Các cán bộ Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Bước vào thế kỷ 21, thế giới đang phải đối mặt với những biến cố phi tiền lệ về môi trường, kéo theo đó là sức khỏe và sinh mệnh của hàng triệu con người. Hơn lúc nào hết, hồi chuông cảnh tỉnh về sự hiểu biết và cách ứng xử với thiên nhiên gióng lên khẩn thiết.
Trong bối cảnh đó, ở Việt Nam, có một khu rừng nguyên sinh được ví như một “ngôi trường lớn,” gần 60 năm qua vẫn âm thầm nỗ lực trong sứ mệnh lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên nhiên, môi trường.
Có một nỗi nhớ mang tên "Cúc Phương"
Nhớ là trạng trái cảm xúc hiện tại nhưng do kí ức tạo dựng. Nhạc sỹ Trần Chung, trong niềm xúc cảm dạt dào đã nhớ về Cúc Phương- Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam bằng những nốt nhạc, tạo cho đời ca khúc nổi tiếng.
Trong bài “Nhớ về Cúc Phương”- ông viết: “Nhớ một thuở hồng hoang rừng chưa có tên/ Mưa nắng thiên thu rừng cây non thành rừng đại ngàn/ Rừng bao nhiêu tuổi rừng đâu có nhớ/ Sao ta mãi gọi là em khi đất nước đặt tên cho rừng. Ơi Cúc Phương ơi! Mà nghe xao xuyến tên em ơi hương sắc/ Rừng Việt Nam cho đất nước một kỳ quan/ Bên em một lần để rồi xa nhớ mãi tình rừng xanh/ Ngàn thu trầm dâng câu hát yêu thương về vui giữa đời...”
Với nhiều người, Cúc Phương còn hơn cả là một nỗi nhớ - đó là sự khắc khoải về một khu vườn luôn ẩn chứa những bí mật chờ con người khám phá...
“Bọn mình thắt khăn quàng đỏ, đội mũ ca nô và được ngồi xe Hải Âu đến với rừng. Đó là một miền cổ tích trong cảm nhận của mình. Phần thưởng mà nhà trường dành cho những học sinh giỏi như mình thực sự có ý nghĩa vô cùng. Sau hơn 30 năm trở lại, điều bất ngờ lớn nhất với mình là Cúc Phương vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn. Mình thực sự xúc động trước nỗ lực bảo vệ rừng cũng như cách làm du lịch sinh thái nơi đây,” tình nguyện trở thành một “đại sứ” của Cúc Phương suốt 1 năm qua, MC nổi tiếng Bạch Dương bộc bạch.
MC Bạch Dương, một “đại sứ” lan tỏa tình yêu thiên nhiên của Cúc Phương. (Ảnh: Mạnh Quyền)
Bạch Dương cho biết chính kí ức tuổi thơ ấy và thực trạng biến đổi khí hậu quá khủng khiếp hiện nay đã thôi thúc chị trở về đây để tìm sự cân bằng. Không những chỉ đưa các con của mình đến, chị còn nỗ lực hỗ trợ Cúc Phương kết nối với rất nhiều gia đình, bạn trẻ để lan tỏa tình yêu thiên nhiên.
Cùng niềm yêu mến Cúc Phương được tạo dựng từ những chuyến tham quan không thể nào quên trong kí ức, kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, thành viên sáng lập Nhóm Kí họa Đô thị Hà Nội (USK Hanoi) đã ngay lập tức nhận lời mời của Cúc Phương tham gia tổ chức sự kiện Workshop mỹ thuật cộng đồng “vạn sắc màu - một tình yêu” trong khuôn khổ Hội xuân “Thêm xanh cho cánh rừng già” được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu vừa qua.
“Cá nhân mình và USK Hanoi muốn thông qua những tác phẩm kí họa, truyền đi thông điệp đến tất cả mọi người, nhất là các bạn nhỏ về sự trân trọng và ứng xử thật có trách nhiệm với rừng - nơi trao cho chúng ta những cảm xúc mạnh mẽ và chân thực nhất về mẹ thiên nhiên,” kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ.
“Cái nôi” chắp cánh cho các nhà bảo tồn
Hơn 50 năm trước, vừa mới tốt nghiệp từ nước ngoài trở về, hàng chục chàng trai, cô gái trẻ khác đã hăm hở nhận nhiệm vụ về Cúc Phương làm việc. Đó là những năm cánh rừng này từng gây sửng sốt cho các chuyên gia Liên Xô, vừa mới trở thành Vườn quốc gia đầu tiên của đất nước.
Họ đã mang sức trẻ và lòng nhiệt huyết, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, kể cả bom đạn của đế quốc Mỹ, thực hiện những nghiên cứu cơ bản, toàn diện nhất, làm cơ sở cho việc đánh giá hệ giá trị đa dạng sinh học của cánh rừng. Những kết quả nghiên cứu ấy cũng chính là những viên gạch đầu tiên, tạo dựng nền móng cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học lâm nghiệp tại một vườn quốc gia.
