- Năm tháng chiến đấu ở Quảng Ngãi là kí ức không thể nào quên với ông về những người đồng đội của mình? Có những người đã ra đi mãi mãi…
Tôi từng là chiến sĩ của Đại đội 2, Tiểu đoàn pháo binh 107, Quân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi. Bản thân tôi là thương binh 2/4 và tôi cũng là nạn nhân chất độc da cam. Ai đã từng cầm súng thì hiểu rằng tháng 4/1975, khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi đã ôm nhau khóc “Sống rồi, hòa bình rồi, được về quê rồi! Bởi vì, chúng tôi đã hi sinh những năm tháng tuổi trẻ của mình để chiến đấu, hi sinh cho hòa bình, cho độc lập dân tộc.
|
Kiều bào Nguyễn Huy Thắng là thương binh 2/4 và cũng là nạn nhân chất độc da cam. |
Tuy nhiên, cũng đã có biết bao đồng đội của chúng tôi đã nằm xuống tại chiến trường. Chính vì thế, trên ban thờ nhà tôi tại Đức có 7 di ảnh của những đồng đội, ân nhân và người thân trong gia đình đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Giáp, Đồng Văn Minh, Trương Thanh Lâm, Phạm Văn Trinh, Má nuôi Nguyễn Thị Thùy, Đặng Trần Thanh, và Trịnh Mệnh. Cuộc đời và sự hy sinh của mỗi liệt sĩ là bản anh hùng ca ra trận gắn liền với tôi.
Má nuôi Nguyễn Thị Thuỳ, một người phụ nữ hiền lành nhưng rất dũng cảm, kiên cường, thông minh đã cứu sống tôi để tôi có ngày hôm nay. Năm 1972, Đại đội tôi tiến đánh vào đồn Hải Thuyền, nhưng do bị lộ, chúng tôi bị địch tấn công trước. Chúng tôi phải rút ra phía ngoài, nằm chờ ở bãi cát để dấu đội hình. Tôi bị 3 viên đạn bắn vào đùi, tôi nằm lại trên bãi cát ở thôn Bình để đêm hôm sau vượt sông sang Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. Bị thương ở đùi, bơi đi bơi lại 2 lần tôi không thể bơi sang bờ bên kia được.
Đúng lúc ấy thì một bà má xuất hiện nói với đồng đội của tôi: Các ông cứ đi đi, để nó lại tôi lo. Nó bị thương rồi không bơi được đâu. Nếu tôi còn sống thì nó còn sống, tôi nuôi nó khoẻ, tôi trả về đơn vị”.
Rồi má đưa tôi về nhà nuôi giấu. Trong 22 ngày ở nhà bà, có 5 lần địch ập vào bắt nhưng may mắn bà đưa tôi xuống hầm bí mật trong nhà và thoát chết. Sau đó đơn vị đã trở lại đón tôi về tiếp tục chiến đấu. Khi tôi bị thương lần nữa, má biết, bà gửi cho tôi 3 cân đường và 1 hộp sữa.
|
Bàn thờ 7 liệt sĩ tại nhà kiều bào Nguyễn Huy Thắng tại Đức. Ảnh chụp ngày 27/7/2023 (Từ trái qua phải là các liệt sĩ Nguyễn Văn Giáp, Đồng Văn Minh, Trương Thanh Lâm, Phạm Văn Trinh, Má nuôi Nguyễn Thị Thùy, Đặng Trần Thanh, và Trịnh Mệnh). |
Trong trận chiến Vạn Tường thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, anh Trương Thanh Lâm hy sinh trước giờ nổ súng nên cấp trên chỉ thị phải chôn cất tại chỗ. Thời gian gấp rút chúng tôi không kịp đào huyệt phải an táng đồng chí mình trong một công sự Mỹ. Nhưng công sự nông và ngắn, đặt đồng ý xuống không hở đầu thì hở chân. Tôi vừa khóc vừa ôm đồng chí ấy: "Đồng đội hãy thứ lỗi cho tôi". Rồi chúng tôi phải lấy dây võng bó chặt và đồng chí trong tư thế ngồi.
|
Kiều bào Nguyễn Huy Thắng gặp lại những đồng đội cũ tại tiểu đoàn pháo binh 107. |
-Những kí ức ám ảnh không thể quên với đồng đội, điều đó đã thôi thúc ông đi tìm mộ liệt sĩ?
