leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ: Freepik

Trong 3 nhánh của một chiếc cỏ 3 lá thì nhánh đầu tiên biểu tượng cho niềm tin, 2 nhánh còn lại lần lượt đại diện cho hy vọng và tình yêu.

Thế nhưng, hôm nay, một người bạn của tôi đã nói “nhánh cỏ ba lá đã vô dụng, không thể cứu vớt gì cho lòng tự trọng của một vài người”. Nhánh cỏ ba lá mà bạn tôi nhắc đến là những ký tự dùng để che hờ hững vào những con số được cho là số tiền của một vài cá nhân chuyển khoản đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đợt ủng hộ đồng bào Miền Bắc chịu thiệt do bão lũ.

Bảng sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai được công khai lần 1 vào tối 12/9 ghi lại chi tiết các giao dịch, quyên góp của mọi người.

Ngay lập tức, động thái này tạo nên dư chấn mạnh mẽ, rộng khắp.

Dưới câu thơ ai đó đặt vui lên trang Facebook “Đi giữa trời khuya sao kê lấp lánh. Tiếng check var vang động cây rừng" có hàng ngàn bình luận.

Mọi người lần lượt vào gắn hình, "réo" tên những trường hợp thiếu trung thực khi quyên góp. Ví dụ, có trường hợp ủng hộ 500 ngàn nhưng ỡm ờ gây hiểu nhầm lên 500 triệu, có trường hợp thông báo mình góp 100 triệu nhưng con số thực chỉ là 100 ngàn đồng.

Tôi tự nhủ, trừ những cá nhân, tổ chức bị ai đó mạo danh, chuyển khoản rồi ghi nội dung không đúng thì những trường hợp thực sự phông bạt, làm màu, cố tình hô khống số tiền quyên góp của mình cao lên gấp nhiều lần, sau đợt bị phanh phui này sẽ đối diện như thế nào với bạn bè, người thân và dư luận? Họ có xấu hổ hay không? Mức độ xấu hổ của họ là bao nhiêu? Có lẽ khi họ gian dối, họ cũng không ngờ được sự dối trá của mình sẽ có ngày được công khai ra ánh sáng, được lan tỏa với tốc độ chóng mặt.

Xung quanh có nhiều người sống không thật, ưa kể lể về những điều màu mè, hào nhoáng ( Ảnh minh họa)
Xung quanh có nhiều người sống không thật, ưa kể lể về những điều màu mè, hào nhoáng ( Ảnh minh họa)

Tôi có đứa em họ sống và làm việc ở thành phố lớn. Mỗi khi về quê giỗ chạp, lễ tết, ngồi ăn uống giữa bao người, em lại có dịp… nổ.

Em khoe, bọn trẻ là con, cháu của mấy bác, mấy thím trong làng mỗi lần vào thành phố ăn học đều được em cưu mang, giúp đỡ không thiếu một thứ gì. Từ việc tìm nhà trọ, mua sắm đồ gia dụng, áo quần đều là hàng tốt, hàng xịn.

Em khoe, công việc của em mấy năm nay rất “phất”, bố, mẹ, em út gì ở quê đau ốm hay thiếu thốn, chỉ cần kêu một tiếng, em chuyển khoản vài chục triệu đồng trong tích tắc.

Những người lớn tuổi khi nghe em nói đều ngưỡng mộ, tự hào, ai cũng đem em ra làm tấm gương để dạy dỗ con cháu.

Tuy nhiên, thời gian sau này, khi những đứa nhỏ lần lượt ra trường kể lại và chính ba mẹ của em cũng không chịu nổi cái tính “bốc phét” của con mình, họ tự nguyện phơi bày sự thật. Thì ra, số áo quần hàng hiệu mà em bảo mua cho các cháu là đồ em thải loại ra không dùng nữa mới đem cho, còn số tiền mà em chuyển về cho người thân ở quê là số tiền em vay trước đây, mãi bây giờ mới có dịp trả. Công việc của em cũng chẳng hề thăng hoa như lời em nói, em năm lần bảy lượt về quê đòi các cụ làm sổ, cắt đất… Bị phanh phui, em xấu hổ nên giao tiếp khép kín, mỗi lần về quê đều cả thẹn, hiếm còn năng nổ, ồn ào.

Cha tôi từng nói với tôi, ở đời, nếu mình trung thực, luôn sống đúng với chính mình thì xung quanh sẽ không ai có khả năng làm tổn thương mình nữa. Mình chỉ ngã khi mình leo lên quá cao. Còn ở phía thấp, sẽ luôn có những mặt phẳng đủ vững chãi để giữ cho mình sự an toàn. Câu nói của cha ngày nào bâng quơ, đơn giản mà bây giờ lại thấm thía.

Bây giờ, nhiều người thích che đậy cuộc sống thật không như ý, trưng ra lớp vỏ hào nhoáng, giàu có với mong muốn nhận được sự tán dương, tưởng thưởng của đông đảo mọi người.

Nói đâu xa, trong đợt quyên góp ủng hộ đồng bào Miền Bắc lần này, ở lớp học của con gái tôi, cô giáo cũng hưởng ứng phát động của trường, mở hòm quyên góp. Chưa cần nghe cô phổ biến xong cách thức, có một vài phụ huynh đã chuyển khoản hàng trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng vào tài khoản cô giáo (số tài khoản cô ghim sẵn ở nhóm chat ngay sau buổi họp phụ huynh đầu năm) rồi chụp lại màn hình, cấp tập đưa lên nhóm lớp báo cáo công khai.

Riêng tôi, tôi chọn đưa vài chục ngàn tiền mặt cho con lên lớp góp tận tay cô giáo. Khi tự tay trao tiền cho cô, con tôi sẽ khắc sâu, ý thức rõ hơn về hành động biết chia sẻ, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn mà mình đang làm. Tôi giải thích với con, tiền ủng hộ dù ít dù nhiều, miễn vừa sức mình thì đều đáng quý. Con chỉ cần nhớ, khi ai đó gặp hoạn nạn, nếu có thể, mình luôn sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng, giới hạn của mình.

Nhịp sống hiện đại, thông tin lan tỏa phức tạp, nhiều chiều khiến nhiều người ngày càng muốn ẩn mình để sống tốt, làm việc tốt, nhưng ở một bình diện khác, lại có một bộ phận ham danh, theo đuổi lối sống vật chất, công khai phông bạt, làm màu. Không ai khác ngoài họ đã mở màn cho những cuộc so sánh, căng thẳng, hơn thua.

Riêng tôi, là một người mẹ tôi cũng sẽ dạy con tôi bài học như cha tôi từng dạy tôi. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì lòng trung thực mới chính là tài sản quý giá nhất của mỗi người.

Trung thực không chỉ để khỏi xấu hổ trong những trường hợp cần sao kê.

Trung thực là tự trọng của một người tử tế.

Theo phụ nữ TPHCM