Kim Lý và Thái Hòa (hàng trên) cùng các diễn viên trong Vệ sĩ Sài Gòn - ẢNH: ĐPCC
Hàng loạt trang tin quốc tế vừa thông tin hãng phim lớn nhất thế giới Universal Pictures sẽ sản xuất phiên bản mới từ bộ phim Vệ sĩ Sài Gòn (Saigon bodyguards) của Việt Nam. Kịch bản phim Vệ sĩ Sài Gòn bản remake sẽ do Alex Gregory và Peter Huyck - tác giả của phim What men what, series truyền hình của HBO - Veep, chấp bút lại. Dự án phim sẽ do anh em nhà Russo (Anthony Russo và Joseph Russo) - từng đạo diễn loạt phim siêu anh hùng thuộc “vũ trụ” điện ảnh Marvel như Captain America 2: Chiến binh mùa đông, Avengers: Cuộc chiến vô cực và Avengers: Hồi kết... nắm vai trò nhà sản xuất. Vai chính của Vệ sĩ Sài Gòn từng do Thái Hòa - Kim Lý đảm nhận, sẽ được giao cho hai nam diễn viên nổi tiếng thế giới: Chris Pratt - từng đóng trong Jurassic World: Dominion, và Ngô Kinh - nổi tiếng từ loạt phim Wolf Warrior (Chiến lang) của Trung Quốc.
Hai ngôi sao Chris Pratt, Ngô Kinh tham gia phim remake Vệ sĩ Sài Gòn - ẢNH: DEADLINE
Vệ sĩ Sài Gòn do đạo diễn Ken Ochiai (người Nhật, sống tại Việt Nam nhiều năm) thực hiện từ kịch bản do Michael Thái viết. Phim do Rhombus Media - công ty có trụ sở tại Canada - và TNA Entertainment (đại diện dự án này là diễn viên Kim Lý) của Việt Nam hợp tác sản xuất, CJ Entertainment phát hành tại Việt Nam. Phim kể về hai vệ sĩ Viễn (Thái Hòa đóng) và Trịnh (Kim Lý) là bạn thân nhưng có tính cách đối lập, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Henry Lê (B Trần) - một “cậu ấm” thừa kế gia sản lớn đang trong thời gian ở Việt Nam chịu tang cha. Do Viễn trúng mỹ nhân kế, Henry Lê bị bắt cóc. Trên hành trình truy đuổi kẻ xấu, Viễn và Trịnh phát hiện một chàng trai bán phở có ngoại hình giống hệt Henry Lê nên Viễn đề nghị chàng trai này làm thế thân trong lúc tìm kiếm và giải cứu Henry Lê thật. Sau tất cả, kết phim là màn lật tẩy “ông trùm” cuối.
Tuy quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như Thái Hòa, Kim Lý, Chi Pu, B Trần, Diệp Lâm Anh..., nhưng bộ phim khi chiếu rạp Việt bị chê về kịch bản thiếu logic, thoại có phần không phù hợp với văn hóa, cách nói thường ngày của người Việt và cả diễn biến tâm lý của các nhân vật cũng không thuyết phục được số đông khán giả Việt Nam. Dù có sự góp mặt của “ngôi sao phòng vé” Thái Hòa lúc đó, phim Vệ sĩ Sài Gòn chỉ thu được 39 tỉ đồng.
Với ê kíp toàn tên tuổi lớn trong giới làm phim Hollywood chọn remake Vệ sĩ Sài Gòn, quả thực đây là một sự kiện đáng nhớ của điện ảnh Việt khi gây được chú ý lớn với giới làm phim không chỉ tại Việt Nam mà cả quốc tế.
Phù hợp nhu cầu khán giả quốc tế
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao người Mỹ chọn làm lại phim của Việt Nam? Kim Lý, nam diễn viên chính kiêm nhà sản xuất phim, cho biết anh đồng ý bán kịch bản Vệ sĩ Sài Gòn sau khoảng một năm thảo luận và thương lượng với đối tác. “Trước đây, tôi sản xuất phim này với kinh phí
1 triệu USD, giờ phim được Hollywood khoác lên một chiếc áo mới nên chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ. Phía Universal Pictures nói lý do họ mua Vệ sĩ Sài Gòn vì kịch bản phim phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả quốc tế, khi xoay quanh những vấn đề cốt lõi về tình bạn, tình yêu, gia đình, được dựng theo thể loại vốn luôn hấp dẫn khán giả là hành động - hài hước. Tôi rất vui khi phim được công chúng trên toàn thế giới biết tới nhiều hơn”, Kim Lý chia sẻ.
