Nồi cơm của những năm gian khó làm gì thấy màu trắng của cơm. Chỉ thấy màu đùng đục của khoai lang, của ngô (bắp), của sắn (khoai mì), có khi là mít phơi khô. Lấy đầu đũa xới qua xới lại nhiều lần, mới thấy được ít cơm lẫn trong mớ khoai sắn độn ấy. 

Thời gian khó, người ta chẳng có điều kiện để nghĩ đến chuyện ăn ngon, được no bụng là may mắn lắm rồi. Thuở ấy, nhà ai cũng nghèo, lúa gạo cũng hiếm. Mà lạ, nhà nào cũng đông con. Ít thì ba, bốn đứa, nhiều thì có khi gần được đội bóng.

Để lo ngày ba bữa ăn cho những “cái tàu há mồm” đối với những bậc làm cha làm mẹ ngày ấy đâu phải chuyện giản đơn. Bởi vậy, một nắm gạo bỏ vào nồi thì phải bỏ thêm thật nhiều khoai, sắn mới mong yên những cái bụng lúc nào cũng réo ầm ầm.

Trong ký ức của tôi, sân nhà bà ngoại lúc nào cũng nồng nồng chua chua mùi của những nong sắn đang phơi. Sắn được bóc vỏ, thái mỏng, ngâm nước vài ngày nên có mùi chua chua khó chịu. Ngoại bảo, làm như thế sắn mới hết chất độc.

Sắn vớt ra, phơi dưới sân vàng nắng. Đó là lúc lũ gà rình mò thấy chủ không để ý là vội phóng lên nong mà mổ lấy mổ để. Cũng tội, thời ấy đến người còn không có gạo để ăn thì gà lấy đâu ra thóc ra gạo? Vì vậy, khi ngoại phơi sắn phơi khoai ngoài sân là tụi con nít chúng tôi phải vừa chơi vừa canh gà.

Những năm ấy làng tôi trồng rất nhiều sắn. Có lẽ chỉ có loài cây này mới hợp với “con nhà nghèo”. Trời miền Trung nắng bỏng rát, trên những miếng đất cứng ngắc mà sắn vẫn cứ mọc lên tươi tốt. Trước sân nhà nào cũng trắng màu sắn khô. Thỉnh thoảng cũng được nong mít nhưng hiếm hoi lắm.

Nhắc chuyện sắn mới nhớ, hồi đó người ta đưa về làng một giống sắn mới năng suất rất cao gọi là sắn cao sản. Sắn này trồng bán cho nhà máy để dùng trong công nghiệp.

Người ta có dặn bà con rằng sắn này không ăn được vì rất nhiều độc tố. Ấy vậy mà có bữa tôi nghe cả một gia đình trong làng bị ngộ độc sắn suýt chết phải đi cấp cứu ở bệnh viện ngoài thị xã. Ai nghe tin cũng bủn rủn tay chân. Nghĩ lại, thương quá chừng  thuở nghèo khó ấy.

Hồi còn nhỏ, tôi cũng được má chỉ tận tình cách nấu cơm độn. Nếu sắn tươi, khoai tươi, thì bỏ vào cùng với lúc vo gạo. Khoai sắn khô thì ngâm nước cho mềm, đợi cơm gần cạn thì cho vào.

Cơm độn cho ra một thứ mùi thơm vô cùng đặc biệt. Mở nắp nồi cơm mà đáy đã đen sì vì nấu bếp củi, lập tức mùi thơm bao trùm cả gian bếp. Thỉnh thoảng, tôi cũng được xí phần những lát khoai, lát sắn bở tơi vừa được lấy từ nồi cơm ra. Vừa thổi phù phù vừa ăn ngấu nghiến.

Con nhà nghèo nào mấy khi chê món ăn mẹ nấu, dẫu nồi cơm chỉ toàn khoai sắn, dẫu mâm cơm chỉ có mắm, muối, rau luộc, dưa cà… Mà có lẽ do nghèo nên bà ngoại và má mới nghĩ ra nhiều cách chế biến từ những rau củ thường ngày.

Ngoài sắn để phơi khô độn vào cơm, má còn xắt mỏng để xào hay nấu canh. Lá sắn muối chua để xào với mỡ. Thỉnh thoảng  ra đồng, má còn tranh thủ đi hái rau dớn về luộc chấm mắm cái, hay bắt được ít tôm, ít cá về kho lá nghệ.

Khỏi phải nói, bữa cơm hôm đó hết veo tận đáy nồi. Tôi nhớ má hồi đó hay có thói quen dằm nát khoai lang thật đều với cơm rồi ăn mà chẳng cần thức ăn gì cả. 

Từ những nồi cơm độn ấy mà ngoại nuôi má, nuôi dì. Rồi đến lượt má nuôi anh em chúng tôi. Bây giờ nồi cơm độn khoai sắn chỉ còn trong những câu chuyện dĩ vãng mà ngoại và má thỉnh thoảng vẫn hay kể cho cháu. Đám con nít trong nhà nghe kể cứ như thể đó là một “huyền thoại” xa lắc xa lơ nào vậy.

Ngoại tôi bảo, con nít bây giờ cái gì cũng chê. Chê thịt mỡ, chê cá kho không ngon, chê gạo không dẻo. Có khi tụi nó buông đũa mà bỏ ngang nửa chén cơm. Ngoại bảo hồi xưa, có mấy đứa con nít được ăn cơm, dẫu đó là thứ gạo xấu nhất? Thỉnh thoảng ngoại lại nấu nồi cơm độn, ngồi ăn mà rưng rưng nhớ thuở hàn vi của mình… 

Theo phunuonline