“Tự hứa rằng chỉ mua nốt cái này thôi, hết tiền rồi”, Thảo Ngân (25 tuổi) tặc lưỡi bấm nút thanh toán giỏ hàng trên một ứng dụng thương mại điện tử.
Dù một tuần nữa mới có lương, số dư tài khoản của nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội còn chưa đầy 300.000 đồng. Trong khi đó, cô vừa thẳng tay chi tiền cho đơn hàng thứ 19 trong tháng.
“Cứ thấy giảm giá sâu là mình không kìm lòng được, lỡ đó là cơ hội khuyến mãi chỉ có một không hai thì sao?”, Thảo Ngân chia sẻ với Zing.
Săn sale, mua hàng trực tuyến là thói quen của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Chí Hùng.
Thông thường, sau khi trả tiền thuê nhà và sinh hoạt phí hàng tháng, cô còn dư khoảng hơn 5 triệu đồng để tiêu xài trong 30 ngày. Tuy nhiên, số lần Thảo Ngân dư dả tới kỳ nhận lương tiếp theo chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cô gái trẻ thường xuyên cạn túi vì mua sắm quần áo, mỹ phẩm, trang sức..., thậm chí vay mượn bạn bè để trang trải tới cuối tháng. Dù vậy, cô chưa có ý định thay đổi lối sống này.
“Mình không cần phải gửi tiền về cho gia đình, lại còn trẻ nên muốn tranh thủ tận hưởng. Về sau có tuổi, hoặc lấy chồng có con rồi, mình điệu đà lộng lẫy cho ai xem?”, cô lý giải.
Thảo Ngân không phải người trẻ duy nhất có lối sống “chi tiêu hơn tiết kiệm”. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên có xu hướng tập trung hơn cho nhu cầu cá nhân, không ngần ngại chi tiền vào việc nâng cao giá trị, trải nghiệm sống.
Những trải nghiệm không thể mua bằng tiền
Theo AsiaToday, thế hệ Millennials và Gen Z châu Á chuộng mua sắm trực tuyến, đi ăn tiệm và du lịch nước ngoài hơn cả phương Tây. Mức lương trung bình hàng tháng và sức mua của họ tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, thay vì dành dụm cho những mục tiêu ổn định như mua nhà, sắm xe như thế hệ trước, giới trẻ có xu hướng tập trung nhiều hơn vào tận hưởng giá trị tinh thần.
Khảo sát trên 5.000 thanh niên 22-29 tuổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương do tập đoàn CBRE thực hiện cho thấy 63% người tham gia vẫn sống cùng bố mẹ. Giá bất động sản tăng cao khiến họ không còn động lực tiết kiệm mua nhà, cũng không đủ tiền để mua ôtô.
Vì thế, nhiều người sẵn sàng chọn sống chung với gia đình để có thể chi tiêu thoải mái cho các hoạt động mua sắm khác phục vụ sở thích cá nhân, nâng cao trải nghiệm sống.
Chẳng hạn, Gia Linh, một nhân viên văn phòng 31 tuổi, có thói quen dành dụm khoảng 60% thu nhập hàng tháng kể từ khi nhận được công việc đầu tiên vào 10 năm trước. Tuy nhiên, số tiền đó không phải để tiết kiệm, mà dành cho các chuyến du lịch.
Hoàng Lê không mấy để tâm đến những lời bàn tán về cách chi tiêu của mình. Ảnh: NVCC.
Bên cạnh các chuyến đi nội địa, Gia Linh từng tới một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… để thỏa mãn đam mê dịch chuyển.
Cũng vì vậy, cô thường xuyên nghe những lời than phiền từ phía gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, rằng cô “suốt ngày chu du khắp nơi, tiền dành dụm lại chẳng có”.
“Mình còn độc thân, thu nhập ổn định ở mức 10-15 triệu đồng/tháng. Người thân, bạn bè có thể nghĩ lối tiêu xài này không thực tế, song mình đang có những trải nghiệm mà tiền cũng không mua được”.
Tương tự Gia Linh, Hoàng Lê (23 tuổi), nhân viên tại một công ty tổ chức sự kiện, cũng nhận được nhiều lời phàn nàn, góp ý về thói quen chi tiêu của mình.
Không ít người ngạc nhiên khi cô dành gần 1/2 tháng lương 12 triệu đồng để thuê một phòng ngủ trong căn hộ cao cấp nằm ở quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Số tiền còn lại được Hoàng Lê chi trả cho bảo hiểm cá nhân và làm đẹp, mua sắm theo sở thích. Cô cũng không có tài khoản tiết kiệm.
Hoàng Lê khẳng định cô tự lựa chọn lối sống này. Cô cho biết tiêu tiền nhiều không đồng nghĩa với sống xa xỉ, không suy tính cho tương lai.
“Mình bỏ tiền nhiều hơn mọi người âu cũng để thuê nhà ưng ý. An cư lạc nghiệp, nhà ở phù hợp thì mình mới tập trung nhiều hơn cho bản thân. Mình tự tin có thể lo cho cuộc sống cá nhân với mức lương hiện tại, chi tiêu mà không rơi vào cảnh rỗng túi, nợ nần”, cô nói.