Nhà sản xuất Charlie Nguyễn khi được hỏi ý kiến về sự kiện này cũng đánh giá kịch bản Vệ sĩ Sài Gòn gãy gọn, tiết tấu nhanh, mang tính giải trí cao, và ở bất kỳ bối cảnh, quốc gia nào cũng có thể hiểu, đồng cảm với vấn đề mà phim đưa ra. “Hollywood mua lại kịch bản phim này chứng tỏ họ thích thú, thấy có nhiều cảm hứng trên nền kịch bản cũ của Vệ sĩ Sài Gòn để có thể tiếp tục sáng tạo, khai thác thêm dưới góc nhìn và tài năng nghề nghiệp của họ”. Công bằng mà nói, ngoài những điều không thuyết phục đã nói ở trên trong kịch bản Vệ sĩ Sài Gòn, ưu điểm của phim nằm ở những phân cảnh hài tình huống, đối thoại gây cười của cặp bạn với một người là hotboy đẹp trai và một người bề ngoài xấu, nói chuyện ngờ nghệch nhưng thông minh phút chót; cùng các cảnh hành động đánh đấm, đuổi bắt gay cấn mang tính đối kháng cao giữa các băng nhóm xã hội đen. Một thực tế nữa là chính việc “thiếu vắng dấu ấn đặc trưng của một nền văn hóa cụ thể” như khán giả Việt chê, lại khiến việc remake phim này trở nên dễ dàng hơn và khán giả quốc tế cũng dễ xem hơn.
Trước Vệ sĩ Sài Gòn, vào năm 2018, điện ảnh Việt cũng đã có kịch bản phim Cô hầu gái (biên kịch và đạo diễn Derek Nguyễn, chiếu rạp Việt năm 2016 với diễn xuất của Nhung Kate, Kim Xuân...) được Mỹ mua để làm lại với sự tham gia viết lại kịch bản từ nhà biên kịch Geoffrey Fletcher - từng đoạt Oscar 2010 cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất với phim Precious. Chuyện phim lấy bối cảnh năm 1953 tại miền Đông Nam bộ - Việt Nam, khi cuộc chiến tranh Đông Dương đang đi đến giai đoạn cao trào, một cô hầu gái tại một đồn điền cao su của thực dân Pháp liên tục gặp phải những điều bí ẩn trong căn biệt thự cổ để rồi khám phá ra những bí mật chết người. Đạo diễn Derek Nguyễn cho biết: “Nội dung chính phiên bản Mỹ của Cô hầu gái sẽ gần như nguyên tác, nhưng câu chuyện mới được kể xảy ra tại miền Nam nước Mỹ với bối cảnh thời gian được đổi thành Kỷ nguyên Tái thiết (1863 - 1877), và đây cũng là lúc Nội chiến Hoa Kỳ nổ ra (1861 - 1865)”. Chính mối quan hệ và sự hợp tác phát hành với giới làm phim quốc tế của đạo diễn Derek Nguyễn, nhà sản xuất Timothy Bùi... đã giúp
Cô hầu gái vượt qua khỏi biên giới đến Mỹ và được nhà biên kịch nổi tiếng Geoffrey S.Fletcher “để mắt”.
Tương tự, Vệ sĩ Sài Gòn có được thành quả này cũng chính từ lựa chọn kênh phát hành, mang phim của Kim Lý và đạo diễn Ken Ochiai thời gian trước đây sang chiếu tại Mỹ; để rồi năm 2019 phim đã được công ty của anh em đạo diễn nhà Russo chú ý, và họ mới quyết mua. Vì thế, việc chủ động tìm đường đưa phim tiếp cận khán giả, giới làm phim quốc tế luôn là điều cần thiết đối với các nhà làm phim Việt hiện nay để tăng cơ hội quảng bá, hợp tác cho phim, như “thương vụ” Vệ sĩ Sài Gòn lần này.
Theo thanhnien