Nói với South China Morning Post, Yu Xinwei, một nhà lập pháp, cho rằng việc bắt buộc giáo dục sinh viên có kiến thức về các mối quan hệ tình cảm là giải pháp khả thi và cần thiết.
"Sinh viên sẽ giảm bớt khả năng thực hiện các hành vi quá khích sau khi có sự hiểu biết đúng đắn về tình yêu và các mối quan hệ", Yu phát biểu trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc diễn ra hồi đầu tuần.
|
Đề xuất đưa các lớp giảng dạy về hôn nhân, gia đình như một phần bắt buộc trong chương trình học đại học tại Trung Quốc. Ảnh:Reuters. |
Nhằm giúp đỡ trước khi các mối quan hệ trở nên căng thẳng và dẫn đến kết cục bi đát, nhà lập pháp đề nghị hệ thống trường đại học nên đầu tư vào giáo viên và tài liệu học để tạo ra một chương trình toàn diện.
“Sinh viên đại học là đối tượng quan trọng cho tương lai của Trung Quốc. Giá trị và sự hiểu biết của họ về các mối quan hệ là chỉ số quan trọng cho khả năng phát triển gia đình và hôn nhân của đất nước”, cô nói.
Đến giờ, chưa có thống kê chính thức về các vụ bạo hành nữ giới tại các trường đại học Trung Quốc. Động lực thúc đẩy cải thiện tình hình chỉ đến sau khi các vụ việc nghiêm trọng xảy ra, tạo ra những cuộc tranh luận trên mạng xã hội.
Tháng 11/2020, nữ sinh trường Cao đẳng Jinjiang, Đại học Tứ Xuyên bị bạn trai sát hại sau khi hai bên cãi vã. Hung thủ tự vẫn sau đó. Một tháng sau, cũng tại Tứ Xuyên, vụ việc mang tính chất tương tự xảy ra.
Tháng 10/2019, nữ sinh viên đang theo học tại Đại học Peking tự vẫn sau khi bị người yêu xúc phạm, làm nhục. Cô gái từng quan hệ tình dục trước đó là lý do khiến bạn trai nổi giận.
|
Chưa tính đến các vụ bạo lực gia đình, số vụ việc nghiêm trọng mà nạn nhân là sinh viên nữ, thủ phạm là bạn trai cũng đã phản ánh tình trạng bạo hành đáng lo ngại ở Trung Quốc. Ảnh:Sixth Tone. |
Ying Xin, nhà hoạt động xã hội vì quyền bình đẳng, đánh giá khóa học là cần thiết nhưng đề xuất vẫn đang ở phạm vi quá rộng và nhấn mạnh cần phải giải quyết các vấn đề xung quanh bạo lực và giới.
“Chúng ta cần dạy lớp trẻ về việc tôn trọng người khác và cách giao tiếp không bạo lực. Nếu một người tôn trọng người đối diện, không khoan nhượng với bạo lực, họ sẽ không thực hiện hành vi bạo lực đối với người khác", cô nói.
Zhang Lining, người sáng lập Học viện Thanh niên JoyInLaw, một tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho trẻ em và các thành viên trong gia đình, cho biết cô rất muốn tìm hiểu thêm về các chi tiết của lớp học.
“Thiết kế khóa học cần phải xem xét để phù hợp với tâm lý của những người đang là sinh viên đại học này", Zhang nói.
Lớp học về các mối quan hệ tình cảm cũng có thể giúp thanh niên Trung Quốc bắt kịp với các kiến thức về tình dục.
|
Chương trình học hành và thi cử khốc liệt khiến nhiều người trẻ Trung Quốc không có thời gian yêu đương khi đi học, khó kiếm người yêu. Ảnh:SCMP. |
Hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc khiến nhiều học sinh tập trung quá mức vào bài vở, dành ít hoặc không có thời gian cho việc hẹn hò.
Năm 2016, tờ The Beijing News công bố nghiên cứu cho thấy hầu hết người Trung Quốc có lần quan hệ tình dục đầu tiên trong độ tuổi 17-22.
Để so sánh, hơn 65% người Mỹ ở ngưỡng 18 tuổi nói rằng họ đã từng quan hệ tình dục, theo Guttmacher, một tổ chức sức khỏe sinh sản và tình dục có trụ sở tại Mỹ.
Thực tế, việc dành hầu hết thời gian cho việc học khiến nhiều người trẻ Trung Quốc có ít kinh nghiệm yêu đương hay khó kiếm bạn trai, bạn gái. Các lớp học dạy hẹn hò đang dần trở nên phố biến trong giới trẻ.
Năm ngoái, một cuộc khảo sát được thưc hiện bởi China Youth Daily cho thấy hơn 88% sinh viên đại học Trung Quốc ủng hộ ý tưởng thêm các lớp học hẹn hò vào chương trình học của họ.
Theo Zing