Da Nang: Trien lam tranh “Viet Nam Urban Arts” tai khuon vien cau Rong hinh anh 1
 Một góc triển lãm tranh “Vietnam Urban Arts"  tại khuôn viên cầu Rồng (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN )

 

Ngày 25/2, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Đà Nẵng phối hợp với Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức chương trình Triển lãm tranh “Viet Nam Urban Arts” tại khuôn viên cầu Rồng (Đà Nẵng).

Tám bức tranh khổ lớn từ 2,4 x 3,6 mét trong Triển lãm lần này do các nghệ sĩ trẻ tài năng của nghệ thuật đường phố Việt Nam, cùng hai nghệ sĩ khách mời nổi tiếng là Suby One và Daos 50 thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh trước đó. Các tác phẩm tranh đã được các nghệ sỹ vẽ trực tiếp cùng lúc trên nhiều tấm pano và được trưng bày lần lượt tại các thành phố lớn của Việt Nam trong đó có Đà Nẵng.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng Ngô Văn Bảy chia sẻ, đây là 8 tác phẩm đầy cảm hứng của mỗi nghệ sỹ vẽ về một chủ đề liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, qua tác phẩm thể hiện góc nhìn của các nghệ sĩ về thế giới ngày một tốt đẹp hơn. Đây cũng là dịp nhằm tôn vinh những nghệ sĩ trẻ Việt Nam thuộc bộ môn nghệ thuật đường phố sau 20 năm kể từ ngày nghệ thuật này xuất hiện tại Việt Nam.

Triển lãm hy vọng sẽ đem đến cho khách tham quan những trải nghiệm thú vị, những giá trị nghệ thuật truyền cảm hứng, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của mọi người về việc góp phần vào sự phát triển bền vững của thế giới; đồng thời quảng bá và phát triển hơn nữa loại hình nghệ thuật đường phố “Street art” tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Các tác phẩm tranh tại triển lãm lần này đã mang tới cho công chúng nhiều ấn tượng như: “ Cây-giá trị bền vững” của nghệ sỹ Nguyễn Tấn Lực vẽ xã hội phát triển bền vững luôn đi đôi với sự phát triển của thiên nhiên, cùng với giá trị văn hóa được tạo nên từ tình yêu, hạnh phúc và sự cứng cáp bởi khoa học và công nghệ.

Cây tượng trưng cho sự bền vững; hoa tượng trưng cho hạnh phúc và tình yêu; gạch, bê tông tượng trưng cho thành phố đang phát triển; xe cẩu tượng trưng cho biến đổi và xây dựng bởi sự tích cực, con người; văn hóa thể hiện cho xã hội có sự tương tác và chung một nền văn hóa, thể chế đặc biệt.

Tác phẩm “Tương lai tươi đẹp” của nghệ sỹ Lê Nhật Huy vẽ về một bàn giáo viên khổng lồ. Dài và rộng đến chân trời phủ đầy cỏ xanh mướt. Trên bàn là một màn hình máy tính khổng lồ. Nơi tổ chức một lớp học online để kết nối tất cả các em học sinh trên khắp thế giới không phân biệt tiếng nói, màu da trong thời kì đại dịch. Mặc dù còn những trẻ em chưa được tiếp cận với giáo dục, kết nối với phần còn lại của thế giới.

Bởi địa lý, chiến tranh hay đói nghèo vẫn còn là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, đang có rất nhiều tổ chức hay cá nhân đã và đang vận động hàng giờ để có thể mang kiến thức phổ cập cho tất cả trẻ em trên thế giới này.

Hình ảnh một quả địa cầu giáo cụ mọc lên một cách tự nhiên trên thảm cỏ xanh như là một lời khẳng định trẻ em, những hạt giống tương lai trên thế giới này đều xứng đáng được giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng dù có khó khăn như thế nào. Đó chính là nghĩa vụ của nhân loại để có thể duy trì và phát triển bền vững, hướng đến một tương lai tươi đẹp.

Tác phẩm tranh “Tình yêu và lý trí” của nghệ sĩ Lưu Đoàn Linh vẽ một Nữ thần trong tác phẩm tượng trưng cho sự công bằng. Nữ thần dùng dải băng che mắt để không bị những phù phiếm bên ngoài ảnh hưởng. Cán cân một bên là bộ não và trái tim, tượng trưng cho lý trí và cảm xúc con người, luôn nặng hơn bên còn lại là vật chất.

Tiền bạc không bao giờ quan trọng hơn tình yêu và lý trí giữa người này đối với người khác. Thế giới hòa bình được xây dựng trên tình yêu thương của nhân loại. Lông vũ đại diện cho chim bồ câu, biểu tượng cho hòa bình…

Triển lãm tranh “Viet Nam Urban Arts” sẽ diễn ra đến hết ngày 17/3/2022.

Theo Vietnamplus