leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Nhà nội thích cháu trai nên tình thương cha dành cho em có phần thiên vị. Em nghịch và phá phách cỡ nào cha đều cười xòa. Với tôi, cha có phần thờ ơ. Cha con tôi như 2 hạt thóc giữa cánh đồng lặng im, kiệm lời với nhau từng chút. 

Nhớ có lần theo xuồng cha chở mạ đi cấy, tôi thòng chân vọc nước bị đỉa đeo hút máu vẫn không thấy sự sốt ruột nơi cha. Cha biểu xứ mình ở đâu không có đỉa. Thật khác với những lần cha trìu mến ngọng nghịu cưng nựng chị. Mẹ nói, từ sau đợt sốt bại liệt, chị thường đau yếu, tôi đừng so bì. Càng ngày, cảm giác bị cho ra rìa càng ám ảnh tôi. Vẫn ngỡ ngày tháng cứ trôi bằng những hiểu lầm…

Năm tôi vào lớp Bảy, một ngày, cha đi làm xa về và lần đầu tiên tạt qua trường đón tôi. Cùng chạy dưới cơn mưa, cha dẫn tôi vào tiệm đồng hồ nói tôi chọn 1 chiếc, cha tặng.

Tôi sung sướng không cách nào diễn tả được. Từ nhỏ toàn phải dùng lại đồ cũ của chị, giờ tôi sắp có một món đồ mới cho riêng mình. Tôi chọn chiếc đồng hồ dây mảnh xinh xinh. Đó là tiền công của mấy ngày trời cha xới mướn cày thuê, dầm sương dãi nắng.

Có lần, tôi được nhận học bổng. Vào buổi tối giao lưu, cũng cha chạy ghe về đưa tôi đi. Lúc tôi nhận quà xong, cha gọi thợ chụp cho 2 cha con một tấm hình. Sau này, mỗi lần nhìn tấm hình cũ, mẹ tôi đều nói 2 cha con thật giống nhau. Chỉ có tôi ngày ấy là không nhìn thấy niềm vui của cha phía dưới sân khấu.

Lên cấp III, nơi tôi học cách nhà hơn 7km. Từ nhà ra lộ cái băng đồng hơn 1km, tôi phải tranh thủ đi từ khi gà vừa gáy sáng mới kịp giờ. Vào mùa nước nổi không lội được, mỗi ngày 2 lượt cha chống sào đưa tôi băng qua cánh đồng mênh mông nước.

Ngày tôi vào đại học, những gánh vác trên vai cha oằn nặng. Ngoài việc đồng áng, cha còn làm thêm nghề đặt dớn. Dầm nước lội mưa, cả tuần mót máy từng đồng bán cá, cha đạp xe hơn 10km ra huyện đến ngân hàng chỉ để gửi cho con 500.000 đồng. Sau này, thỉnh thoảng cha nhắc vui rằng suốt 4 năm tôi học đại học, thứ cha thuộc nằm lòng không phải số điện thoại mà là số tài khoản ngân hàng của tôi.

Năm nhất, tôi nhắn xin cha chiếc xe đạp. Cha biểu tôi đợi cha ít bữa. Ở nhà, cha lặng lẽ đi mua từng món phụ tùng, tự tay ráp thành chiếc xe đạp, xong bắt xe đò đem lên cho tôi. Bóng lưng cha lúc quày quả bắt xe ôm ra về để kịp chuyến xe trưa, đến giờ, tôi vẫn không sao quên được.

Có xe đạp, lần hồi tôi lại nhắn xin cha chiếc máy tính xách tay. “Để từ từ cha tính” - cha nói. Một ngày, cha nhờ người quen chở bằng xe máy hơn trăm cây số lên thành phố để dẫn tôi đi mua. Hồi ra thanh toán, tôi thấy cha móc mấy lần áo lấy ra một bọc đen là gói tiền cha cất kỹ. Tôi biết số tiền kia là cả một vụ mùa.

Vậy mà đôi lần tôi chắt mót tiền làm thêm mua biếu cha quần áo, cha đều rầy la: “Quần áo cha thiếu gì”. Hay vài lần tôi mua bánh kẹo ở phố về biếu cha uống trà, cha cũng càm ràm: “Ba cái đồ quỷ này cha ăn hoài, mua chi tốn kém”. 

Năm cuối đại học, tôi chuyển trọ xa trường và thường phải đi thực tế. Tôi lại nhắn cha, xin chiếc xe “được” hơn. Cha nói: “Để cha tính”. Mấy ngày sau, tôi nhận được cuộc gọi của chành bảo ra nhận xe. Cha điện lên nói: “Cha mua xe cũ, con đi đỡ, máy móc còn ngon lắm”.

Tôi ra đời, xa nhà nhiều hơn trước. Mải miết đi, có khi nửa năm tôi mới về nhà. Mỗi lần hay tin tôi sắp về, cha đều mong ngóng. Bến xe cách nhà 15 cây số nhưng dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, tôi đều có cha chờ đón.

Khi tôi 30 thì tuổi cha đã gấp đôi tuổi tôi. Bây giờ, tôi có thể tự tin mua được cho cha nhiều thứ dù cha chẳng bao giờ có nhu cầu gì, duy chỉ có tình yêu thương và sự hy sinh thầm lặng của cha là tôi không cách nào trả nổi. 

Theo phụ nữ TPHCM