Tôi có 34 năm sống ở Đức thì có 36 lần trở lại Quảng Ngãi đi tìm mộ liệt sĩ, tìm ân nhân cứu mạng mình. Có những ngôi mộ liệt sĩ tôi đã mất 8 năm để khắc một cái tên ở nghĩa trang Tịnh Hiệp. Đó là liệt sĩ Trịnh Mệnh,Trương Thanh Lâm...
Năm 2000, tôi cùng với người em trai liệt sĩ Trịnh Mệnh trở lại Quảng Ngãi để tìm hài cốt. Cảnh vật đã thay đổi khác xưa. Cả đoàn đã băng rừng, vượt đồi tìm được đúng vị trí năm xưa đã cấp cứu thương binh và xác định nơi chôn cất liệt sĩ Trịnh Mệnh.
Tuy nhiên, cán bộ xã cho biết, sau khi giải phóng, khoảng năm 1977, 1978, chính quyền địa phương phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa đi tìm và quy tập mộ liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh để đưa vào nghĩa trang. Lúc đầu cũng có danh sách, vẽ sơ đồ mộ chí, nhưng do xây dựng lại nghĩa trang mới đã làm xáo trộn vị trí.
Từ năm 2001 đến 2008, năm nào tôi cũng từ Đức về Quảng Ngãi đi đến từng nhà, hỏi từng người dân xem ai tham gia bốc mộ hài cốt liệt sĩ. Mãi đến năm 2008, tôi mới tìm được nhân chứng, làm các thủ tục và khắc tấm bia mang tên liệt sĩ Trịnh Mệnh, cấp bậc trung úy, chức vụ chính trị viên trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn pháo binh 107 Quảng Ngãi.
|
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng gục đầu bên ngôi mộ của liệt sĩ Trịnh Mệnh. |
Cũng vì tư thế lúc an táng liệt sĩ Trương Thanh Lâm mà tôi đã 15 lần trở lại chiến trường xưa để tìm mộ anh với hy vọng cải táng để anh thực sự được an nghỉ. Không chỉ tìm mộ, tôi còn thực hiện lời trăn trối của liệt sĩ trước khi trút hơi thở cuối cùng là: “Nếu ai còn sống cố gắng về cây số 5 thị xã Yên Bái tìm vợ con tôi…”. Sau hơn 40 năm, với không biết bao nhiêu lần về thành phố Yên Bái, mãi đến năm 2010, tôi mới tìm được vợ, con của anh, mặc dù gia đình đã chuyển về khu Tân Mai, Hà Nội.
Trong những lần về nước tôi cũng đi tìm má nuôi Nguyễn Thị Thuỳ. Trở lại làng cũ, tôi đi hỏi từng nhà, nhưng mọi người nói bà theo con vào TP.HCM sinh sống.
Năm 2010, khi dự buổi chiêu đãi ở Quãng Ngãi tôi kể lại câu chuyện của mình và chuyện má Thùy. Một trong những người khách cùng dự hôm đó là cháu, gọi má bằng cô.
Gặp lại má, bà đưa bàn tay chạm lên mặt tôi, nói: "Nhìn cái mắt, cái miệng của con, má nhớ. Con còn sống à?" Rồi má con tôi ôm nhau mà khóc. Khi bà mất tôi đã mang di ảnh bà về Đức thờ. Tôi và các con mà Thùy thường xuyên liên lạc, coi nhau như ruột thịt.
-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo thoidai