leftcenterrightdel
Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp tại Trung Quốc đang cao hơn bao giờ hết. 

Đây là thời điểm mà tỷ lệ thanh niên Trung Quốc thất nghiệp cao ở mức kỷ lục.

“Vật lộn” tìm việc

Jenny Bai - một trong 10 sinh viên khoa học máy tính có thành tích cao nhất đến từ các trường đại học khác nhau của Trung Quốc, được một công ty Internet có trụ sở tại Bắc Kinh nhận vào làm việc khi tốt nghiệp. Những sinh viên này trúng tuyển sau bốn vòng phỏng vấn đầy thử thách.

Tuy nhiên, vào tháng 5, công ty thông báo với các sinh viên rằng, đề nghị hợp đồng của họ đã bị hủy do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như tình hình tồi tệ của nền kinh tế nói chung.

Có thể nói, đây là những trở ngại lớn đối với 10,8 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học trong mùa hè này. “Tôi vô cùng lo lắng. Nếu không tìm được việc, tôi không chắc mình sẽ làm gì để sống”, Bai - sinh viên vừa tốt nghiệp tháng 6 và không muốn nêu tên công ty, bày tỏ.

Các hạn chế Covid-19 tại Trung Quốc đã tác động xấu đến một nền kinh tế vốn đang chậm lại do suy thoái thị trường bất động sản, những động thái xử lý mạnh tay trong các lĩnh vực công nghệ, giáo dục… của chính phủ.

Không có kịch bản nào cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến xã hội Trung Quốc ra sao. Vật lộn để tìm việc làm đi ngược lại những gì mà những người trẻ có học thức mong đợi, sau nhiều thập kỷ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, ổn định thị trường việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Các công ty cung cấp vị trí thực tập cho sinh viên mới tốt nghiệp sẽ nhận được trợ cấp, cùng với những đặc quyền khác nhằm thúc đẩy việc làm nói chung. Một số chính quyền khu vực đã cung cấp các khoản vay giá rẻ cho sinh viên tốt nghiệp muốn khởi nghiệp kinh doanh.

leftcenterrightdel
 Nhiều sinh viên tiếp tục nghiên cứu sau khi tốt nghiệp đại học.

Thị trường việc làm tồi tệ

Rockee Zhang, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Randstad, cho biết thị trường việc làm ở cấp độ đầu vào của Trung Quốc thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Theo ước tính, việc làm mới tại quốc gia này giảm từ 20 - 30% so với năm ngoái. Là một nhà tuyển dụng trong hai thập kỷ qua, ông Zhang cho biết: “Năm nay là thấp. Đây là mức thấp nhất mà tôi từng thấy”.

Theo Zhilian Zhaopin - một công ty tuyển dụng khác, mức lương kỳ vọng của sinh viên tốt nghiệp cũng thấp hơn 6,2%. Các nhà tuyển dụng cho biết, lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc là ngành tiếp nhận nhiều sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, năm nay, ngành này đang cắt giảm lực lượng lao động.

Thời gian qua, nhiều “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc bao gồm Tencent và Alibaba đã phải cắt giảm việc làm hàng loạt. Một số nguồn tin cho biết, trong năm nay, có tổng cộng hàng chục nghìn người đã mất việc làm ở lĩnh vực này.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng 4 của nhóm Tư vấn Quản lý và Đánh giá Nhân tài NormStar có trụ sở tại Thượng Hải, mức cắt giảm việc làm là khác nhau giữa khoảng 10 công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Song, con số trung bình rơi vào khoảng 10%. Trước bối cảnh này, các công ty đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Giáo dục tư nhân - một lĩnh vực khác cũng đã sa thải hàng chục nghìn người. Công ty lớn nhất trong ngành - New Oriental, đã tuyên bố sa thải 60.000 nhân viên. Trong khi đó, việc tuyển dụng người mới đang “chững lại”.

Một giám đốc nhân sự tại một đơn vị kinh doanh của Tencent - người yêu cầu giấu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông, cho biết đang tìm kiếm “vài chục” sinh viên mới tốt nghiệp. Con số này được cho là khá khiêm tốn, so với khoảng 200 người một năm trước đó. Julia Zhu của công ty tuyển dụng Robert Walters cho biết: “Các công ty Internet đã cắt giảm rất nhiều việc làm”.

Trong khi đó, Jason Wang thuộc công ty tuyển dụng có trụ sở tại Bắc Kinh, người đã làm việc chủ yếu với các tổ chức công nghệ trong những năm gần đây, cho biết hiện tuyển dụng chủ yếu cho các công ty viễn thông được nhà nước hậu thuẫn. “Thời kỳ hoàng kim của việc tuyển dụng nhân sự của các công ty Internet đã kết thúc”, Wang nói.

