Tiến Phúc và Bội Tuyền phục chế sách Hán Nôm tại nhà - PHẠM HỮU
Cơ duyên đến với nghề của Bùi Tiến Phúc (31 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) từ khi còn là sinh viên Khoa Văn học ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Trong lần tìm hiểu về văn hóa Việt, Phúc bỗng dưng thấy thích bộ môn Hán Nôm rồi chọn làm chuyên ngành chính để học. Thế là từ học ở trường, Phúc đến các đình, chùa khắp Việt Nam để tìm tòi học hỏi. Không ngờ sau này chữ Hán Nôm trở thành niềm đam mê của Phúc rồi gắn bó với công tác nghiên cứu khi nào không hay.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, Phúc về Thư viện Huệ Quang (trực thuộc Trung tâm phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang) làm công tác sưu tầm, phục chế, số hóa tư liệu Hán Nôm Phật giáo. Cuối năm 2014, Phúc xin được học bổng sang Đài Loan học về ngành tu bổ, phục chế sách cổ và bảo tồn di sản văn hóa.
Thời gian học ở Đài Loan, Phúc gặp Trần Bội Tuyền (29 tuổi), người có cùng đam mê phục chế sách cổ. Vừa lúc đó, Bội Tuyền mới tốt nghiệp ngành mỹ thuật ở Mỹ, nhưng về Đài Loan vừa làm việc vừa học thêm nghề phục chế sách. Nhờ niềm đam mê sách, Phúc và Tuyền trở nên thân thiết hơn. Lâu dần tình cảm nảy nở và cả hai quyết định đi đến hôn nhân. Cuối năm 2019, nhận thấy nhu cầu tu bổ sách cổ ở Việt Nam rất lớn, Phúc thuyết phục vợ trở về Việt Nam mở Hán Nôm Đường (ở Q.12, TP.HCM) - nơi chuyên phục chế sách, tranh cổ cho người có nhu cầu. Phúc cho rằng điều may mắn với mình là có được người vợ cùng chung chí hướng. Mỗi ngày hai vợ chồng được ở cùng nhau và làm công việc yêu thích cùng nhau.
Theo Phúc, để làm được công việc phục chế này hầu hết phải học trong thời gian dài, khoảng 6 - 7 năm, thậm chí 10 năm. Tuy vậy, thời gian theo học Phúc gần như bị gia đình ngăn cản bởi học nghề lâu năm nhưng vẫn không làm ra tiền. Tiền làm ra lại đầu tư vào việc học. Nhiều lần định bỏ nghề nhưng nhờ cơ duyên, cuối cùng Phúc vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng.
Công việc phục chế một quyển sách cổ rất khó, cần rất nhiều thời gian, kỹ thuật tỉ mỉ. Người thực hiện phải biết được tất cả nguyên vật liệu trong việc tu bổ. Biết sử dụng các loại thuốc khi chữa bệnh cho sách. Những công đoạn xử lý cực kỳ phức tạp. Quan trọng nhất là người thợ phải có kiến thức lịch sử lâu đời về Hán Nôm. Điều đó giúp cho người thợ nhận biết được giá trị tuổi đời của quyển sách để tu bổ. Hoặc khi ghép những con chữ bị hỏng cũng cần biết ngôn ngữ Hán Nôm, do vậy buộc người làm nghề phải trau dồi kiến thức mỗi ngày.
Trần Bội Tuyền cho biết vì đam mê ngành phục chế nên mới chọn công việc này. Dù Tuyền không biết tiếng Việt nhưng từ khi về Việt Nam được tiếp xúc với nhiều sách tiếng Việt, Hán Việt lại càng thấy yêu thích văn hóa Việt hơn.
“Tôi được tiếp xúc và đọc nhiều Hán văn song ngữ được dịch sang tiếng Việt thời kỳ đầu như Truyện Kiều. Tôi được biết thêm về văn hóa Việt và thấy rất hứng thú từ những tác phẩm như vậy. Mục đích của tôi cũng muốn mang kỹ thuật tu bổ, nguyên liệu từ nước ngoài về đóng góp cho ngành phục chế sách cổ ở Việt Nam vì ở đây rất ít người trẻ làm công việc này”, Bội Tuyền nói.
Theo thanhnien