leftcenterrightdel
 Trào lưu mỉa mai đàn ông có hành vi hạ thấp, quấy rối nữ giới đang được hưởng ứng trên mạng ở Trung Quốc.

Trào lưu này bắt nguồn từ influencer Fangtouming và nhanh chóng được nhiều phụ nữ tham gia, chia sẻ trải nghiệm của bản thân qua các video. Một trong những video phổ biến nhất, hút hơn 500.000 lượt thích, là cảnh một cô gái mô tả lại dáng vẻ kẻ chụp lén phụ nữ trên tàu điện ngầm, theo Sixth Tone.

"Những video này không chỉ là một trò đùa đơn giản. Nó cho thấy những kiểu đàn ông mà nhiều phụ nữ phải đối mặt hàng ngày", một bình luận khen ngợi nhận nhiều sự đồng tình dưới video.

Tuy nhiên, cũng có người bày tỏ lo ngại rằng những video dạng này có thể tầm thường hóa mức độ nghiêm trọng của các vấn đề như quấy rối tình dục.

Năm 2022, phản ứng của công chúng về bộ phim Các quý ông khu Đông Bát do diễn viên Trương Hàn đóng chính từng cho thấy mối quan tâm về những vấn đề dạng này ở Trung Quốc. Bộ phim được cho có nhiều tình tiết vô duyên và lời thoại mang tính hạ thấp, mỉa mai phụ nữ được thể hiện dưới góc nhìn hạn hẹp, gia trưởng của đàn ông.

Trước phản ứng dữ dội, bộ phim sau đó bị gỡ khỏi các nền tảng xem phim trực tuyến ở Trung Quốc.

"Vài năm gần đây, chúng ta thấy có một sự phát triển thú vị. Bắt đầu từ thuật ngữ 'dầu mỡ' - chỉ những người đàn ông có hành động quá lố, tự luyến, gây ngán ngẩm - sau đó là các cuộc thảo luận về nó và bây giờ, xu hướng này đạt đến đỉnh điểm với việc công chúng bắt chước nó một cách nhiệt tình", Abby Lu, người ủng hộ bình đẳng giới ở Trung Quốc, nhận định.

Lu cho biết với việc nhiều phụ nữ tích lũy những trải nghiệm của bản thân để tạo ra các video châm biếm như vậy, cô cho rằng quấy rối tình dục đã trở nên "phổ biến đến mức được xem là bình thường và là một phần của sự vô thức tập thể".

"Nhưng chúng ta có thể coi sự bắt chước này như một vũ khí tấn công những vấn đề gây nhức nhối hàng ngày này. Tôi ủng hộ trào lưu nói trên.

Một số người lo rằng nó có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các vấn đề như quay lén và quấy rối tình dục, nhưng những video này sẽ khiến đàn ông nhận ra họ cư xử như thế nào. Đó là một điều tốt", Lu bày tỏ.

Zhang Nian, giáo sư triết học tại Đại học Đồng Tế, học giả tiên phong về lý thuyết nữ quyền ở Trung Quốc, nhận xét rằng xu hướng này có thể được coi là “giáo dục ngược giới tính tự phát”.

“Những video này dựa trên trải nghiệm trực tiếp hàng ngày, giống như chiến trường đối với phụ nữ. Việc bắt chước này như một tấm gương, buộc đàn ông phải nhìn ra họ là ai và phản ánh cách họ biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày - vốn đã được bình thường hóa trong vô thức tập thể. Xu hướng này như một bộ phim xã hội hay điêu khắc xã hội", Zhang nói.

Theo zingnews