Tiêu xài vào sở thích cá nhân
Bình Minh (26 tuổi, Hà Nội), làm việc tại một công ty tư vấn thiết kế nội thất, thừa nhận hiếm khi anh tiết kiệm được tiền dù thu nhập 15 triệu đồng/tháng, còn độc thân và vẫn sinh hoạt chung cùng gia đình.
Trong khi bạn bè đồng trang lứa tính đến chuyện lập gia đình, hoặc mua bảo hiểm và đầu tư, chàng trai trẻ vẫn sử dụng thu nhập để phục vụ đam mê, sở thích cá nhân.
“Khổ nỗi mình lại mê nâng cấp vật phẩm trong game, sắm đồng hồ và đồ công nghệ, chưa kể đống mô hình đồ chơi. Gần đây, mình chi khoảng 10 triệu đồng cho một bộ mô hình bản giới hạn, đặt hàng từ nước ngoài về”, anh nói với Zing.
Một số mô hình đồ chơi của Bình Minh, có giá trị từ 800.000-1.500.000 đồng. Ảnh: NVCC.
Không ít lần Bình Minh “vung tay quá trán” khi mua đồ, dẫn đến cảnh “thiếu trước hụt sau” trong những ngày cuối tháng.
Sau những đêm mệt mỏi phải thức muộn để cày bù số tiền đã bỏ ra cho các thú vui mua sắm, chàng trai trẻ tự thấy “hơi sai sai” khi lỡ tay tiêu xài quá mức. Anh từng cố gắng tự điều chỉnh thói quen. Chỉ được một thời gian ngắn, Bình Minh lại rút ví mỗi lần có sự kiện ra mắt sản phẩm yêu thích.
Thế nhưng, kể từ năm 2020, những đợt sóng dịch bùng phát bất ngờ khiến chàng trai “lao đao”.
Thời gian đầu, khi chưa bị cắt giảm lương, lại làm việc tại gia, không mất chi phí đi lại, ăn trưa và cà phê, Bình Minh vẫn đặt hàng online các vật phẩm yêu thích về nhà.
Sau lần thứ 2 Covid-19 bùng phát, chàng trai mới “thấm đòn”, gặp nhiều rắc rối trong việc trang trải sinh hoạt phí hàng ngày do không có khoản dự phòng nào.
Mặt trái của sở thích tiêu pha
Phi Long (25 tuổi), huấn luyện viên thể thao tự do ở Hà Nội, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh chỉ kịp tiết kiệm khoảng 7 triệu đồng trước khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 3/2020.
Anh thầm nghĩ khoản đó chắc đủ để qua vài tuần thất nghiệp ấy, nhưng không ngờ đợt dịch kéo dài hơn dự kiến.
Công việc của Phi Long liên tục bị gián đoạn do dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.
“Thói quen tiêu xài đã suýt đẩy mình đến nghèo đói rồi, đến năm vừa qua thì Covid-19 đẩy mình thật luôn”, anh cho biết.
Hiện Phi Long cho biết anh vẫn chưa ổn định thu nhập như trước do những đợt dịch mới bùng phát bất ngờ.
Vì là lao động tự do, anh không có khoản hỗ trợ lương trong thời gian nghỉ dịch tại nhà. Do vậy, Long nhận thêm công việc chạy xe giao hàng cho shop online của bạn gái, đồng thời vay mượn đầu tư buôn bán điện thoại với bạn.
“Trước khi có Covid-19, mình thường ăn uống bên ngoài, mua sắm quần áo thể thao, dụng cụ tập luyện và đồ điện tử, trong đó đồ tập luyện ngốn nhiều lương mình nhất. Mình muốn sắm nhiều thứ để nâng giá trị bản thân, gây dựng hình ảnh tốt khi đi làm”, Phi Long chia sẻ.
“Hơn nữa, khi bắt đầu kiếm được nhiều tiền, mình bị cuốn vào việc tiêu tiền chóng vánh. Mình mới chuyển sang làm huấn luyện viên thể thao, có thu nhập trung bình 12 triệu đồng/tháng chưa được lâu. Trước đó, mình là nhân viên văn phòng với mức lương chỉ 5 triệu đồng”, anh nói.
Chia sẻ với Zing, Phi Long cho biết anh đang học cách tiết kiệm để chuẩn bị lấy vợ. Còn về phần Bình Minh, chàng trai cũng cân nhắc về sửa đổi triệt để thói quen chi tiêu vô tội vạ của mình.
“Hai đợt bùng dịch mới nhất đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của mình và cả chi tiêu trong gia đình. Bố mẹ mình cũng sắp về hưu nên cũng mong muốn mình có khoản tích lũy cho cuộc sống sau này. Mình cũng có những dự định cá nhân riêng nên chắc chắn phải xem xét lại việc chi tiêu sao cho hợp lý hơn”, anh nói.
Theo Zing