Góc sông Ngự Hà nhìn từ một pháo nhãn của Đông thành Thủy Quan - Ảnh: THÁI LỘC

Điều rất nên là giải tỏa đến đâu phải cho bảo vệ, tìm kiếm, thậm chí tổ chức thám sát khảo cổ và san dọn trở lại hình hài ba tầng bậc vốn có của kinh thành. Tôi tin sẽ xuất lộ nhiều điều vô cùng thú vị và quý giá.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa


Trong công trình nghiên cứu về kinh thành Huế đăng trên tạp chí B.A.V.H. năm 1933, linh mục L.Cadière cũng đã đánh dấu ở mục 121, đề rõ: "Cửa hữu và cửa tả của Đông thành Thủy Quan. Ngày nay đã bít lại". Đó là ghi chép hiếm hoi về hai cổng cổ vừa phát lộ mà Tuổi Trẻ đã thông tin trong mấy ngày qua.

Một trong hai hỏa dược khố ở Tây Dực đài được một hộ dân dùng làm nhà ở vừa dời đi - Ảnh: THÁI LỘC

Hai cổng cổ chưa rõ chức năng

Ngày 29-6, chúng tôi cùng nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đức Thành Dũng có cuộc khảo sát thực địa khu vực quanh cầu Đông thành Thủy Quan và nhiều nơi trên kinh thành Huế.

Tại thượng thành gần cửa Đông Ba (Chánh Đông), thật đau lòng khi chứng kiến nhà vệ sinh của người dân đục vào phần pháo nhãn để thải trực tiếp xuống đường phòng lộ. Một đống chất thải rất lớn, cao đến 5-6m, dơ bẩn, bốc mùi vẫn còn tồn tại.

Có rất nhiều nền móng nhà cửa, gốc cây, bể nước và giếng khoan nằm ngổn ngang, số thì xây áp, số đục xuyên vào tường gạch bức thành. "Đúng là mức độ tàn phá vô cùng tàn nhẫn. May mà bức thành vĩ đại và kiên cố quá, nên về cơ bản vẫn giữ được hình hài, quý giá vô cùng" - giọng ông Dũng pha chút ngậm ngùi.

Đoạn thành phía nam của kinh thành Huế phơi bày tuyệt đẹp - Ảnh: THÁI LỘC

Tại hai cổng vừa xuất lộ, các thông số đo được gồm: phần vòm cao 108cm, rộng 85cm. Nếu bức tường kinh thành dày hơn 21m và cao hơn 6m thì bức thành mà hai chiếc cổng xuyên qua chỉ dày 1,25m và cao hơn 4m.

Có khá nhiều dấu vết chứng minh bức tường mỏng này (dày 1,25m, cao hơn 4m) xây sau, áp vào bức tường kinh thành (dày 21m, cao hơn 6m) đã xây hoàn chỉnh trước đó, cho dù toàn bộ gạch vồ, cả kích thước (khoảng 29,5x6,5cm) lẫn chất liệu đều tương đương với gạch xây kinh thành.

Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng hai cổng nói trên vốn được các tài liệu lịch sử, nhất là sách Đại Nam nhất thống chí, ghi chép với chức năng là "cửa đặt đại bác".

Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, sách trên không đề cập đến hai cổng trên mà chỉ đề cập đến công trình nằm trên cầu Đông thành Thủy Quan. Bởi phần Đông thành Thủy Quan ghi rõ: "... trên cầu xây lan can và cửa xưởng đại bác (chữ Hán là pháo môn)".

Bức tường thành có cổng cổ vừa phát lộ xuyên qua được phát hiện dấu vết minh chứng xây sau bức kinh thành - Ảnh: THÁI LỘC

Cũng tại thực địa, phần đá xanh rất cứng dưới cổng vừa xuất lộ mấp mô dấu mòn nhẵn có thể do con người đi lại và ngồi trên đó trong một thời gian dài... Từ những điều trên, nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng cho rằng hai cổng nói trên có thể vừa để quân lính ra vào làm công việc phòng bị hoặc ngồi ở đó để canh gác...

Riêng khu vực quanh cầu Đông thành Thủy Quan mà hai cổng vừa xuất lộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng rất cần thiết tiếp tục nghiên cứu.

Bởi lẽ thông tin từ người dân cho biết gần khu vực đó còn có 1 pháo xưởng cổ khá nguyên vẹn. Chưa hết, nằm ở phía bắc cầu, tài liệu của L.Cadière cũng đề cập đến Long Võ hữu vệ, có 10 đội binh...

Nếu nghiên cứu bài bản, xác định cả khu vực từng tồn tại một hệ thống phòng thủ liên hoàn đặc biệt của kinh thành Huế xưa, đây sẽ là điểm khám phá hấp dẫn đối với mọi người.