Đội ngũ tri thức trẻ đến với Cúc Phương những năm đầu thành lập. (Ảnh tư liệu Trần Ninh)
Đặc biệt, những ngày tháng gian khổ ấy đã tôi luyện và hun đúc nên những nhà khoa học, tiêu biểu là giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Tiến Bân, giáo sư tiến sĩ khoa học Trần Đình Lý, tiến sĩ Trần Ngọc Ninh Ph.D, tiến sĩ Trịnh Đình Thanh...
Tiếp nối truyền thống trên, nhiều thế hệ trẻ sau này cũng đã trở thành những nhà bảo tồn nổi tiếng, được thế giới biết đến với nhiều đóng góp lớn cho thiên nhiên.
Nổi bật trong thời gian gần đây là Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) - người vừa vinh dự trở thành 1 trong 6 công dân trên toàn thế giới được nhận giải thưởng Goldman Environmental Prize năm 2021, giải thưởng danh giá về môi trường được mệnh danh là “Nobel Xanh.”
Ngoài ra, trong danh sách các nhà bảo tồn thiên nhiên, ông Trịnh Lê Nguyên đồng sáng lập Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), cũng được biết đến với tư cách là một chuyên gia trưởng thành từ Vườn quốc gia Cúc Phương. Từ khi thành lập, PanNature là một tổ chức phi chính phủ đã tham gia tích cực vào nhiều dự án bảo tồn thiên nhiên trên cả nước.
Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi nhắc tới Cúc Phương, ánh mắt ông Nguyên bỗng sáng bừng đến lạ. “Không chỉ tôi mà rất nhiều những người đã và đang làm trong lĩnh vực này, luôn biết ơn Cúc Phương. Chính từ cái nôi này, chúng tôi đã được chắp cánh cho những ước mơ bởi niềm say mê và tình yêu với thiên nhiên,” ông Nguyên chia sẻ.
Trường học lớn giữa đại ngàn
Với bề dày truyền thống được vun đắp, hình thành từ đại ngàn Cúc Phương - nơi ươm mầm và chắp cánh cho nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Vườn quốc gia Cúc Phương lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác lập quyết tâm chính trị, phấn đấu trở thành một “Vườn quốc gia kiểu mẫu.”
Ông Đỗ Văn Lập - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Vườn chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định muốn có mô hình kiểu mẫu, trước tiên phải có con người kiểu mẫu. Với tinh thần đó, ngoài chức năng bảo vệ rừng và nghiên cứu khoa học là gốc thì nòng cốt để hiện thực hóa kì vọng Cúc Phương trở thành ngôi trường lớn về giáo dục thiên nhiên là thông qua hoạt động giáo dục môi trường.”
Với lý tưởng đó, Cúc Phương đã xây dựng chương trình hoạt động của Câu lạc bộ Giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn Cúc Phương. Với sự hỗ trợ của tổ chức FFI, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV),… ròng rã hơn hai mươi năm qua, các “thầy cô giáo” mặc trang phục kiểm lâm, lặn lội đến với hàng ngàn em nhỏ, nhiều thế hệ, ở khắp các bản làng của 15 xã vùng đệm quanh vườn.
Họ miệt mài mang những bài giảng sinh động, trực quan gieo vào tâm hồn của các em, không quản nắng mưa, khó khăn và kể cả thanh xuân. Nhiều chuyện cổ tích được viết lên khi các em nhỏ ngày nào đã trở thành anh kiểm lâm viên hay “cô giáo bảo tồn,” góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng vùng đệm.
Một buổi lên lớp của Câu lạc bộ Bảo tồn Cúc Phương. (Ảnh: Mạnh Quyền)
Không những vậy, các chương trình cứu hộ của Cúc Phương hàng chục năm qua luôn là "địa chỉ" uy tín cho các sinh viên, học sinh phổ thông ở trong và ngoài nước, thông qua các trại hè hoặc chương trình tình nguyện.
Tại đây, dưới sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ khoa học, các em đã được thực tế hóa một cách sinh động nhất các kiến thức, kỹ năng về thiên nhiên cũng như quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã. Đó là những trải nghiệm quý báu, hình thành trong chính những người trẻ tình yêu một cách tự thân.
Và cũng chính các bạn trẻ, khi quay trở về với giảng đường hay đời sống đều trở thành những “sứ giả” bảo tồn, nối dài thông điệp "Cúc Phương đến muôn nơi".
Cánh rừng Cúc Phương với tuổi đời hàng triệu năm có lẻ. Nhưng bối cảnh lịch sử đất nước ta, trong vai trò là một vườn quốc gia, Cúc Phương mới chỉ sắp tròn đầy một vòng “lục thập hoa giáp.” Dấu mốc ấy sẽ là hành trang và động lực lớn, thôi thúc đội ngũ những người được Nhà nước và cộng đồng giao cho trách nhiệm, bước vào kỷ nguyên mới, bảo vệ và phát huy tốt giá trị của một cánh rừng, trong ý niệm cao đẹp: Trường học giữa đại ngàn.
Theo Vietnamplus