Đó là những trăn trở của lãnh đạo nhiều trường ĐH VN khi xây dựng chiến lược trở thành điểm đến của sinh viên (SV) quốc tế.

TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI "TẠI SAO"

GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định VN cần có chiến lược tầm quốc gia nếu muốn trở thành điểm đến của SV quốc tế. "Chúng ta phải trả lời được câu hỏi tại sao lại cần thu hút SV quốc tế? Có phải để có thêm nguồn thu học phí, hay để khẳng định chất lượng, thu hút tài năng của nước ngoài vào VN? Chỉ mục tiêu số 2 mới có thể giúp giáo dục ĐH VN phát triển bền vững. Khi thu hút được SV giỏi học tập ở VN, sau khi học xong trở về nước, họ sẽ tạo ra một mạng lưới kết nối và đó là yếu tố góp phần nâng cao quyền lực mềm của đất nước, và góp phần nâng cao chất lượng cho giáo dục ĐH nước ta", GS-TS Trần Diệp Tuấn nhận định.

leftcenterrightdel
 Sinh viên quốc tế tham gia các chương trình liên kết, trao đổi tại ĐH Quốc gia TP.HCM
 Theo ông Tuấn, các nước có nền giáo dục phát triển sẵn sàng cấp học bổng cho du học sinh đến từ các quốc gia khác. Đó là cách họ thu hút tài năng, chất xám trong đó có người Việt. "Đây là chiến lược mang tầm quốc gia của họ. Họ đã thu hút được rất nhiều người giỏi. Vậy VN có làm được điều đó hay không? Nếu muốn VN trở thành điểm đến thu hút SV tài năng nước ngoài thì đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến điều đó. Ban đầu có thể chỉ cần đầu tư cho một số cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm, xây dựng chương trình chất lượng cao và cấp học bổng ở một số lĩnh vực", ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn tiếp tục đặt một câu hỏi khác: Tại sao người Việt lại muốn du học ở Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Singapore...? Có phải chỉ để học giỏi chuyên môn hay không? "Không hẳn vậy, chuyên môn đúng là quan trọng nhưng chỉ là một phần, họ muốn được học tập trong một môi trường có tư duy khai phóng, mọi tiềm năng được đánh thức và được phát huy, được thỏa sức sáng tạo. Chúng ta muốn thu hút SV nước ngoài, thì liệu chúng ta có tạo ra được một môi trường hấp dẫn như vậy hay không? Điều đó đòi hỏi một chiến lược lâu dài mang tầm quốc gia, một triết lý giáo dục đúng đắn và rõ ràng", GS-TS Tuấn phân tích.

XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐẠT CHUẨN QUỐC TẾ

GS-TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU), cho biết hằng năm VNU tiếp nhận gần 2.000 SV quốc tế qua học các hệ, trong đó có chương trình cử nhân và thạc sĩ. Từ năm 2021, Giám đốc VNU đã ban hành nghị quyết Đảng ủy về quốc tế hóa đào tạo. Trong thời gian qua, VNU cũng đã ban hành kế hoạch triển khai chuyển đổi 30% chương trình đào tạo qua dạy bằng tiếng Anh. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang đẩy mạnh chương trình liên kết đào tạo quốc tế với mục tiêu quy mô 5.000 SV vào năm 2030.

"Phải lấy chuẩn quốc tế làm thước đo, qua đó mới nâng chất lượng và thu hút SV quốc tế. Thời gian qua, trường ký kết với các trường ĐH đối tác nước ngoài, hầu hết đều nằm trong top 100 thế giới. Hiện VNU bắt đầu đào tạo bác sĩ cho Ấn Độ, Trường ĐH Việt Nhật cũng bắt đầu đón SV quốc tế", GS-TS Lê Quân thông tin.

Không nằm ngoài xu hướng này, ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) cũng đã xây dựng lộ trình với những giải pháp cụ thể để thu hút SV quốc tế, từng bước triển khai đồng bộ ở các trường thành viên.

leftcenterrightdel
 Giờ học của sinh viên chương trình liên kết quốc tế của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết ĐH này có tầm nhìn và sứ mệnh "trở thành hệ thống ĐH nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa VN". Để trở thành ĐH tốp đầu châu Á thì một trong những tiêu chí là phải đa dạng hóa người học, nghĩa là phải có SV quốc tế.