Tấm bia Tây Dực đài còn nguyên vị trí nhưng bị vỡ phần trên - Ảnh: THÁI LỘC

Hấp dẫn du khách lẫn giới nghiên cứu

Tiếp tục thực địa những nơi đã giải tỏa nhà cửa và phát dọn cây cối trên kinh thành, chúng tôi chứng kiến rất nhiều dấu tích thú vị được phát lộ. Đó là sự "xuất hiện" các hệ thống thoát nước, một số ụ súng, mô đất nhô cao để quan sát và các pháo xưởng/hỏa dược khố...

Đặc biệt tại Tây Thành đài - pháo đài ngay góc tây - vốn là một điểm phòng thủ trọng yếu, cạnh mô đất rất cao là một ngôi hỏa dược khố bằng gạch còn nguyên vẹn với những cửa vòm rất đẹp. Quý giá đặc biệt là sự tồn tại của tấm bia "Tây Thành đài" còn nguyên, chữ rất sắc nét nằm cạnh bên.

Tại pháo đài Tây Dực, tấm bia gắn trên tường thành có bị sứt mẻ phần trên, nhưng vẫn tồn tại hai hỏa dược khố: một cái còn nguyên, vào trong mát lạnh, có dấu vết của một hộ dân sinh sống vừa dời đi; một cái nằm cạnh đã bị đổ sụp một phần do chiến tranh.

Kinh thành Huế dầu thế kỷ 19

Sự tồn tại hai hỏa dược khố chứng tỏ đây cũng là vị trí phòng thủ trọng yếu, bởi nó gắn liền với cửa đường thủy Tây thành Thủy Quan, đoạn Ngự Hà xuyên qua kinh thành...

Hệ thống kinh thành có 24 pháo đài, nhưng sách Kinh thành Huế của nhà nghiên cứu Phan Thuận An chỉ ghi nhận được 15 tấm bia đá, trong đó có 9 tấm nằm nguyên vị trí và 6 tấm bị xê dịch hoặc không còn nguyên vẹn.

Có nghĩa là còn thiếu ít nhất 9 tấm bia nữa, kèm theo rất nhiều công trình khác còn lẩn khuất đâu đó trong các nền móng nhà cửa, hoa màu, cây bụi.

Điều mà ông Nguyễn Xuân Hoa chờ đợi chính là sự xuất lộ tiếp theo, được dự đoán không ít điều bất ngờ, hấp dẫn khi tiếp tục giải tỏa dân, phát dọn khu vực kinh thành và các pháo đài.

Với bộ mặt phía nam kinh thành Huế đang tiến hành giải tỏa và chỉnh trang, theo ông Hoa, có thể nhanh chóng tổ chức một tour du lịch khám phá rất hấp dẫn và mới lạ. Trong đó, tại các pháo nhãn ở kỳ đài và các pháo đài cần phục hồi hoàn chỉnh các pháo xưởng/hỏa dược khố, bố trí các đạn pháo thời Nguyễn.

Gắn liền với đó là tổ chức trưng bày, tái hiện công việc liên quan khí tượng thủy văn và lịch pháp thời Nguyễn tại đình Bát Phong ở Quan Tượng đài... "Đó sẽ là hình thức làm mới tour khám phá kinh thành Huế và sẽ vô cùng hấp dẫn, mới lạ mà không nơi đâu có được" - ông Hoa nhận định.

Một số hình ảnh tường thành Huế:

Một hỏa dược khố trên thượng thành - Ảnh: THÁI LỘC

Đình Bát Phong nằm trên Quan Tượng đài - nơi quan sát khí tượng dưới thời Nguyễn - Ảnh: THÁI LỘC

Những đoạn sông Ngự Hà thoáng rộng trong kinh thành Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Dọn dẹp sau giải tỏa những ngôi nhà trên kinh thành - Ảnh: THÁI LỘC

Dãy tường phía đông kinh thành sau giải tỏa - Ảnh: THÁI LỘC

Bia đá và hỏa dược khố ở Tây Thành đài còn nguyên vẹn - Ảnh: THÁI LỘC

Ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết kế hoạch thực hiện dự án di dân khỏi kinh thành tỉnh đã giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chịu trách nhiệm trực tiếp. Tỉnh cũng chỉ đạo trung tâm này lập đề án nghiên cứu đánh giá để có kế hoạch phát huy giá trị di tích khi giải tỏa xong.

"Về khu vực quanh cầu Đông thành Thủy Quan, gồm cả cây cầu, hai cổng vừa phát lộ và nhiều công trình liên quan đến khu vực phòng thủ trọng yếu này, đã được tỉnh đặt vào tầm ngắm nghiên cứu và phát huy giá trị cần thiết.

Tất nhiên, tôi nghĩ rằng dù là kế hoạch gì thì đây cũng là khu vực hấp dẫn đối với du khách lẫn các nhà nghiên cứu quan tâm giá trị của di tích Huế" - ông Phan Ngọc Thọ nói.

Theo tuoitre