leftcenterrightdel
 Tôi có thêm những mối quan hệ chất lượng từ khi đến sống ở chung cư (ảnh minh họa)

Khi mua căn hộ, biết bao thứ cần quan tâm hơn là... hàng xóm. Từ địa điểm mong muốn, diện tích căn hộ, giấy tờ pháp lý… và một điểm quan trọng nhất là phù hợp với túi tiền của mình. Kỹ lắm cũng chỉ là hỏi thăm an ninh chung quanh, chứ mấy khi tìm hiểu xem hàng xóm là ai, tính tình thế nào…

Việc mua căn hộ đang sử dụng, theo tôi còn là cái duyên, chứ đâu phải như những món hàng bày ra sẵn để cân nhắc, chọn lựa. Hơn 10 năm sống ở chung cư, tôi thở phào vì may quá mình chẳng chọn lựa gì mà gặp được hàng xóm dễ thương.

Khi trưởng thành, tôi đã sống xa gia đình nên hiểu rằng những mối quan hệ chung quanh là cần thiết. Vì vậy, sự hòa hợp hàng xóm là điều tôi luôn tự nhắc nhở mình. Thử hỏi, ở chung dãy nhà, đi cùng hành lang nên ra vào gì cũng gặp mặt mà để xảy ra chuyện dẫn đến mặt nặng mặt nhẹ với nhau, hoặc nhìn nhau như không quen biết thì khó chịu biết chừng nào. Nên tôi luôn có sự kết nối với những người chung quanh.

Nhưng không phải ai ở chung cư cũng có thiện chí kết nối với nhau. Xã hội mỗi người mỗi tính. Tôi chứng kiến không ít chuyện dở khóc dở cười với lối sống không thể hiểu nổi ở một số người.

Có nhà ở tầng dưới bị thấm nước trong nhà tắm, gọi thợ đến, họ nói đơn giản lắm, chỉ cần kiểm tra nền nhà tắm của tầng trên. Lúc đó chủ nhà mới ớ ra, trước đây có từng xích mích, tưởng cả đời chẳng chung chạm gì nên không ai xuống nước. Đến khi cần, liên hệ thì bị từ chối thẳng thừng: “5 phút cũng không cho làm”.

Ở chung cư, đường ống nước thường đi chung cùng tầng từ trên xuống. Một lần, ghé chơi phòng chị bạn, tôi tận mắt chứng kiến nước tràn ra sàn nhà tắm. Là nước từ máy giặt đang hoạt động ở căn hộ bên trên. Nguyên do là cống thoát nước lâu ngày bị nghẹt rác, thoát nước yếu, nên khi dùng nhiều nước sẽ bị tràn.

Chị nói đã gọi thợ, nhưng chung cư không phải muốn sửa đâu thì sửa. Mọi tác động đều phải báo với tổ trưởng hoặc xin phép phường, quận. Việc nào giải quyết được, tổ trưởng sẽ giải quyết bằng cách can thiệp với chủ hộ bên dưới, để thợ làm việc từ đường ống nằm ngay sát nhà họ.

Trong lúc chờ đợi vậy, chị lên nói phòng phía trên hạn chế dùng nước. Nào ngờ, không những chẳng hợp tác, mà còn mắng chị xối xả: “Chị lấy quyền gì mà bắt tôi không được nấu nướng, ăn uống, tắm giặt?”. Trong khi chị đã hạ giọng hết mức có thể, để nói với cô bé chỉ đáng tuổi con cháu mình thông cảm trong tình hình hiện tại. Chị kể, cũng may, bé đó chỉ là người ở trọ, chứ không phải chủ hộ. Ở trọ thì vài năm sẽ chuyển đi. Chứ gặp chủ hộ kiểu đó, có nước chị… bán căn hộ.

Một chủ căn hộ khác mà tôi quen là cô giáo về hưu. Cô có sở thích trồng cây nên đặt ít chậu cây ngoài khung cửa. Dù đã cẩn thận lót dĩa mỗi chậu để tưới nước không bị nhiểu xuống tầng dưới, nhưng thỉnh thoảng vẫn lỡ tay để rơi ít giọt, thế là ngay lập tức những âm thanh khó nghe nhất vọng từ dưới lên. Nghe chuyện, ai cũng biết do nhà phía dưới “chướng”, chứ có mấy giọt nước rơi xuống mái tôn, chẳng ảnh hưởng đến không gian sống của họ thì nhằm nhò gì. Gặp mùa mưa, nước tuôn xối xả thì sao?

leftcenterrightdel
 Tôi luôn nhắc nhở mình hãy trở thành một hàng xóm tốt (ảnh minh họa)

Có người nói, chắc họ giận cá chém thớt, hoặc cuộc sống nhiều áp lực quá dễ nóng nảy, chứ chuyện có đáng gì đâu để chuyện bé xé to, rồi tiềm khích lẫn nhau. Người khác thì chép miệng thở dài rằng, chẳng hiểu sao con người ngày càng khắc nghiệt với nhau…

Tôi thì nghĩ cuộc sống chẳng biết trước mai này ra sao, nên việc nhờ vả qua lại mình cũng vui vẻ hỗ trợ. Và cố gắng làm sao để chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì, để xóa nhòa mọi tiềm khích trong tâm thức mình.

Tôi nghe ai đó nói: “Tình hàng xóm thời nay trở thành… đặc sản quý hiếm”. Tôi nghĩ cũng không đến nỗi, vẫn có người này người kia. Tôi sống trong chung cư chỉ có 3 tầng, gần 60 căn hộ, nếu mình chịu mở lòng ra, sẽ gặp được những người hàng xóm dễ thương. Tôi cũng đã có thêm những mối quan hệ chất lượng chính là những người hàng xóm ở chung cư mình, để chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống và giúp đỡ nhau khi cần.

Ở chung cư, diện tích căn hộ như nhau nên gần như không có sự phân biệt tầng lớp. Khi đã sống quen, tôi thích lối sống ở chung cư, chứ không phải vì lựa chọn bởi kinh tế eo hẹp của mình.

Ở giữa thành thị, nhà nào biết nhà nấy, nhưng vẫn có sự gắn kết âm thầm, để bất cứ khi nào mình cần đến, những cánh cửa im ỉm đóng kia sẽ mở, lòng người luôn rộng mở!

Theo phụ nữ TPHCM