"Hiện nay, các trường thành viên đang đẩy mạnh giảng dạy bằng tiếng Anh. Việc hoàn thiện đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu được ĐHQG-HCM chú trọng hàng đầu. Thời gian qua, ĐHQG-HCM đã xây dựng chương trình VNU350, mục tiêu đến năm 2030 sẽ tuyển dụng được 350 nhà khoa học trẻ đầu ngành xuất sắc từ nhiều trường ĐH trên thế giới trở về làm việc. Đến nay chúng tôi đã tuyển dụng được 30 tiến sĩ, nhà khoa học Việt đang làm việc từ các trường ĐH như ĐH Berkeley, Caltech, CMU (Mỹ)…", PGS-TS Vũ Hải Quân chia sẻ.

Bên cạnh việc chuẩn bị đội ngũ, ông Vũ Hải Quân cho biết chương trình đào tạo phải đạt chuẩn quốc tế nếu muốn thu hút SV nước ngoài. Hiện khối ĐHQG-HCM dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế với hơn 120 chương trình.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Vũ Hải Quân, còn rất nhiều khó khăn cần được các trường ĐH giải quyết. "Đó là rào cản ngôn ngữ. Để giảng dạy 100% tiếng Anh là một thách thức lớn. Không chỉ giảng viên phải giỏi tiếng Anh mà cán bộ nhân viên các phòng ban, bộ phận cũng phải giỏi tiếng Anh. Về cơ sở vật chất bên cạnh giảng đường, phòng thực hành thí nghiệm, thì trường ĐH phải đầu tư đầy đủ các khu tiện ích như thể dục thể thao, vui chơi giải trí, ký túc xá...", ông Quân cho hay.

Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, GS-TS Trần Diệp Tuấn thông tin trường cũng có chiến lược và đang xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc thu hút SV quốc tế trong tương lai. Tuy nhiên, trước tiên trường tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế để đào tạo nhân lực giỏi cho đất nước, sau đó sẽ là thu hút SV giỏi của nước ngoài.

Trở thành điểm đến của sinh viên quốc tế: Cần chiến lược quốc gia- Ảnh 3.

Sinh viên Philippines tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)

ẢNH: WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

TẠO MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP, CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP TỐT

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, nhìn nhận quốc tế hóa là xu hướng chung của các trường ĐH Việt, trong đó, việc thu hút được SV quốc tế đến học là một tiêu chí. Theo tiến sĩ Viên, muốn vậy thì giáo dục ĐH phải tạo giá trị khác biệt và đáp ứng được nhu cầu của họ về việc tiếp cận, lĩnh hội tri thức mới. Bên cạnh đó, chúng ta phải tạo được môi trường học tập và cơ hội nghề nghiệp tốt.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng kiểm định quốc tế, Trường ĐH Tài chính - Marketing còn chú trọng hoàn thiện đội ngũ nhân viên ở một số đơn vị, phòng ban với tiêu chí khi tuyển dụng phải đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh. "Trường cũng sẽ hình thành bộ phận chăm sóc người học, đào tạo nhân viên để hỗ trợ các thủ tục về pháp lý và giúp SV quốc tế hòa nhập, thích nghi với môi trường mới tại VN", PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, thông tin thêm.

PGS-TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho hay: "Bên cạnh mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, tăng các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, trường đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ SV quốc tế về thủ tục pháp lý, điều kiện sinh hoạt và ăn ở".

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng đang phát triển và cung cấp các chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, đầu tư vào cơ sở vật chất và các dịch vụ hỗ trợ như chỗ ở, thư viện, trung tâm học tập, các tiện ích. Trường sẽ có đội ngũ nhân viên chuyên biệt hỗ trợ SV quốc tế về thủ tục nhập học, visa, thích nghi văn hóa, và các dịch vụ tư vấn học tập, đời sống.

 VN đang có những điều kiện thuận lợi

Nói về thuận lợi, PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng VN là một quốc gia có nền kinh tế mở và đang phát triển mạnh mẽ. "Thực tế hiện nay có nhiều bạn trẻ khắp nơi trên thế giới muốn đến VN tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và mong muốn khám phá lịch sử, văn hóa, con người VN. Chi phí ở VN lại khá thấp. Những điều này cũng có thể góp phần để giáo dục ĐH trở thành điểm đến của SV quốc tế trong tương lai không xa", PGS-TS Vũ Hải Quân nhận định.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng nhận định: "VN đang có chính sách mở rộng thúc đẩy đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Điều này sẽ tạo động lực cho các cơ sở giáo dục nước ngoài tham gia vào thị trường giáo dục tại VN, dẫn đến chi phí đào tạo sẽ được cạnh tranh hơn trong khu vực và quốc tế".

Theo Thanh niên