“Má nghỉ tay để đó con làm cho”, “Ba già rồi, không leo trèo được đâu. Để cuối tuần con tranh thủ chạy về nhà làm cho”… là những câu thường trực mỗi khi nhà ngoại có việc. Anh hăng hái, xông xáo từ việc thay bóng đèn, lợp lại mái nhà vỡ ngói hay đơn giản là tranh phần vào bếp nấu bữa cơm gia đình, chỉ vì được ông ngoại khen: “Thằng Hai nấu ăn là vừa miệng tôi nhất”.
Có những lần, ngày đi làm, tối anh lục đục xay xay trộn trộn, rồi ngồi vò nén từng viên nghệ đen trộn mật ong để gửi về cho ông ngoại, vì nghe cha vợ than đau bao tử, uống hoài thuốc tây vẫn không khỏi.
|
|
Ông xã của tác giả đang cắt móng chân cho cha vợ |
Vào những ngày cao điểm bận rộn như cuối năm, tôi làm kế toán lo sổ sách bận bù đầu, bọn trẻ con lo chuyện thi cử, mấy mẹ con chưa kịp gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông bà ngoại liền bị anh nhắc nhở: “Em có hiểu tâm lý người già không vậy? Ông bà bây giờ chỉ ngày ngày chờ mong điện thoại của con cháu ở xa gọi về. Đâu phải có chuyện gì thì mới gọi về nhà. Ba má chỉ cần nghe tiếng con cháu cũng ấm lòng. Bận gì mà ngày không dành được vài ba phút hỏi thăm cha mẹ mình?”.
Tôi đang bực mình nên nhấm nhẳng: “Thì đã có anh đại diện gia đình mình thường xuyên gọi điện về cho ông bà ngoại đấy thôi”. Anh vẫn giữ nguyên lập trường: “Có cha mẹ nào không thích nghe tiếng nói của cháu con mỗi ngày. Người già chỉ thế thôi cũng vui khỏe rồi. Làm gì thì làm, đừng để con cháu đứt sợi dây kết nối với ông bà”. Ba má tôi mà anh cứ làm như ba má anh, thiệt tình!
Ông ngoại bệnh, anh xin nghỉ phép về chăm ông khi nhìn thấy mấy chị em ai cũng bận việc, lại thêm bận bịu con nhỏ. Cha mình mà để con rể phải xin nghỉ phép về chăm sóc, mấy chị em chúng tôi thấy cũng hơi ngại. Nhưng anh nghĩ đơn giản - đàn ông chăm sóc cho đàn ông dễ dàng hơn, nhất là khi vệ sinh cá nhân.
Những bệnh nhân nằm cùng phòng với ông ngoại không ngớt lời khen “Nhà ông đại phúc, có thằng con trai thật hiếu thảo”. Anh luôn dặn dò tôi tìm những thứ lá cây nấu nước mang vào viện, để anh tắm rửa lau chùi cho ông. Anh lúc nào cũng tỉ mỉ như chỉ sợ ông đau.
Các cô con gái đến chăm ba lúc nào cũng thoắt tới thoắt đi, chỉ có anh như dán người bên giường bệnh - xoa chân, bóp từng ngón tay, giúp làm dịu bớt những cơn đau hành hạ ông ngoại. Trong phòng bệnh, không ai tin anh chỉ là con rể.
Móng tay, móng chân ông ngoại dài ngoằng, cứng ngắt, gây vướng víu, khó chịu nhưng mấy chị em không ai dám cắt, lúc nào cũng đợi anh và lần nào anh cũng cẩn thận đeo kính để nhìn cho rõ, sợ “phạm” vào da thịt chảy máu. Da người già khó lành, đau ông.
Mọi người thường hay nói “rể là khách”, nhưng từ việc lớn đến việc nhỏ trong gia đình bên ngoại, anh không nề hà bất cứ chuyện gì; mọi thứ đều được anh lo toan kỹ càng, chu đáo.
Những ngày nghỉ lễ, trong khi mấy mẹ con tôi muốn đi du lịch xa, anh lại hối mẹ con chúng tôi mau thu xếp về thăm ông bà ngoại. Cái lý của anh luôn là “Cha mẹ già như chuối chín cây, tranh thủ gần được mẹ cha ngày nào thì quý ngày đó. Sau này có muốn cũng không còn cha mẹ để thăm nom, chăm sóc. Thương cha, nhớ mẹ lúc đó muộn màng rồi em”.
Gia đình tôi tất thảy đều tin cậy, coi trọng ý kiến anh. Những việc lớn trong nhà ngoại đều có anh tham gia. Ngay cả những tâm tư, chia sẻ chuyện tình cảm hôn nhân, hết em rể đến các dì đều gọi điện tâm sự, tìm lời khuyên từ anh.
Trong khi tôi sồn sồn lên, tức tối xúi các bà em “không sống được với nhau thì ly hôn, việc gì mà phải chịu đựng nhau cho cực khổ” thì anh mềm mỏng làm “chuyên gia tư vấn”, hết gọi điện khuyên nhủ các dì, lại tranh thủ những lần đi công tác ghé ngang nhà rủ các em rể cà phê, tìm cách hàn gắn sự rạn nứt của gia đình các em.
Những việc trong gia đình tôi còn có ý kiến tranh luận, bao giờ câu “chốt hạ” của ba cũng là: “Để hỏi ý thằng Hai xem thế nào”. Riết rồi không biết tôi là con gái hay anh là con trai trong nhà. Khi gia đình tôi có việc, người được cả gia đình ngóng trông không phải tôi - đứa con gái trong gia đình, mà là anh - chàng rể; để rồi mỗi lần chúng tôi cãi nhau, cả nhà đều gán lỗi cho tôi. Còn tôi, rất khó giận chồng, mà có giận thì nghĩ đến tình cảm anh dành cho gia đình mình, tôi lại nhẹ nhàng bỏ qua.
Theo phụ nữ TPHCM