leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Về quê lần này, tôi rất vui. Người đàn ông tôi chọn làm chồng quả thật xứng đáng. Anh không tiếc gì với nhà bên ngoại. Ngoài thuốc bổ xương khớp, yến sào cho mẹ, nhân sâm, đông trùng hạ thảo cho ba, anh còn chu đáo mua cho em trai tôi mấy đôi giày hiệu với nửa lố áo thun đủ màu. Các cậu, các dì bên ngoại ai cũng có quà.

Tần ngần soạn sửa mấy hộp quà, mẹ tôi chậm rãi nói: “Mấy thứ này mắc lắm, mình cũng đâu có điều kiện xài thường xuyên, lần sau tụi con đừng mua nữa”. Tôi vội xua đi, trong giọng nói có chút tự hào: “Ba mẹ cứ dùng thoải mái, chừng nào hết con nói anh An mua tiếp”.

Mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi: “Vợ chồng trẻ phải biết tiết kiệm nghen con. Đừng để tới lúc không còn sức làm ra tiền mà quen xài sang là khổ lắm”.

Không dừng lại ở đó, mẹ còn theo nhắc tôi: nào là con rể biếu quà bên ngoại bao nhiêu thì con nhớ chu đáo lại với bên chồng bấy nhiêu, phải từ bằng hoặc hơn…; rằng chuyện cư xử sao cho vui vẻ vuông tròn 2 bên nội ngoại phải chú ý, đừng để mang tiếng con gái lấy chồng đem hết của nhà chồng về nhà mẹ đẻ; bà con cô bác, ba má chồng trong bụng không vui thì cuộc sống con sẽ khó mà yên ổn.

Tôi trấn an: “Mẹ yên tâm, anh An chồng con ảnh tốt lắm, ảnh không nghĩ gì đâu. Ảnh toàn xúi con phải lo cho ba mẹ đầy đủ. Chuyện gì con quên ảnh còn nhắc con nữa đó”.

Mẹ nhìn tôi cười, ánh mắt chất chứa nhiều điều không nói hết. Trong ánh mắt ấy có cả niềm vui trước mắt và cả nỗi lo lắng cho những ngày sắp tới. Tôi đã từng không hiểu vì sao mẹ lại lo. Có lẽ các bà mẹ luôn có tính lo xa hay do sự từng trải trong hành trình gần hết kiếp người khiến mẹ luôn có những dự cảm xa xôi?

Lúc nào cũng vậy, khi tôi đang ngập tràn trong hạnh phúc, mẹ cũng vui, nhưng lại luôn dặn thòng theo câu: “Đàn ông mà, phải trừ hao nha con. Thời trẻ hào phóng với mình 10 thì khi già còn chừng 3, 4 là mừng rồi”.

Tôi phì cười trước lời tiên đoán của mẹ. Mẹ kể, ba tôi ngày trẻ rất ga-lăng và rộng rãi. Lúc quen mẹ, những món quà của ba tặng mẹ làm con gái trong xóm “lác mắt” vì ghen tị. Đi làm có tiền, ba rất chịu chi.

Ngày cưới, bộ nữ trang ba mua cho mẹ cũng là thứ có một không hai ở cái xứ dừa quê ngoại. Rồi suốt những năm tháng son trẻ, tiền ba kiếm về một tay mẹ quản, ba chưa từng thắc mắc một lời. Chuyện chi xài trong nhà mẹ cũng toàn quyền quyết định. Ấy vậy mà những năm gần đây, ba tôi đâm ra khó tính, chi tiêu khó khăn, thắc mắc từng đồng.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hôm rồi, mẹ vui miệng hứa với mấy cô bạn sẽ góp tiền ủng hộ vài phần quà từ thiện, ba có vẻ không vui, còn la mẹ xài hoang, phá của. Lần đó, mẹ ức lòng gọi điện kể với tôi. Xả hết buồn bực trong lòng, mẹ vẫn kết lại bằng câu “đàn ông mà, phải trừ hao nha con”.

Có lẽ câu thần chú “phải biết trừ hao” ấy đã giúp mẹ bình tâm mà đi qua những lần ba tôi trái tính trái nết. Mẹ nói nếu cứ giữ tâm thế như ngày còn trẻ, chắc mẹ với ba hục hặc nhau hoài. Không cần so sánh với người này người khác, chỉ cần so với ba của ngày xưa, mẹ đã đủ thấy chạnh lòng. Nhưng những cơn chạnh lòng qua mau, bởi mẹ biết thời gian làm hư hao nhiều thứ, chỉ có tình sâu nghĩa nặng mới giúp bù vô mấy chỗ khuyết mòn.

Thời gian qua đi, trước bao chuyển biến của đời người, những người đàn bà như mẹ tôi vẫn đang cố gắng làm đầy thêm nghĩa vợ, tình chồng bằng lòng bao dung và vị tha. Những lần ba làm quá, đám con cháu rục rịch tính đường “đòi lại công bằng” cho mẹ, mẹ lại từ nạn nhân chuyển vai sang luật sư để bào chữa cho ba. Mẹ nói mãi đến khi các con chịu công nhận rằng ba cũng đáng được yêu thương và thông cảm mới thôi.

Riết rồi, mỗi lần ba mẹ có chuyện, tôi biết mình chỉ nên yên lặng ngồi nghe, bởi đơn giản, mẹ chỉ cần có người lắng nghe, để sạc đầy năng lượng mà đi tiếp trọn vẹn đoạn cuối của hành trình.

Theo phụ nữ TPHCM