TS. Nguyễn Phan Thắng dự định trở về Việt Nam để hiện thực hoá những gì đã học được. (Ảnh: NVCC)
TS. Nguyễn Phan Thắng dự định trở về Việt Nam để hiện thực hoá những gì đã học được. (Ảnh: NVCC)

Học tập rồi trở thành Giáo sư tập sự tại một trường đại học ở Hàn Quốc là duyên may hay là ước mơ từ lâu của anh, thưa TS?

Để được đến Hàn Quốc tôi xin cảm ơn các thầy cô bộ môn Vật liệu Điện tử tại Đại học Bách Khoa. Tại thời điểm tốt nghiệp thạc sĩ ở Việt Nam, tôi cũng có những dự tính đi làm kỹ sư cho các công ty trong nước. Trong lúc còn phân vân đủ điều thì thầy hướng dẫn động viên, khuyến khích nên tiếp tục phát triển con đường nghiên cứu và giới thiệu giúp tôi cơ hội xin học bổng tại Hàn Quốc, Pháp.

Sau khi tâm sự cùng các thầy thì tôi quyết định chọn Hàn Quốc, bởi nơi đây là điểm đến năng động và nhiều áp lực sẽ phù hợp để bản thân tự chuyển mình hơn. Tôi không chắc nơi nào sẽ tốt hơn, nhưng khi quyết định thì tôi đã đặt hơn cả 100% quyết tâm vào đó.

Bằng những nỗ lực của bản thân, tôi đã hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Đại học Chung-Ang tại Seoul và tiếp tục cùng Giáo sư hướng dẫn tại phòng thí nghiệm thực hiện tiếp những nghiên cứu dang dở trong gần hai năm.

Không dừng ở đó, tôi luôn muốn mở rộng kiến thức hơn để tìm kiếm những cơ hội, thách thức mới, trau dồi bản thân. Năm 2019, tôi ứng tuyển vào vị trí Giáo sư tập sự tại trường Đại học Gachon. Tại đây, tôi tiếp tục những nghiên cứu mới về pin tích trữ năng lượng.

Với quá trình phấn đấu của bản thân, hẳn anh có được những kinh nghiệm có ích cho những người Việt trẻ muốn hội nhập thành công ở xứ người?

Sau một thời gian học tập, nghiên cứu và làm việc tại Hàn Quốc, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng: Đừng ngại ước mơ và phấn đấu vì ước mơ của mình. Tuổi trẻ năng lượng lớn lắm, chỉ cần quyết tâm, đam mê, các bạn sẽ đạt được những kiến thức quý giá và trở thành nền tảng vững chắc cho sự thành công sau này.

Có thể nói, cột mốc đáng nhớ của tôi khi hội nhập ở xứ người đó là sau một năm nghiên cứu và học tập, tôi đã có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Hàn, nhờ đó hiểu thêm về văn hóa, con người, đất nước Hàn Quốc.

Cũng trong thời điểm này, công trình khoa học đầu tiên được xuất bản. Qua đó, mình cảm thấy tự tin hơn, dám nghĩ, dám làm và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Chỉ khi bạn làm chủ được cuộc sống và tri thức, bạn mới có thể thoải mái tạo ra những giá trị thực tiễn.

Theo anh, người Việt trẻ cần phát huy thế mạnh gì để có thể phát triển tài năng, trau dồi kiến thức hiệu quả và tìm kiếm cơ hội ở môi trường ngoài nước?

Theo tôi thấy, các bạn trẻ Việt Nam khi bước ra môi trường quốc tế đều quyết tâm, nỗ lực cao và đam mê cháy bỏng cho sự nghiệp. Hơn thế nữa, các bạn có rất nhiều thế mạnh để phát huy, điển hình là sự thông minh, cần cù, chịu khó trong công việc, biết xác định mục tiêu rõ ràng. Nhờ có những điều này mà họ có thể học chắc, nắm chắc được các yếu tố cốt lõi trong học tập, lao động.

