Cùng với những câu chuyện âm nhạc đa dạng về nội dung, chuỗi MV của K-ICM (Chân mây, Chơi vơi, Hoa không hương trong dự án Hoa, hay Chim quý trong lồng) và Hoàng Duyên (Vọng nguyệt) ra mắt gần đây còn tạo sức hút khi các nghệ sĩ khoác lên mình những bộ cổ phục Việt. Không chỉ vậy, cuối năm 2021, khi nhận cúp MAMA 2021 cho Best New Asian Artist Vietnam, Hoàng Duyên đã chọn những dạng thức trang phục ngũ thân lập lĩnh của triều Nguyễn để chụp bộ ảnh lưu lại cùng giải thưởng quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của mình.

Âm nhạc lan tỏa tình yêu cổ phục Việt - ảnh 1

Các mẫu Việt phục thời Nguyễn trong MVVọng nguyệtcủa Hoàng Duyên

NSCC

Tự nguyện và tự hào

Ca sĩ Hoàng Duyên chia sẻ việc các nghệ sĩ trẻ sử dụng cổ phục trong sản phẩm âm nhạc, trước hết, phản ánh suy nghĩ và tình cảm của người trẻ đối với truyền thống - văn hóa VN. “Tôi nghĩ một trong những đặc trưng của người Việt là hướng về nguồn cội, cho dù là thế hệ nào chăng nữa. Dù mọi người có thể thấy Gen Z rất khác với thế hệ cha mẹ, ông bà, nhưng các bạn vẫn luôn dành sự quan tâm, tìm hiểu và tiếp nhận những cái hay cái đẹp từ cha ông”, giọng ca sinh năm 1999 nói.

Âm nhạc lan tỏa tình yêu cổ phục Việt - ảnh 2

K-ICM với áo giao lĩnh trong MVChân mây

Không chỉ Hoàng Duyên mà nhiều nghệ sĩ trẻ khác khi có những cơ hội khoác lên mình Việt cổ phục (dự sự kiện giao lưu văn hóa, ra mắt sản phẩm có yếu tố văn hóa truyền thống hay quay MV) đều nhìn nhận: cổ phục VN rất đẹp! Nhà sản xuất sinh năm 1999 K-ICM cũng cho rằng sức hấp dẫn của cổ phục Việt thể hiện qua việc ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ tìm đến, sử dụng trong các sản phẩm âm nhạc của mình.

“Rõ ràng đâu ai bắt nghệ sĩ trẻ như chúng tôi phải làm vậy. Nếu không thấy đẹp, không yêu thích thì đã không đưa cổ phục vào sản phẩm âm nhạc, không mặc lên người và giới thiệu đến khán giả trong và ngoài nước. Chúng tôi tự nguyện và tự hào”, Hoàng Duyên cho biết.

Âm nhạc lan tỏa tình yêu cổ phục Việt - ảnh 3

Văn Mai Hươngmặc áo nhật bình (triều phục cho các bậc hậu, phi, cung tần và công chúa triều Nguyễn) trong MV Hoa không hương

Đại diện Hoa Niên (thương hiệu may và cho thuê trang phục cổ VN) - anh Tôn Thất Minh Khôi cho biết hiện có rất nhiều ê kíp nghệ sĩ trẻ đang tìm hiểu và kết hợp với các đơn vị Việt phục.

Âm nhạc và trang phục phải có tính liên kết

Khi sử dụng chất liệu truyền thống cho sản phẩm âm nhạc (từ âm nhạc đến trang phục cho MV), theo K-ICM: “Cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc lịch sử, tránh tình trạng lẫn lộn văn hóa, bởi một sản phẩm tiếp cận rất nhiều khán giả. Với âm nhạc, các nhạc cụ sử dụng phải là nhạc cụ dân tộc VN, cách đánh, cách rải nốt, cấu thành giai điệu phải gợi tả âm hưởng dân tộc VN. Âm nhạc và trang phục phải có tính liên kết để cùng truyền tải đến khán giả phần nghe và phần nhìn hiệu quả nhất”.

Hoàng Duyên thổ lộ cô vốn sinh ra và lớn lên ở quê, được nuôi dạy trong gia đình có mẹ là giáo viên văn nên cô tự nhận mình là “một người khá truyền thống” (trước đây, khi thi vào nhạc viện, Duyên đã chọn hát Hoa thơm bướm lượn). “Khi quyết định sử dụng chất liệu truyền thống, tôi và ê kíp đã tìm đến những người am hiểu và tận tâm - những người có cùng tình yêu và lý tưởng. Ngay cả nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền - người sáng tác những ca khúc cho dự án của tôi - cũng vậy, là người cầu thị và cầu toàn. Anh Tuyền đọc rất nhiều văn học dân gian, cũng như tìm tòi học hỏi âm nhạc dân gian cực kỳ nghiêm túc để vận dụng, sáng tạo mà vẫn giữ nguyên vẹn nét đẹp vốn dĩ”, “tân binh hoa sen” nói.

Theo TS-NSƯT Hải Phượng: “Khoan nói đến yêu, việc quan tâm đến những giá trị văn hóa Việt nói chung của các bạn trẻ là tín hiệu đáng mừng”. Chị cho rằng, có 2 trường phái bảo tồn: một là bảo tồn nguyên gốc (nằm ở bảo tàng), hai là bảo tồn và phát triển (có quyền sáng tạo). Nhiệm vụ của “người lớn” là bảo tồn, lưu giữ cho tốt, còn người trẻ dựa trên những cái “gốc rễ” đã có ấy để gìn giữ, phát huy. “Dù có thể có sai sót nhưng cứ làm, sai ở đâu thì chỉnh sửa khắc phục ở đó”, chị nói.

Và thực tế, trong sản phẩm kết hợp cổ phục (như Hoa không hương), trước phản ánh rằng cổ phục “sai triều đại”, ê kíp thực hiện đã giải thích rằng không đặt câu chuyện vào một triều đại, giai đoạn hay sự kiện lịch sử cụ thể nào mà MV là cách những người trẻ thể hiện sự tôn vinh giá trị văn hóa cổ truyền VN thông qua âm nhạc, lời hát, bối cảnh cùng những bộ sưu tập trang phục trải dài qua các triều đại Việt. Với suy nghĩ tích cực, K-ICM cho rằng: “Sau mỗi lần tranh cãi, có thêm một ít người biết đến áo tấc, nhật bình... thì với chúng tôi, nỗ lực này là xứng đáng”.

Theo Thanh niên