leftcenterrightdel
Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ Kate Bartlett phát biểu tại triển lãm Giáo dục Hoa Kỳ 2022 

Triển lãm khai mạc ngày 4/10 với sự tham gia của đại diện của gần 60 trường đại học và cao đẳng, bao gồm nhiều trường đại học nghiên cứu hàng đầu, các học viện nghệ thuật danh tiếng và các trường cao đẳng của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, gần 1.300 học sinh, sinh viên và phụ huynh quan tâm tham dự. 

Trong diễn văn khai mạc, tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ Kate Bartlett nhấn mạnh “Các trường có mặt ở đây vì họ hiểu rõ rằng sinh viên Việt Nam có đóng góp đáng kể cho đội ngũ sinh viên của trường bằng tài năng và sự tận tâm”.

Bà Kate Bartlett cũng nhấn mạnh du học sinh Việt Nam luôn nổi bật trong cộng đồng du học sinh nước ngoài tại Mỹ vì sự chăm chỉ, tài năng cũng như thành tích nổi bật. 

Hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam (2013-2023), Hoa Kỳ luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với sinh viên Việt Nam. 

Hiện nay, có gần khoảng 30,000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ. Theo số liệu của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), trong năm học 2020-2021, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở quy mô toàn cầu, Việt Nam vẫn đứng thứ 6 về số lượng sinh viên quốc tế bậc đại học với 21.631 sinh viên.

 Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995), hợp tác giáo dục Việt - Mỹ đã có những bước tiến mạnh mẽ. Năm 2000, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) được thành lập với mục đích “cho phép công dân Việt Nam theo đuổi các nghiên cứu tiên tiến trong khoa học, toán học, y học và công nghệ; cho phép công dân Mỹ giảng dạy trong các lĩnh vực trên tại Việt Nam”.

Năm 2008, Việt Nam – Hoa Kỳ ký kết “Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục”. Đây là bước tiến mới trong quan hệ giáo dục giữa Việt Nam – Hoa Kỳ nhằm khuyến khích tăng cường tình hữu nghị.

Năm 2013, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thiết lập “Quan hệ Đối tác toàn diện”. Giáo dục là 1 trong 9 lĩnh vực được xác định được thúc đẩy và là nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của mỗi quan hệ.

Năm 2014, Thủ tướng chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án Đại học Fulbright Việt Nam. Trong cùng năm, Quốc hội Mỹ phê chuẩn thành luật cho phép chính phủ Mỹ tài trợ khoảng 20 triệu USD cho dự án này trong giai đoạn đầu tiên.

Năm 2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam. Năm 2022, Đại học Fulbright Việt Nam thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, xây dựng mạng lưới chuyên gia chất lượng nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước.

Theo vietnamnet