THỊ TRƯỜNG TƯ VẤN DU HỌC HẬU COVID-19 CÓ NHIỀU VẤN ĐỀ
Tại hội thảo về công tác quản lý nhà nước với hoạt động tư vấn du học (TVDH) do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 30.9, nhiều công ty du học bày tỏ băn khoăn về một số hạn chế trong quy định hiện hành khi áp dụng vào thực tế. Như khoản 2, điều 15 tại Nghị định 86/2021 của Chính phủ quy định, công ty du học không ủy quyền hay nhận ủy quyền công ty du học khác để triển khai kinh doanh dịch vụ TVDH, tức không tư vấn gián tiếp.
Chưa kể, nếu là đại diện tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nước ngoài, trung tâm TVDH phải ký hợp đồng tương ứng với cơ sở đó. "Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của người học. Nếu không có thỏa thuận rõ ràng, người học có thể gặp rủi ro như không được chấp nhận vào học dù đã đến nước ngoài hoặc bằng cấp không được công nhận tại VN", ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT), nhận định.
|
|
Bạn trẻ tìm hiểu về du học Hàn Quốc. Đây là quốc gia có đông du học sinh VN nhất tới hiện tại |
Tuy nhiên, theo nhiều đại diện công ty du học, thực tế thị trường TVDH hậu Covid-19 diễn ra nhiều vấn đề. Ví dụ, nhiều trường nước ngoài, nhất là các ĐH Mỹ, không có nhu cầu ký với từng đơn vị TVDH ở các quốc gia mà ủy quyền cho một tổ chức giáo dục ở nước sở tại. Đó là lý do công ty du học không thể ký trực tiếp với trường dẫn đến làm sai quy định. "Nhưng nhu cầu của người học là có và cũng rất cao", bà Nguyễn Thị Hoàng Nga, Phó giám đốc Công ty Hợp điểm, chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Thái Hà, Giám đốc TVDH toàn quốc Công ty TNHH Giáo dục IDP (VN), cho biết thêm hiện nhiều công ty trong nước đóng vai trò "master agent", tức đại diện cho những công ty du học nhỏ hơn ký trực tiếp với các trường nước ngoài. Nguyên nhân là các doanh nghiệp nhỏ chưa đủ năng lực hoặc chưa thể đáp ứng các yêu cầu mà trường nước ngoài quy định. "Nhưng việc quản lý loại hình doanh nghiệp này ra sao?", bà Hà đặt vấn đề trong bối cảnh quy định nhà nước không cho tư vấn gián tiếp.
Đáp lại trường hợp "master agent", Phó cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến thực tế để đề xuất lên Chính phủ, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo quy định đã ban hành. Còn với câu chuyện ký với trường nước ngoài thông qua tổ chức được ủy quyền, ông Dũng nhận định điều này có thể thực hiện, xong phải xem xét nội dung ủy quyền liệu có phù hợp.
Cũng liên quan việc này, ông Dũng nhấn mạnh công ty du học không chỉ dựa hoàn toàn vào đơn vị ủy quyền mà phải có minh chứng làm việc với trường đối tác cũng như sự ràng buộc, cam kết trách nhiệm rõ ràng để tránh gây rủi ro cho người học.
CHƯA THỂ XỬ PHẠT CÁC CÔNG TY DU HỌC "MA"
Tại hội thảo, Cục Hợp tác quốc tế cho biết hoạt động kinh doanh TVDH còn nhiều vấn đề, như tư vấn không minh bạch, thu phí mà không tư vấn, đưa người ra nước ngoài trái phép, kinh doanh không đạo đức... Trong đó, thị trường còn tồn tại nhiều văn phòng tư vấn du học "ma", chỉ tư vấn qua mạng xã hội mà không có trụ sở thực đặt tại địa bàn, gây khó khăn cho công tác quản lý và giám sát của chính quyền địa phương.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận thực tế trên cũng diễn ra tại địa phương. Cụ thể, có khoảng 3.000 tổ chức được Sở KH-ĐT TP.HCM cấp mã ngành du học, song Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ mới cấp phép kinh doanh TVDH cho khoảng 615 đơn vị, tức chỉ bằng 1/5 so với thực tế.
