leftcenterrightdel
Giáo sư gốc Việt Sir Jonathan Van-Tam. (Nguồn: Chính phủ Anh) 

Giáo sư gốc Việt Sir Jonathan Van-Tam - một chuyên gia y tế nổi tiếng tại Anh - sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 4-10/12 theo lời mời của một số cơ sở y tế trong nước.
Giáo sư Van-Tam sinh ra trong một gia đình có mẹ là người Anh, cha là người Pháp gốc Việt. Đảm nhận cương vị Phó Giám đốc y tế vùng England từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2022, Giáo sư Van-Tam đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng England.

Ông tham gia công tác ngăn chặn sự bùng phát của nhiều đại dịch, trong đó có dịch MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông), đậu mùa khỉ, cúm và COVID-19.
Tên tuổi vị giáo sư gốc Việt trở nên quen thuộc với người dân Anh trong thời kỳ dịch COVID-19 bởi ông thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp báo của Chính phủ Anh, trả lời nhiều cuộc phỏng vấn về vaccine và các biện pháp chống dịch của Anh.

Ông đã thu hút công chúng Anh với biệt tài diễn giải các vấn đề y khoa một cách dễ hiểu bằng lối nói ẩn dụ sống động.
Với những cống hiến trong việc lãnh đạo cơ quan y tế Anh đối phó đại dịch COVID-19, Giáo sư Jonathan Van-Tam đã được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sỹ đầu năm 2022.
sir-jonathan-van-tam-7791.jpg
leftcenterrightdel
Giáo sư Sir Jonathan Van-Tam (giữa) tại Lễ công bố Năm Hữu nghị Việt Nam-Anh 2023 tại Bộ Ngoại giao Anh (2/2023). (Ảnh: Phong Hà/TTXVN) 

Đối với Việt Nam, bằng kiến thức, kinh nghiệm cũng như cương vị lãnh đạo cơ quan y tế Anh, ông Jonathan Van-Tam đã có một số đóng góp, tư vấn chính sách hiệu quả về công tác phòng chống dịch COVID-19 thông qua mối quan hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.

Bên cạnh đó, Giáo sư Van-Tam cũng giữ vai trò là Chủ tịch danh dự Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS), một tổ chức tập hợp các trí thức, nhà khoa học và chuyên gia người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Vương quốc Anh và Ireland.

Những cơ duyên này đã trở thành sợi dây gắn kết vị giáo sư gốc Việt với mảnh đất quê cha đất tổ của mình và thôi thúc ông thực hiện chuyến đi Việt Nam.
Là một chuyên gia về bệnh cúm của Anh, bao gồm chuyên ngành dịch tễ học, bệnh truyền nhiễm, vaccine, thuốc chống virus và ứng phó đại dịch, Giáo sư Van-Tam nhận được sự quan tâm, săn đón của các cơ sở nghiên cứu y tế lớn ở Anh và nhiều nước khác.
Hoạt động chính của Giáo sư Van-Tam tại Việt Nam sẽ tập trung vào việc trao đổi kinh nghiệm và kiến thức y khoa, sản xuất thuốc và vaccine với một số đơn vị y tế của Việt Nam, đặc biệt là Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và Trung tâm Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI).

Ông cũng sẽ làm việc, trao đổi với một số cơ sở, đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu và ứng dụng y khoa hiện nay như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC), Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam, Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư Van-Tam cũng sẽ có các buổi làm việc, trao đổi chuyên môn với đại diện Bộ Y tế Việt Nam theo sự sắp xếp của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, nhằm góp phần tăng cường quan hệ hợp tác y tế hai nước.

Ngoài chương trình làm việc, Giáo sư gốc Việt dự kiến sẽ tham quan một số di tích và thắng cảnh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh và thăm tổ chức từ thiện Trẻ em Rồng Xanh.

Chuyến thăm Việt Nam không những là một sự kiện ý nghĩa với cá nhân Giáo sư Jonathan Van-Tam khi ông lần đầu trở về mảnh đất quê cha đất tổ, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầy hứa hẹn trong lĩnh vực y tế giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam và Anh.

Chuyến đi diễn ra trong năm Việt Nam và Anh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, theo đó sẽ góp phần tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân và củng cố lòng tin chiến lược giữa hai nước.

Không những thế, việc một trí thức gốc Việt nổi tiếng như Giáo sư Jonathan Van-Tam về Việt Nam cũng minh chứng cho thành công của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước.

Mong rằng chuyến “về nguồn” lần này của ông sẽ tạo cảm hứng cho các trí thức, nhà khoa học trong cộng đồng người Việt tại Anh nói riêng và trên thế giới nói chung trở về để chung tay phát triển đất nước./.

Theo vietnamplus