Các bà mẹ thường cảm thấy mình hụt hẫng và có lỗi trong vai trò làm mẹ trong nhiều hoàn cảnh, chẳng hạn khi con hiếu động, khi chúng học hành sa sút, khi họ không thể ở nhà với con, hoặc ngay cả khi họ đang phải làm việc tại nhà và phải phớt lờ việc con đang khóc để tham gia một cuộc họp qua Zoom.
|
Các bà mẹ thường cảm thấy mình hụt hẫng và có lỗi trong vai trò làm mẹ trong nhiều hoàn cảnh |
Theo Silvia Wetherell, một chuyên gia sức khỏe tâm thần trong chu kỳ sinh (trước và sau sinh) của tổ chức Alliance Counseling, người mẹ thường có “cảm giác tội lỗi” nhiều nhất khi có đứa con đầu lòng, và trong những năm đầu đời của con. Nhưng nhìn chung, cảm giác đó có thể đeo đuổi người mẹ “không có điểm dừng”.
Wetherell nói rằng, trên thực tế, cảm giác đó của người mẹ có thể bắt đầu ngay từ khi thụ thai, chẳng hạn như quên bổ sung axit folic - chất giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh não và cột sống ở thai nhi.
Đối với nhiều phụ nữ, họ thường cảm giác như thể họ “không thực hiện được nghĩa vụ của mình” với tư cách là một người mẹ hoặc người vợ, nhất là ở các nền văn hóa châu Á, nơi các bà mẹ phải chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc con cái.
Yasmin Begum, một bà mẹ 4 con chia sẻ: “Khi các con trai của tôi còn rất nhỏ, ai đó thường hỏi tôi tại sao tôi không nấu ăn mà lại mua bữa trưa cho chúng. Đó có thể chỉ là một nhận xét thoáng qua, nhưng đối với tôi, câu hỏi ấy khiến tôi có cảm giác mình là một bà mẹ vô dụng”.
Begum đã thành lập Away From Mum Guilt (tạm dịch: Xua tan cảm giác tội lỗi của người mẹ) vào năm 2018. Đây là một nhóm chuyên hỗ trợ các bà mẹ phản ứng tốt hơn với những cảm giác tiêu cực như vậy.
“Toàn bộ công việc nội trợ cứ đè lên đầu tôi như một tảng đá mỗi ngày. Thật khó khăn đối với tôi khi chăm sóc một đứa trẻ mới biết đi, và một đứa trẻ đang tuổi đi học, rồi phải nấu ăn thường xuyên. Điều đó khiến tôi không những cảm thấy vô dụng mà còn bị bế tắc”, Begum nói thêm.
“Và đó là bản chất của cảm giác tội lỗi ở người mẹ. Mặc dù cảm giác ấy có thể dẫn đến những hành động rất tích cực và đạo đức, nhưng nó cũng có thể khiến người mẹ tự đặt ra cho mình những kỳ vọng không thực tế. Khi một người mẹ nhận ra mình đã thất bại ở một mặt nào đó, cảm giác tội lỗi thường xuất hiện”, Wetherell giải thích.
Dixie Sng, một bà mẹ 2 con và là giám đốc điều hành của một công ty dịch vụ gọi xe, cho biết cô có “cảm giác tội lỗi nhiều nhất” khi đứa con gái 2 tuổi rưỡi của mình khóc trong giờ đi ngủ. “Bé luôn đòi tôi kể chuyện thêm trước khi đi ngủ, hoặc nói rằng bé đói hoặc khát ngay trước khi ngủ”, Sng nói.
Khi việc này xảy ra, Sng nói rằng cô ấy cảm thấy mình bị “căng ra” theo cả hai hướng - vừa muốn dành nhiều thời gian hơn cho con gái, nhưng lại phải đối mặt với áp lực về việc hoàn tất công việc trong ngày. “Đôi khi tôi thấy mình mất kiên nhẫn, vì trong thâm tâm tôi muốn quay lại với công việc”, Sng chia sẻ.
Jolin Nguyen, bà mẹ một con và là giám đốc điều hành của một công ty cung cấp giải pháp công nghệ quản lý nhân sự, cho biết cô thường cảm thấy có lỗi khi “không đạt được kỳ vọng của chính bản thân hoặc của người khác”.
“Chẳng hạn, khi tôi phải để con gái 2 tuổi ở nhà và đi làm khi bé bị ốm. Cảm giác tội lỗi ập đến bởi vì tôi không thể là người xoa dịu cho bé”, cô chia sẻ.
|
Các bà mẹ phải chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc con cái trong khi vẫn phải chu toàn công việc ở chỗ làm |
Đối với Fannie Soubiele, cảm giác tội lỗi tồi tệ nhất xảy đến khi cô phải đối mặt với vấn đề nuôi đứa con trai đầu lòng bằng sữa mẹ. “Tôi đã làm tất cả những gì có thể: cho con ăn bổ sung, gặp các chuyên gia tư vấn và bác sĩ, châm cứu, và thậm chí gửi con trai đi phẫu thuật nâng lưỡi khi bé chỉ mới 2 tháng tuổi. Tôi mong muốn mang đến cho con những điều tốt nhất, nhưng tôi không thể làm được điều ấy”, Soubiele nói.
Trong khi các bà mẹ đang phải làm việc bên ngoài thường có những cảm giác “tội lỗi” như trên thì Wetherell chỉ ra rằng, ngay những bà mẹ ở nhà cũng có thể có những cảm giác tương tự.
“Các bà mẹ ở nhà thường cảm thấy tội lỗi vì muốn có một khoảng thời gian xa con, và vì không có lý do chính đáng để nghỉ ngơi. Điều đáng nói là họ có thể bị ai đó hoặc chính người bạn đời đưa ra những lời bình luận mang tính xúc phạm như “chẳng hiểu cô ấy làm gì ở nhà cả ngày?”, cô giải thích, và nói thêm rằng những hoàn cảnh có thể gây ra cảm giác tội lỗi cho người mẹ phải ở nhà “thực sự không kể hết được”.
Wetherell cho biết, khi “vòng xoáy của cảm giác tội lỗi” hình thành, nó có thể khiến người mẹ suy kiệt về thể chất và tình cảm, đồng thời ảnh hưởng đến tâm trạng của họ. “Nó thậm chí có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực nhằm cố gắng thoát khỏi cảm giác tội lỗi, chẳng hạn như biến cảm giác tội lỗi thành tức giận, đổ lỗi cho người khác hoặc tự trừng phạt bản thân”.
Theo phunuonline.com.vn