Đáng chú ý, quy định hiện hành chưa đề cập đến chế tài với việc mở các công ty du học "ma". Điều này cũng khiến công tác xử lý chưa thể tiến hành hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường TVDH, nhất là khi mức độ cạnh tranh ở các thành phố lớn rất cao nhưng các công ty "ma" lại không cần tốn phí vận hành văn phòng trực tiếp tại địa phương.
|
|
Học sinh tìm hiểu về du học Úc. Đây là quốc gia có số du học sinh Việt Nam tăng trưởng nhiều nhất so với năm học trước |
TÌM CÁCH HẠN CHẾ HÀNH VI THIẾU ĐẠO ĐỨC TỪ TƯ VẤN VIÊN
Bà Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc Công ty TVDH Eduline, nêu một thực tế là với một số trường ĐH nước ngoài có quy mô trung bình hoặc đội ngũ nhân sự mới vào làm, quy trình xử lý thường chậm và ảnh hưởng nhiều đến người học. Trong trường hợp này, liệu các công ty có phương thức nào để được cơ quan quản lý hỗ trợ?
Phản hồi lại, ông Nguyễn Tiến Dũng nhận định câu chuyện lớn hơn là phải khiến ngành TVDH có trọng lượng trên trường quốc tế. Để hiện thực hóa, các đơn vị phải đoàn kết lại thông qua một đại diện như Sở GD-ĐT, UBND, Bộ GD-ĐT. "Chúng tôi rất sẵn sàng làm cầu nối, phản ánh các thông tin chính đáng từ các công ty VN đến cơ quan ngoại giao nước ngoài hoặc trực tiếp với trường đang làm chưa được", ông Dũng nói.
Một vấn đề khác được bà Thảo đề cập là nhiều tư vấn viên du học, tuy đã có chứng chỉ, song vẫn có nhiều hành động thiếu chuẩn mực đạo đức như tư vấn sai thông tin, đưa ra những hứa hẹn không nằm trong quy trình quản lý, thậm chí thu thêm phí từ người học, phụ huynh, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của công ty. Với những tư vấn viên này, liệu có kênh nào để thông báo cho các công ty khác và cấp quản lý, bà Thảo băn khoăn.
Về câu chuyện này, lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế cho biết Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu, xem xét quản lý các tư vấn viên theo chứng chỉ TVDH đã cấp. Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu có đầy đủ thông tin của tư vấn viên và cập nhật chất lượng hoạt động của đội ngũ này tại các công ty du học, cũng như các vi phạm nếu có. Điều này sẽ góp phần hạn chế những hành vi thiếu đạo đức xuất phát từ chính tư vấn viên.
Mặt khác, theo Nghị định 86/2021 đã nêu, công ty du học phải triển khai hoạt động tư vấn chậm nhất trong vòng 45 ngày làm việc kể từ khi được cấp phép. Tuy nhiên, có đơn vị đề xuất tăng thêm bởi thời gian này chưa đủ để công ty ký kết thỏa thuận hợp tác với trường nước ngoài. Đáp lại, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng có biết đến vấn đề này và đang hỗ trợ công ty bằng cách hậu kiểm ít nhất sau 4 tháng.
2.860 công ty du học trên cả nước
Theo thống kê từ Cục Hợp tác quốc tế, năm 2024 ghi nhận có 3.423 tổ chức kinh doanh dịch vụ TVDH, trong đó 2.860 đơn vị đang hoạt động, số còn lại đã không làm việc trở lại hậu Covid-19 hoặc ngừng kinh doanh do hoạt động kém hiệu quả. Trong số đó, Hà Nội đang dẫn đầu khi có 1.304 công ty, gấp gần 3 lần so với TP.HCM (513). Ngoài ra, những địa phương: Nghệ An (150 công ty), Đà Nẵng (95), Hải Phòng (64), Hải Dương (60) và Hà Tĩnh (53) cũng có hoạt động TVDH sôi động.
|