Những cọc gỗ ở ao nhà ông Đào Văn Đến đã nằm nhiều năm dưới bùn nước - Ảnh Lê Tân

Chiều 19.2, có mặt tại nhà ông Đào Văn Đến (ở thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) chúng tôi gặp tiến sĩ Bùi Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học), cùng các cộng sự và lãnh đạo huyện Thủy Nguyên đang bàn bạc việc khai quật khu vực phát lộ 13 cọc gỗ nghi liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288.

Đây là một đầm nuôi thủy sản có từ nhiều năm nay. Ông Đào Văn Đến cho biết: “Tôi mua lại đầm thủy sản này cách đây 6 năm. Chủ trước nghe nói cũng từng thấy và nhổ lên khoảng 10 cọc gỗ. 13 chiếc cọc này tôi thấy từ lâu nhưng không để ý đến. Hôm 9.2, mấy người giúp tôi thu hoạch cá có nói về bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê (cùng huyện Thủy Nguyên). Cảm thấy 13 chiếc cọc này có thể có liên quan nên tôi báo cho chính quyền”.

Hàng xóm của ông Đến, những người sống ở khu đầm Thượng này từ bé, cho biết nơi đây từng là một cách đồng rộng lớn. Trong lúc cấy cày, người dân phát hiện rất nhiều cọc nên đã đặt tên là “cánh đồng chân cọc”.

Ngoài 13 chiếc cọc đã phát lộ, người dân cho biết từng có 10 chiếc cọc khác đã được nhổ lên - Ảnh Lê Tân

“Các cọc to, chắc thì để kệ đấy. Cái nào nhỏ thì nhổ lên vứt đi hoặc làm củi đun. Sau này, cánh đồng được chuyển thành khu nuôi thủy sản. Có thể còn nhiều cọc dưới đất. Cũng có thể đã bị máy xúc nhổ hết đi rồi”, bà Đặng Thị Lan (50 tuổi, ngụ khu đầm Thượng) chỉ tay về phía bờ sông Đá Bạc, nói.

Thậm chí, ông Hoàng Văn Hiệp, hàng xóm nhà ông Đến, cũng cho biết: “Năm 2007, chúng tôi còn thấy 1 khúc gỗ to bị khoét ở giữa như 1 cái thuyền mộc dưới ao này. Khúc gỗ đó sau này bị người dân xẻ ra đóng đồ”. Theo ông Hiệp, tại vườn cây nhà ông cũng từng thấy cọc gỗ tương tự.

Việc 13 chiếc cọc ở ao nhà ông Đến có thật sự liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288 hay không sẽ được hé lộ dần trong hơn 40 ngày khai quật sắp tới (theo quyết định của UBND thành phố Hải Phòng, việc khai quật  sẽ được thực hiện từ ngày 18.2 đến ngày 31.3 trên diện tích 400 m2).

Theo người dân địa phương, khu vực quanh ao nhà ông Đến được gọi là "cánh đồng chân cọc" vì từng thấy nhiều cọc gỗ tương tự - Ảnh Lê Tân

Trong 13 cọc gỗ được tìm thấy, nhiều chiếc cọc đã bị hư hại vì không được bảo quản - Ảnh Lê Tân

Viện Khảo cổ học cho rằng, các cọc gỗ mới phát hiện có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288 - Ảnh Lê Tân

Việc khai quật sẽ do Viện Khảo cổ học chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng và UBND huyện Thủy Nguyên thực hiện từ ngày 18.2 đến ngày 31.3, trên diện tích 400 m2 - Ảnh Lê Tân

Theo thanhnien