Bên cạnh đó, người Việt cũng rất sáng tạo, điều mà rất cần để tạo ra sự đột phá khi môi trường của mọi người đều đã tốt như nhau. Điều đó chứng tỏ rằng người Việt ta luôn có thể phát huy những thế mạnh, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Anh có suy nghĩ gì về vấn đề thu hút và tận dụng nguồn lực tri thức kiều bào trẻ vào phát triển đất nước hiện nay?

Tôi cho rằng hiện nay, Nhà nước đang có rất nhiều những chính sách để thu hút tài năng trẻ Việt tại nước ngoài.

Tuy nhiên, các hoạt động thực tế còn chưa phổ biến rộng rãi, nhiều tri thức trẻ có nguyện vọng cống hiến cho đất nước nhưng chưa biết đến thông tin phù hợp để ứng tuyển, phát huy những năng lực bản thân tại môi trường trong nước. Trong khi đó, nhiều cơ quan muốn tuyển dụng nhân sự lại không kết nối được những tri thức trẻ muốn làm việc tại Việt Nam, điều này gây bất lợi cho cả hai bên.

Ngoài thu hút cho nghiên cứu, giáo dục, chúng ta cũng cần thu hút cho các doanh nghiệp, hay những khởi nghiệp của các bạn trẻ. Do vậy, Nhà nước và các doanh nghiệp cần phải cùng bắt tay để mở rộng kết nối, giúp thông tin tới được những kiều bào trẻ. Đây là nguồn lực mạnh cho sự phát triển của đất nước.

Anh cho rằng, đâu vẫn là những cản trở, khó khăn và cần có những biện pháp tích cực như thế nào để làm tốt hơn công tác này?

Những khó khăn chính trong việc thu hút nhân tài là cách tiếp cận vẫn đang ở mức bề nổi và mức độ phủ sóng của các chương trình cho tài năng trẻ vẫn còn hạn chế do việc tạo điều kiện phát triển nhân tài là chung cho cả trong và ngoài nước, trong khi các kết nối ngoài nước chưa đủ mạnh.

Với vinh dự là 1 trong 10 người Việt trẻ được nhận giải thưởng khoa học Quả Cầu Vàng 2020 vừa qua, anh có điều gì ấp ủ và hướng về quê hương?

Nhận giải thưởng cao quý này của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tôi cảm thấy trách nhiệm hơn nữa với những ước mơ hoài bão cống hiến cho khoa học và đời sống. Tôi dự định trở về Việt Nam để hiện thực hóa những gì đã học được ở môi trường trong nước.

Xin cảm ơn anh nhiều!

 

TS. Nguyễn Phan Thắng sinh năm 1987 tại Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật hóa học và sinh học, anh đã có 45 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế.

Hướng nghiên cứu của anh tập trung vào lĩnh vực năng lượng và môi trường như các vật liệu sử dụng trong phản ứng tích nước tạo hidro - một trong những nguồn năng lượng sạch hứa hẹn không gây ra ô nhiễm môi trường. Anh cũng phối hợp với phòng thí nghiệm hóa sinh để tạo ra một loại cảm biến sinh học, phát hiện một loại virus trong hàu biểu. Đó là norovirus gây nôn mửa vào mùa Đông. Công trình này được đánh giá cao và đăng trên tạp chí về thực phẩm Food Control.

Hiện tại, TS. Nguyễn Phan Thắng đang nghiên cứu về pin tích trữ năng lượng sử dụng các ion kim loại như lithium, natri, canxi. Các nghiên cứu sẽ được công bố trong thời gian tới nhằm cải thiện khả năng tích trữ năng lượng của pin ion kim loại. Mục tiêu của anh là tạo ra những sản phẩm góp phần làm xanh, sạch môi trường, có ích cho con người và môi trường sống.

 

 

 

Theo baoquocte.vn