Tượng Hai Bà Trưng thờ tại Đền Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân, Hà Nội)

Theo sử sách, Trưng Trắc, Trưng Nhị là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh. Thân phụ Hai Bà Trưng là ông Trưng Định (tức Hùng Định), một hiền sĩ văn võ toàn tài, hậu duệ đời thứ 25 của Vua Hùng. Thân mẫu Hai Bà tên là Trần Thị Đoan (tục danh là bà Man Thiện), là người phụ nữ công, dung, ngôn, hạnh, đức độ, hiền hòa, thạo nông trang, chăn tằm, dệt vài. Đất Mê Linh lúc đó là lỵ sở của quận Giao Chỉ, lại cũng là lỵ sở của Giao Châu, là nơi dân cư đông đúc.

Ngày 1 tháng 8 năm Giáp Tuất (14 sau CN) bà Man Thiện sinh một lần được hai con gái. Vì là nhà chăn tằm, dệt cửi nên mới đặt tên cho cô chị là Trắc (lứa đầu - ''lứa chắc'' theo cách tính của nhà nuôi tằm), cô em là Nhị (''lứa nhì''- lần thứ  hai). Từ nhỏ, 2 chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã được cha dạy binh thư, võ nghệ, thạo đường cung kiếm.

Khi ông Hùng Định qua đời, bà Man Thiện tiếp tục nuôi dạy con theo ý nguyện của chồng. Bà mời vợ chồng ông Đỗ Năng Tế, Tạ Cẩn Nương là người hiền tài, giỏi việc quân về trực tiếp dạy dỗ 2 con. Chẳng bao lâu, Trưng Trắc, Trưng Nhị trở thành người giỏi võ công, văn trị.

Năm 19 tuổi, Trưng Trắc lấy con trai Lạc tướng huyện Chu Diên là Thi Sách. Hai gia đình vọng tộc được liên kết với nhau bởi quan hệ hôn nhân đã trở thành một thế lực mạnh trong giới quý tộc bản địa bấy giờ.

Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt. Viên Thái thú Tô Định là người vô cùng bạo ngược, tham lam. Tô Định thẳng thừng áp đặt các luật lệ của nhà Hán đối với nhân dân bản địa hòng nhanh chóng thực hiện chính sách đồng hóa. Mặt khác, vốn tính tham lam tàn bạo, hắn tìm mọi cách để vơ vét thật nhiều của cải, ra sức chèn ép bức hại quan lại bản địa, thẳng tay trừng phạt những người có tư tưởng chống lại chính quyền đô hộ.Trước cảnh nước mất, nhà tan, Hai Hà Trưng cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa. Biết được tin đó, Tô Định đã lập mưu kế hãm hại Thi Sách nhằm lung lạc ý chí của bà Trưng Trắc và tinh thần đấu tranh của nhân dân ta.

Hành động ngang ngược và tàn bạo đó của Tô Định không làm cho bà Trưng Trắc sờn lòng; trái lại, nợ nước, thù nhà càng làm cho bà thêm quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán, khôi phục độc lập “Đền nợ nước, trả thù nhà”.

Năm 40 (sau CN), Trưng Trắc đã cùng em gái Trưng Nhị phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa sông Hát với lời thề trước giờ xuất binh:

"Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kêu oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này"

(Theo Thiên Nam ngữ lục)

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhiều cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào rộng lớn từ miền xuôi đến miền núi đánh đuổi Tô Định phải bỏ chạy về nước.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã đánh chiếm được 65 huyện thành, lấy lại toàn bộ giang sơn, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán.

 Ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, bà Trưng Trắc xưng Vương,  phong cho em Trưng Nhị là Bình Khôi Công chúa, ban thưởng cho tướng sĩ, muôn dân; định đô tại Mê Linh – nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên và dấy binh khởi nghĩa.

"Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta"

(Theo Đại Nam quốc sử diễn ca)

Hiểu rõ sự thống khổ của nhân dân, nên khi lên ngôi vua, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng Trưng Vương đã có những quyết sách quan trọng như: ra lệnh miễn thuế khoá cho nhân dân 2 năm, xóa bỏ chế độ lao dịch và binh pháp cũ.

Năm 42, vua nhà Hán là Quang Vũ sai Phục Ba tướng quân Mã Viện, Lâu Thuyền tướng quân Đoàn Chí đem quân sang Âu Lạc tiến đánh Trưng Vương.

Được tin quân xâm lược nhà Hán do Mã Viện chỉ huy tiến vào Lãng Bạc, Trưng Vương cùng Trưng Nhị thống suất binh mã từ Mê Linh tiến đánh. Tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt. Quân Trưng Vương chiến đấu vô cùng dũng cảm. Song vì thế yếu hơn nên phải lui về Cấm Khê (vùng Yên Lạc – Vĩnh Phúc ngày nay). Mã Viện đem quân đuổi theo. Sau gần một năm anh dũng chống địch, cuối cùng vì sức yếu, quân ta tan vỡ; Hai Bà Trưng lui về Hát Môn rồi gieo mình xuống dòng sông Hát tự vẫn để bảo toàn khí tiết.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tuy chỉ đem lại nền độc lập cho đất nước trong gần 3 năm nhưng ý nghĩa của nó lại vô cùng vĩ đại. Có thể tự hào khẳng định rằng, Hai Bà Trưng là ngọn cờ giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, những nữ anh hùng đầu tiên làm rạng rỡ nòi giống Rồng Tiên. Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc ta, thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Hai Bà Trưng là những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên mở đầu cho truyền thống bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị nữ anh hùng dân tộc, nhân dân Mê Linh đã lập đền thờ, lấy ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa.

Phụ nữ Việt Nam