Một buổi chiều cuối năm, hội bạn cũ lại tụ tập trong một quán trà. Bác bán trà đon đả bưng ra những ly trà nóng hổi trong cái lạnh se se. Sau rổn rảng cười nói, là cái nhìn trầm ngâm của 1 người: “Lại tết rồi, lại 1 năm mới nữa đang về”.

Tôi lại nhớ những cái tết hồi tôi còn nhỏ. Từ giữa độ mùa đông, khi những luống khoai được vỡ ra, lộ đầy củ tím, mẹ trải nong phơi hành ngoài sân thì không khí tết đã bắt đầu manh nha. Nhưng với riêng tôi, tết và mùa xuân lại được khởi nguồn những hàng gạch mới. 

Hồi ấy, mỗi lần có ai quyết định làm nhà là lại tổ chức đào đất, đóng gạch rồi nung nguyên lò gạch mới cong, đỏ au.

 
Một ngày đông rét run nhưng khô ráo, lũ trẻ con ở trường tiểu học thấy có những hàng gạch mới như mọc lên dọc con đường. Gạch được đóng bằng đất sét vàng ươm, dẻo quánh. Cứ 2 viên xếp thành hàng, hàng nọ nối tiếp hàng kia, chẳng mấy chốc mà có được cả 1 hàng dài toàn gạch. Thứ gạch mới đóng đó được phơi dưới nắng để khô ráo trước khi cho vào lò. Trò chơi yêu thích của chúng tôi là chạy dọc theo những hàng gạch, í ới gọi nhau, tìm nhau. 

Tôi vẫn không sao quên được mùi gạch khi chưa vào lò đó. Mùi của đất đai gần gũi. Mùi của nắng gió miền đồng.

Mùi của một ngôi nhà chưa xây. Mùi của thứ hạnh phúc còn trong mong đợi. Một cái gì đó non nẻo và rất mới. 

Cuối năm, mẹ gọi điện kể chuyện làng mạc, tình cờ kể về khu lò gạch cũ giữa cánh đồng. “Xã giải tỏa rồi” - mẹ bảo vậy. Xóa sổ dần những lò gạch nung là một trong các biện pháp bảo vệ môi trường. Cũng chẳng sao, vì sẽ có công nghệ tiên tiến hơn thay thế.

Và thêm lý do nữa, bây giờ đám thanh niên trong xã cũng không còn mặn mà việc ở lại quê hương, làm ruộng, đóng gạch, chạy công… Vậy là sẽ hết cảnh người ta đóng gạch, hết những hàng gạch chạy dọc theo con đường bên cánh đồng, cảnh ngày mở lò với bao nhiêu viên gạch nung nóng hổi. Hóa ra, điều gì cũng có thể trở thành quá vãng xa xôi.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Một chiều cuối năm, như rất nhiều những chiều cuối năm khác, tôi dọn nhà, trong nỗi mong mỏi giá như có thể dọn sạch tâm trí mình như cách ta vẫn lau đi những vệt bụi, vết ố trên đám đồ đạc. Bạn chạy xe qua, mang cho 1 chậu cây mới. Trước thềm nhà tháng Chạp, 2 đứa lặng thinh, chẳng nói gì. Nhưng nhìn cái cây non nớt, bé bỏng, trổ ra đám lá non ngơ ngác đáng yêu, tôi lại thấy bồi hồi.

Tôi ngỡ như mình lại là đứa trẻ chưa lên 10, rón rén bàn chân chạy men theo những hàng gạch mới. Gió từ đồng vẫn thổi lên, rì rào qua rặng nhãn. Mùi đất đai, nắng gió vẫn quyện lại, đầy trong túi áo chúng tôi một hơi hướng lạ lùng.

Thì ra những mùi hương cũ vẫn có thể mất đi và người ta chỉ có thể neo vào ký ức. Nhưng tết và mùa xuân thì vẫn còn ở lại, mỗi khi lòng người ta còn mong mỏi sẽ mang lại điều gì đó mới lạ cho đời. Dù đôi khi, những lo toan thường ngày làm người ta dễ chấp nhận hơn việc đi theo những lối mòn, hưởng ứng những cách làm quen thuộc, miễn là yên ổn.

Nhưng đâu đó, gió của ngày hôm qua vẫn thổi, để thúc giục trong lòng mình giương lên cánh buồm mới, cho những ngày còn chưa hừng đông ở phía chân trời. 

Theo phụ nữ TPHCM