Nỗi xấu hổ của gia đình

leftcenterrightdel
Ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường việc làm. 

Ở Trung Quốc, việc thất nghiệp một thời gian sau khi tốt nghiệp thường là “điểm trừ” của sinh viên đối với các nhà tuyển dụng. Nhiều gia đình xem đó là một nỗi xấu hổ hơn là xui xẻo về kinh tế. Không ít sinh viên bị các công ty từ chối sau khi tốt nghiệp đại học. Vì vậy, dữ liệu chính thức cho thấy, để tránh khoảng trống dài trong đơn xin việc, sinh viên Trung Quốc đang nộp đơn nghiên cứu sau đại học nhiều hơn bao giờ hết.

Vicente Yu tốt nghiệp năm 2021, nhưng thất nghiệp kể từ khi bị đuổi việc tại một công ty truyền thông vào cuối năm ngoái. Khoản tiết kiệm của anh chỉ đủ để trang trải thêm một hoặc hai tháng tiền thuê nhà và các chi phí cơ bản ở thành phố Quảng Châu.

“Cha tôi nói rằng, tôi không bao giờ nên trở về nhà nữa. Ông ấy nói rằng nên nuôi một con chó thay vì tôi”, nam thanh niên 21 tuổi cho biết. Nam sinh vừa tốt nghiệp này đang phải vật lộn với chứng lo âu và khó ngủ.

Anh dành hàng đêm trên các nền tảng mạng xã hội và tìm thấy những người trẻ khác có hoàn cảnh tương tự. “Tôi tìm thấy cả những người giống tôi. Họ cũng là những người không thể tìm được việc làm. Điều đó khiến tôi được an ủi phần nào”, Yu bày tỏ.

Những thách thức trong tìm kiếm việc làm đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã xuất hiện dai dẳng kể từ đầu những năm 2000, khi Trung Quốc mở rộng tuyển sinh đại học. Vấn đề dần tồi tệ hơn trong những năm qua, mặc dù chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp.

Một số chuyên gia về nhân lực cho biết, điểm mấu chốt của vấn đề là ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường việc làm. Các chuyên gia cho rằng, đã có sự không phù hợp giữa kỳ vọng của sinh viên và thực tế thị trường.

Những chuyên gia này nhận định, sự không phù hợp của thị trường việc làm phản ánh thực tế là hệ thống giáo dục của Trung Quốc đã tụt hậu so với quá trình chuyển đổi công nghiệp của đất nước.

Zhang Chenggang - chuyên gia thị trường việc làm tại Trường Đại học Kinh tế Thủ đô ở Bắc Kinh - cho biết, các trường đại học Trung Quốc tập trung vào việc trau dồi giáo dục có mục đích chung. Phương pháp đó vốn không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các công ty về chuyên môn đặc biệt. Xiong Bingqi - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 có trụ sở tại Bắc Kinh - cho biết, vấn đề lớn nhất đối với hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc là sự mất kết nối với nhu cầu xã hội.

Vào tháng 8/2021, Hội đồng Nhà nước đã ban hành một kế hoạch phát triển thị trường việc làm. Kế hoạch yêu cầu các trường đại học cải thiện việc thiết lập kỷ luật học tập để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Song, theo ông Zhang, thực tế, các trường đại học do dự trong việc thực hiện những thay đổi lớn do lo ngại về chi phí lớn và rủi ro tiềm ẩn. Các chuyên gia từ lâu đã kêu gọi Trung Quốc thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp để cải thiện cơ cấu nguồn cung nhân tài.

Vào tháng 9/2020, chín cơ quan trung ương, do Bộ Giáo dục đứng đầu, đã ban hành hướng dẫn với mục tiêu mở rộng tỷ lệ tuyển sinh trường nghề và thiết lập hệ thống giáo dục đại học cho dạy nghề. Song, đối với nhiều gia đình Trung Quốc, trường dạy nghề không được coi là một lựa chọn đầy hứa hẹn. Những trường như vậy từ lâu đã bị chế giễu là “cấp thấp và chất lượng thấp”, cũng như thua kém các trường đại học chính quy.

Chu Zhaohui - nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc - cho biết, để thay đổi suy nghĩ đó, các tiêu chuẩn đánh giá giáo dục nên được đa dạng hóa. Một trong những mục tiêu quan trọng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại là đào tạo nhân tài phù hợp với sự phát triển xã hội kiểu mẫu.

Điều đó đòi hỏi phải thiết lập một hệ thống giá trị xã hội tôn trọng sự bình đẳng của tất cả mọi người. Các chuyên gia cho biết, điều quan trọng đối với Trung Quốc là thúc đẩy nâng cấp cơ cấu công nghiệp, phát triển kinh tế khu vực và tạo ra một vòng quay giáo dục và phát triển kinh tế có đạo đức.

Theo GD&TĐ