hoạt động thường ngày.

Với việc học ngoại ngữ. Sau nhiều lần ngồi kế bên xem chồng tôi học tiếng Việt và tiếng Pháp trên Duolingo (một ứng dụng trên điện thoại), cậu cũng đòi học thử. Kết quả của lần “học thử” đó là chàng trai 8 tuổi đã duy trì được hơn 240 ngày liên tục trên ứng dụng này, chủ yếu học tiếng Anh và tiếng Hungary.

Ví dụ thứ hai là thói quen ghi chép vào sổ hoặc kể chuyện bằng cách ghi âm vào phần Voice Memos trên iPad, về những thứ hay ho diễn ra trong ngày (nếu có). Đến nay, con đã có “gia tài” hơn 20 mẩu chuyện nhỏ, kể về những lần được đi chơi trượt băng, đi máy bay, tập gói hoành thánh, tỉa bí đỏ trang trí Halloween, diễn kịch đêm Giáng sinh…

Khi con trẻ tự thực hiện điều gì đó bằng cách bắt chước, đó là lựa chọn của chúng. Khi cảm thấy đó là quyết định riêng mà mình tự đưa ra, con cảm nhận được sự tự do lựa chọn điều mình thích, nhờ vậy mà không có sự kháng cự như khi được người khác khuyến khích hoặc hối thúc.

Con thích đọc sách khi thấy người lớn trong gia đình có thói quen này
Con thích đọc sách khi thấy người lớn trong gia đình có thói quen này

 

Có thể khi bắt đầu, con trai tôi không hiểu gì về ý nghĩa hay ho của từng hành động (chẳng hạn tập thể dục để có sức khỏe tốt, đọc sách để giải trí hoặc mở rộng kiến thức, ăn trái cây để cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể…), nhưng dần dần, con sẽ tự có những cảm nhận riêng và phát triển một mối gắn kết sâu sắc với một thói quen nào đó.

Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng hoàn toàn trông cậy vào việc trẻ tự bắt chước. Phương pháp này có những giới hạn riêng. Chẳng hạn như về mặt thời gian, chúng ta không kiểm soát được cụ thể là khi nào con sẽ có hứng để làm theo. Câu chuyện trên chỉ nhằm cung cấp một góc nhìn lạc quan hơn cho các bậc cha mẹ.

Thay vì phải giảng giải vào tai con nhiều lần theo kiểu mưa dầm thấm lâu và liên tục khuyến khích con thử, tôi tin rằng nếu bản thân mình thực hiện đều đặn, trẻ sẽ quan sát và làm theo vào một thời điểm mà chúng cảm thấy thoải mái và sẵn sàng để thử. 

Theo phụ nữ TPHCM