Học sinh trong chuyến đi học kỹ năng sinh tồn - Ảnh: Susan Shain
"Chúa ơi, nhìn mình giống một kẻ giết người vậy", cô bé 13 tuổi Bonnie Bright kêu lên. "Mình đã giết quá nhiều thứ trong chuyến đi này rồi". Trên tay của cô bé là một con hải sâm biển mập mạp đỏ sậm.
Bright xẻ đôi nó một cách thành thục, lọc những miếng thịt trắng và nấu. Bữa ăn sáng sắp xong. Xung quanh cô, 19 bạn học cùng lớp cũng đang làm những việc tương tự.
103 học sinh của Trường trung học Schoenbar đã được đưa đến 6 hòn đảo hoang, nơi các em sẽ cố "sống sót" trong 2 ngày 1 đêm. Mỗi em chỉ được mang theo 1 tấm nhựa kích thước 3x4,5 m, túi ngủ, quần áo và các vật dụng cá nhân bỏ vừa trong chiếc lon cà phê.
"Chuyến đi sinh tồn" này được tổ chức đều đặn hàng năm trong hơn 40 năm qua. Giáo viên về hưu Stephen Kinney, 77 tuổi, là người đưa ra ý tưởng về chuyến đi đặc biệt này.
Khi đó ông không hề nghĩ nó sẽ trở thành "truyền thống" và kéo dài như vậy, mà chỉ muốn thông qua đó giúp các em yêu thích trường học hơn.
Trong chuyến đi này, học sinh được chia thành nhóm, mỗi nhóm khoảng 20 em, 1 giáo viên hướng dẫn và 3 hoặc 4 phụ huynh đi kèm.
Thầy giáo về hưu Stephen Kinney chỉ vào một bài báo nói về những chuyến đi sinh tồn đầu tiên - Ảnh: Susan Shain
Cô giáo 29 tuổi Jamie Karlson hướng dẫn các em tìm nơi dựng trại. Vận dụng những điều đã được học trong lớp, các em dựng trại, sau đó chơi bài, trò chuyện và chơi trốn tìm, tận hưởng sự tự do mà các hoạt động ngoài trời đem lại.
Vào buổi chiều, Karlson thổi còi hiệu 3 lần, tập trung các em ở bãi biển. "Các em có 10 phút để tìm vật liệu nhóm lửa trại, và sau đó là tìm thức ăn", cô thông báo.
Ốc nón, rất dễ thấy và có thể cạy xuống từ các mỏm đá, là món đầu tiên các học sinh chọn. Đa số sẽ đun chúng cùng cơm và viên bột canh trong lon cà phê đem theo cùng mốt số loại rau diếp biển các em tìm được.
Ăn xong, các em thư giãn quanh lửa trại hoặc trong lều và đi ngủ lúc 10h tối.
7h30 sáng hôm sau, cô Karlson gọi các em dậy để bắt đầu tìm thức ăn cho bữa sáng. Các nhóm bắt đầu lùng sục khắp nơi trên đảo. Bữa ăn sáng của các em rất chất lượng. Ngoài ốc nón và hải sâm, các em còn tìm thấy ốc song kinh, sò đá, nhím biển, và cua đá đỏ.
Cô Karlson sẽ đi vòng quanh các nhóm, quan sát và chấm điểm từng học sinh trên thang 10, bao gồm kỹ năng nhóm lửa, dựng lều, kỹ thuật nấu ăn, kiến thức và thái độ.
Gabriella Mas (trước) và Bonnie Bright cạo ốc nón từ tảng đá khi thủy triều xuống thấp - Ảnh: Susan Shain
"Thật vui khi quan sát các em trong một môi trường hoàn toàn khác. Các em phải đoàn kết và hợp tác với nhau", cô nói.
Khoảng thời gian còn lại trong ngày, các em tham các trò chơi tiếp sức và tìm kiếm nhiều thức ăn hơn. Dù khá mệt và đói, tinh thần của các em vẫn rất cao.
"Nhiều người nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ mắc kẹt ở một nơi hẻo lảnh, nhưng điều đó luôn có thể xảy ra", em Savannah Yeisley nói.
Theo ông Kinney, giáo dục cần nhìn vào thế giới hiện thực, và hướng những gì các em được học vào thực tế nhiều hơn. "Các em cần học thông qua thực hành và quan sát cuộc sống", ông nhấn mạnh.
Một học sinh tách vỏ ốc nón bằng dao bỏ túi. Em sẽ nấu nó trong chiếc lon cà phê của mình - Ảnh: Susan Shain
Một phụ huynh đi theo hướng dẫn con gái cách dùng tảo, gỗ tuyết tùng và cỏ biển để nhóm lửa - Ảnh: Susan Shain
Cô Jamie Karlson hướng dẫn Natalie Carter (trái) và Paris Knuteson (phải) cách chế biến hải sâm - Ảnh: Susan Shain
Từ trái qua phải: Jenae Rhoads, Bonnie Bright, và Gabriella Mas đang phi lê món hải sâm - Ảnh: Susan Shain
Theo Tuổi Trẻ